Gởi thương về phía thanh xuân

16/01/2017 - 11:22

PNO - Qua bao thăng trầm đời người, dường như bà vẫn vậy, trên gương mặt hằn rõ vết chân chim lại có nét hồn nhiên, cái sôi nổi, nhiệt thành thuở thanh xuân.

 Dường như tiếng “Hội” đã ăn sâu vào tiềm thức bà – một nữ thủ lĩnh từng đi qua không biết bao nhiêu chông gai đời người và chứng kiến những bước trưởng thành của phong trào phụ nữ (PN) từ thời kháng chiến chống Pháp đến nay. 

Goi thuong ve phia thanh xuan
Bà Đỗ Thị Chánh (bìa trái), Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM cùng đoàn cán bộ Hội thăm và biếu quà tết cho dì Năm Minh ngày 6/1/2017 - Ảnh: Hoài Thương.

Cán bộ Hội trẻ quen gọi bà Phan Thị Minh (SN 1926, nguyên Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM) bằng cái tên thân thương “dì Năm Minh”, nhưng ở vùng quê Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An này, người dân biết đến bà với tên “Tư Tuyết” nhiều hơn. Bởi vậy nên lần đầu về ấp Mỹ Nhơn, xã Tân Bửu hỏi nhà “dì Năm Minh”, tôi nhận được những cái lắc đầu: “Lạ quá hà, ở đây đâu có ai tên vậy”. Sau này, dì cháu có dịp chuyện trò nhiều hơn, bà móm mém cười: “Tên thiệt là Huỳnh Thị Tuyết con ơi. Nhưng dì đi kháng chiến, con trai phải gởi người ta, chồng thì tập kết ra Bắc nên lấy họ Phan của chồng, tên Minh của con ghép lại thành Phan Thị Minh. Ở miệt này, bây hỏi cả năm cũng không ra Năm Minh”. 

Sinh trưởng trong một gia đình thuần nông, ngay từ tuổi lên 10, Tư Tuyết đã biết nhổ cỏ, cấy lúa. Nhà nghèo đến nỗi chẳng có đôi dép lành để mang, nhưng Tư Tuyết ham học, lại lanh lẹ. Từ ngày Pháp trở lại Nam kỳ, sau nữa là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, như phần đông những người con gái quê mình, cuộc đời Tư Tuyết bước sang ngã rẽ mới.

Năm 1947, Tư Tuyết tham gia công tác PN của huyện Trung Huyện, tỉnh Chợ Lớn (cũ) rồi Hội PN cứu quốc tỉnh Chợ Lớn. Anh em bà, người thì thoát ly đi kháng chiến, người thì ở lại xã làm công tác thông tin, tuyên truyền. Trong những năm tháng vò võ đợi con, cha mẹ bà cũng đào hầm nuôi giấu cán bộ cách mạng.

Từ năm 1954, để hoạt động tại nội thành, bà giả làm người bán quần áo ở chợ An Đông (thuộc Q.5, TP.HCM ngày nay), công nhân xưởng thuộc da, hoặc đẩy xe bán hàng rong. “Lúc bấy giờ, cái cốt yếu là nói cho chị em mình hiểu về các phong trào đấu tranh, trách nhiệm của PN trong việc huy động quân, lương cho cách mạng. Thêm cái nữa là động viên chị em an tâm mần ăn, chớ thấy giặc mà sợ hãi, nao lòng” - bà kể. Sau phong trào Đồng khởi (năm 1960), bà rời Chợ Lớn về Cần Giuộc (Long An) đi cấy lúa, nhổ cỏ, cùng người dân đào hầm bí mật để bộ đội có chỗ ăn, ở an toàn.

Trước khi chuyển công tác về Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM, bà làm Phó hội trưởng Hội LHPN TP.HCM từ năm 1977-1984. Gần như cả cuộc đời bà dành cho Hội, đặc biệt là ở mảng nông thôn. Bước chân người con gái Nam kỳ tài sắc ấy đã qua hàng trăm bưng biền, từ miệt Mỹ Tho (Tiền Giang), Thủ Thừa, Đức Huệ, Đức Hòa (Long An), đến các quận/huyện ngoại thành TP.HCM. Bà hay nói vui: “Tối ở đâu là nhà, ngã đâu là giường. Xắn quần lội ruộng nhổ cỏ, cấy lúa riết thành nếp như người nông dân thôi, ai kêu “cán bộ” là rầy liền”. Qua bao thăng trầm đời người, dường như bà vẫn vậy, trên gương mặt hằn rõ vết chân chim lại có nét hồn nhiên, cái sôi nổi, nhiệt thành thuở thanh xuân.

Goi thuong ve phia thanh xuan
Năm 2017, dù ngồi một chỗ, dì Năm (trái) vẫn khoe: “Dì còn có thể cắt móng tay cho tụi bây đó chớ” - Ảnh: Hoài Thương.

Đầu năm 2015, bà Đinh Thị Bạch Mai, nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM xuống thăm, khoe chuyện Thành Hội PN xây dựng Nhà tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam anh hùng - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Rành tại huyện Củ Chi (TP.HCM), khai trương cổng đào tạo trực tuyến cho cán bộ, hội viên PN, bà nhoẻn miệng cười: “Dì rất phấn khởi. Không đọc báo được nhiều, dì “ngóng” tin Hội qua ra-đi-ô. Hội mình ráng lên nghen bây, ráng lo cho chị em”. Bước sang năm 2016, trong chuyến đi cùng lãnh đạo Hội LHPN TP.HCM về Bến Lức, thấy bà yếu hơn, bước chân trở nên nặng nhọc, dì Tám Nhỏ (Nguyễn Kim Phụng - thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Cán bộ hưu trí Hội LHPN TP.HCM) ái ngại: “Độ rày ăn, uống sao chị Năm? Em lo”. Bà lại cười, kiểu cười giòn tan: “Tui lo sống tới 100 luôn đó chớ, chị em cứ an lòng”. Nói vậy rồi bà siết tay lãnh đạo Thành Hội PN, dặn dò: “Chị em mình đa phần xuất thân từ nông dân, Hội lo cho chị em là phải đi từ cái nhỏ thôi. Hội cần đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, làm thủ công mỹ nghệ  cho chị em. Nghe Hội vận động PN hiến đất mần đường giao thông nông thôn, dì thấy mát dạ. Cái này hay, bây ráng phát huy”.

Lấy chồng năm 1950, đến năm 1952, bà sinh được cậu con trai duy nhất. Sang năm 1954, ông Phan Văn Sang (chồng bà) tập kết ra Bắc mãi tới năm 1975 mới trở lại miền Nam. Có lần, bà tâm sự: “Thương nhau thời chiến, biệt ly nhiều hơn sum họp. Vợ chồng dì được gần nhau lâu nhất là khi đã qua sườn dốc bên kia đời người và ổng bệnh nằm một chỗ (năm 1988)”. Cho tới giờ, từ khuôn làm bánh, cái nia sàng lúa đến chiếc khăn rằn, bà vẫn luôn giữ như báu vật. Ngoài vườn, chuối, khế, mít vẫn cho trái đều đều. Thi thoảng, bà còn chăm chút mấy chậu hoa cảnh. Từ độ chồng mất, con trai ở xa, bà sống một mình. Nhà lại rộng thênh thang. Cứ có chị em cán bộ Hội chạy xuống thăm, bà lại níu tay từng người: “Nhớ Hội mình lắm. Thấy các cháu là thấy thanh xuân”.

Bà nói, chưa bao giờ hối hận vì đã dành trọn tuổi thanh xuân theo cách mạng, làm việc Hội. Đối với bà, những tháng năm được sát cánh cùng cán bộ, hội viên PN đấu tranh giành độc lập và chung sức xây dựng phong trào PN thời kỳ trước đổi mới là một thời hết sức đẹp đẽ, đáng nhớ.

 MẪN NHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI