Hoa hồng cho hiệu trưởng, bao nhiêu?

13/10/2017 - 09:49

PNO - Khi khách rời khỏi phòng hiệu trưởng, ông gọi thủ quỹ mang sổ sang tiếp nhận cọc tiền mà vị khách kia vừa đưa cho ông, 30 triệu đồng chẵn

Đây là khoản tiền mà nhà thầu căng-tin và bãi giữ xe biếu riêng ông mỗi tháng ngoài hợp đồng đã thỏa thuận.

Hợp đồng trường học và khoản lãi ròng béo bở

Ông vừa mới chuyển về làm hiệu trưởng ngôi trường này. Mỗi tháng ông nhận được 30 triệu đồng, tức là một năm ông sẽ nhận được ít nhất 300 triệu đồng sau khi đã giảm giá 3 tháng hè. Riêng khoản hợp đồng mua bán đồng phục đầu năm do người tiền nhiệm thực hiện, ông phát hiện giá bán cho học sinh (HS) đắt gấp đôi giá mua từ nhà sản xuất và lãi ròng cho “phi vụ” này là 250 triệu đồng.

Hoa hong cho hieu truong, bao nhieu?
Ảnh minh họa

Khoản “lãi ròng” này hiện ở đâu chưa rõ, nhưng không thấy nằm trong các quỹ của trường! Ngoài ra, trước khi ra đi, vị lãnh đạo tiền nhiệm cũng kịp ký nhiều hợp đồng cho thuê mặt bằng với thời hạn từ 3-5 năm. 

Mới có 3 khoản là căng-tin, bãi xe và đồng phục ở ngôi trường có 1.000 HS mà mỗi năm họ đã có thể bỏ túi riêng hơn 500 triệu đồng. Vậy ở những ngôi trường loại 1 có quy mô 2.000-3.000 HS, số tiền chạy vào túi riêng sẽ là bao nhiêu?

Nhưng ba khoản ấy nào phải đã hết! Tất tần tật các hoạt động giao dịch từ thuê mướn mặt bằng, căng-tin, bãi xe, bếp ăn, cung cấp suất ăn, cung cấp thực phẩm bán trú, đi du lịch, mua sắm, xây dựng, sửa chữa, thậm chí đặt in tập vở để phát thưởng cho HS… cái gì đối tác cũng phải chi “hoa hồng”. Suy cho cùng, những đồng tiền ấy đều từ túi phụ huynh HS. Nói nôm na, nếu “hoa hồng” từ bếp ăn là 20% thì HS thay vì được 10 miếng thịt sẽ còn 8 miếng! 

Chuyện xảy ra ở một trường THPT tại một quận trên địa bàn TP.HCM.

Lời đồn đáng tin

Lâu nay, người ta vẫn nói nhiều về chuyện “hoa hồng” nhưng người nghe cũng nửa tin nửa ngờ, vì chẳng có cơ sở nào để nói nó là sự thật. Nhưng rồi sau những cuộc tố cáo của giáo viên, hiệu trưởng các trường buộc phải tổ chức đấu thầu căng-tin, bãi giữ xe, phòng dạy Anh văn… thì giá cho thuê bỗng tăng lên gấp đôi, gấp ba. Bấy giờ thì mọi người mới xác tín chuyện “hoa hồng”, thậm chí “hoa hồng” rất to, là hoàn toàn có cơ sở. 

Trước khi “hạ cánh”, hiệu trưởng một trường THPT tại Q.2 đã lén ký hợp đồng “chung thân” cho thuê mặt bằng đến… 5 “đời” hiệu trưởng. Mỗi nhiệm kỳ chỉ kéo dài 5 năm, nhưng ông dũng cảm ký bản hợp đồng cho đối tác thuê cơ sở trường tận 25 năm.

Có thể chia sẻ suy nghĩ: “Xài không hết thì đem cho thuê để có thêm nguồn thu bổ sung cho giáo dục”. Nếu đúng như thế thì mọi thứ phải công khai để tập thể giám sát nhằm chọn được đối tác tốt nhất cho nhà trường. Nhưng rất tiếc, đó luôn là những cái bắt tay dưới gầm bàn khiến giáo viên đi từ bất ngờ đến choáng váng. 

Một vị quản lý đã nghỉ hưu chỉ ra nghịch lý là từ lúc được tự chủ chi tiêu thì hiệu trưởng các trường công bỗng trở thành những nhà kinh tế giỏi! Một mặt ra sức tiết kiệm, chắt bóp từng tờ giấy, cây bút, viên phấn phát cho giáo viên, thậm chí còn cắt giảm cả những hoạt động dành cho HS.

Song song đó, họ ồ ạt “đẻ” ra những bản hợp đồng kinh tế, những cuộc vận động phụ huynh góp vốn làm công trình. Sự bất chấp khó hiểu ấy khiến giáo viên không thể không đặt câu hỏi: hiệu trưởng được gì sau những bản hợp đồng ấy? 

Hiệu trưởng không tự nhiên hư hỏng. Cơ chế tự chủ chi tiêu, sự phân cấp của ngành giáo dục cho hiệu trưởng, lẽ ra chỉ là một quản lý chuyên môn - nghiễm nhiên trở thành… vua một cõi. Đi cùng quyền lực bao giờ cũng kèm theo lợi ích. Cơ chế này đặt người hiệu trưởng trước nhiều cám dỗ, áp lực hơn bao giờ hết, chỉ cần thiếu bản lĩnh sẽ trở nên… hư hỏng. 

Nói đến đây, chúng tôi nhớ đến lời một chuyên gia giáo dục: Ở nhiều nước, vai trò của ông hiệu trưởng chỉ đơn thuần là một người quản lý chuyên môn chứ không phải đau đầu tính toán để tiết kiệm “nồi cơm” cho anh em giáo viên; càng không phải bận tâm lo vận động xã hội hóa - một nhiệm vụ đầy sức ép và cũng đầy nhạy cảm đối với một người làm giáo dục. Nhiệm vụ tối thượng của hiệu trưởng là nghiên cứu, lên kế hoạch giảng dạy; tạo môi trường dạy và học thật tốt…

Vì thế, mối quan hệ giữa phụ huynh - nhà trường - HS, giữa những nhà giáo với nhau là mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ, tôn trọng lẫn nhau. Không lẫn “mùi tiền” nên không có những cái gợn đầy nghi ngờ. 

Minh Nhật - Tiêu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI