H.Bình Chánh, TP.HCM: 27 người bị giam lỏng ngay trong nhà mình

06/04/2018 - 08:32

PNO - Gần 30 người bị “giam lỏng” trái luật ngay trong căn nhà của mình, bị đơn ngang nhiên vi phạm quyết định của tòa án, nhưng các cơ quan công quyền của H.Bình Chánh lại để vụ việc kéo dài nhiều năm.

Hai đời chủ tịch xã, hẻm vẫn bị bít 

Mười giờ ngày 4/4, bà Nguyễn Thị Anh (giáo viên, ngụ xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM) dẫn đường đưa chúng tôi qua con hẻm ngoằn ngoèo, băng qua đám ruộng lầy vừa mới đổ đá dăm để vào “xóm bị giam lỏng”. Cánh cổng vào xóm nhỏ là một bức tường vừa bị đập nham nhở cách đây vài ngày. 

Thấy chiếc xe máy chúng tôi trượt bánh, suýt ngã, bà Anh phân trần: “May là hôm nay trời nắng, đường này mà vào mùa mưa là xe khỏi ra vô luôn. Tụi tôi mới đập bức tường này để làm lối ra vào. Đường đi bị phong tỏa hơn nửa tháng nay. Trong khi chờ cơ quan chức năng, tụi tôi phải tự mở lối đi để cứu mình”.

H.Binh Chanh, TP.HCM: 27 nguoi bi  giam long ngay trong nha minh
Có đường nhưng người dân phải băng ruộng để vào nhà

Theo trình bày của bà Anh, bà và các hộ dân khác sinh sống và đi lại trên con hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2, xã An Phú Tây từ rất lâu. Năm 2015, ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em ở đầu hẻm thường xuyên đặt chậu cây, xây thềm xi măng để ngăn cản, gây khó khăn cho việc đi lại của các hộ dân. UBND xã An Phú Tây thời điểm đó có can thiệp nhưng không thành. Tháng 3/2016, một hộ dân trong hẻm làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân H.Bình Chánh để nhờ tòa giải quyết tranh chấp lối đi chung.

Ngày 15/1/2018, hai hộ dân ở đầu hẻm lại chặn đường, chỉ chừa một lối nhỏ đủ cho một người đi bộ. Trong ba ngày liên tục, gần 30 người dân phải gửi xe ở UBND xã và đi bộ về nhà với quãng đường hơn 1km. Sau đó, UBND xã An Phú Tây vào cuộc, con hẻm được “giải phóng” nhưng chỉ còn rộng 0,6m. Đến ngày 9/2, con hẻm lại bị bít hoàn toàn, không ai qua lại được. Hôm đó, UBND xã tiếp tục hòa giải, gia đình bà Anh năn nỉ, lối đi mới được mở.

Gần đây nhất, ngày 15/3, ông Hiền và bà Em lại chặn hẻm, người dân lại cầu cứu UBND xã nhưng sau đó, con hẻm vẫn bị bịt kín. Bị “giam lỏng”, bà Anh và một số hộ dân khác phải đập tường phía sau nhà để tìm lối đi băng qua ruộng. Tuy nhiên, đây chỉ là lối đi tạm qua đất của người khác; nếu trong vài ngày tới, chủ đất lấy lại lối đi thì người dân ở đây không biết sống thế nào.

Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ tại ấp 2, xã An Phú Tây) cho biết, vụ tranh chấp, bít hẻm số 164B/6 Tân Nhiễu đã phát sinh từ năm 2015 nhưng đến nay, qua hai đời chủ tịch xã, vẫn chưa có hướng giải quyết. Gia đình ông Nam có một chiếc ô tô nhưng hơn 2 năm nay phải trùm mền vì con hẻm đã bị bít kín. 

Coi quyết định của tòa như không

Vào tháng 3/2016, trong khi các bên đang tranh chấp chủ quyền con hẻm, khởi kiện ra tòa thì phía UBND xã An Phú Tây lại chấp nhận cho ông Hiền sửa chữa nhà ra hẻm khiến lối đi chung càng bị thu hẹp.Thấy việc làm của UBND xã An Phú Tây sai trái, người dân đã khiếu nại vụ việc lên cơ quan chức năng. Sau đó, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy H.Bình Chánh đã lập đoàn kiểm tra và thông báo kết luận các sai phạm của UBND xã An Phú Tây, trong đó nêu rõ: “Đến nay, UBND xã An Phú Tây chưa xử lý công trình vi phạm của ông Nguyễn Văn Hiền là thực hiện không đúng quy định”.

Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy H.Bình Chánh yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bà Trần Thị Hải Yến - Chủ tịch UBND xã An Phú Tây thời điểm đó - và các tập thể, cá nhân liên quan trong việc chưa xử lý công trình vi phạm của ông Hiền. Quyết định đã có, nhưng theo người dân, đến nay, công trình được kết luận vi phạm của ông Hiền vẫn chưa bị xử lý. 

Ngoài ra, ngày 22/8/2016, Tòa án nhân dân H.Bình Chánh đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em thay đổi hiện trạng lối đi đang tranh chấp”, “cấm ông Nguyễn Văn Hiền và bà Trần Thị Em có hành vi ngăn cản việc sử dụng lối đi đang tranh chấp”. Dù đã có quyết định của tòa án nhưng phía ông Hiền và bà Em vẫn ngang nhiên bít lối đi. Hành vi vi phạm pháp luật này đã được trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền H.Bình Chánh, nhưng các cơ quan này vẫn không có biện pháp xử lý. 

Rút đơn kiện để xã hòa giải(?)

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trương Ngọc Thanh Nhân - Chủ tịch UBND xã An Phú Tây - xác nhận, việc tranh chấp hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, ấp 2 đã diễn ra nhiều năm nay. Trong năm 2018, UBND xã đã hai lần vận động gia đình ông Hiền tháo dỡ hàng rào. Hiện tại, chính quyền địa phương đã tạo lối đi tạm cho các hộ phía trong. Trả lời câu hỏi “vì sao ông Hiền, bà Em chặn lối đi trái luật mà địa phương không cưỡng chế?”, ông Nhân nói: “Trước mắt, địa phương vẫn tiếp tục kiên trì hòa giải, vận động hai hộ gia đình. Việc cưỡng chế còn gặp khó khăn do hộ ông Hiền có nhiều người già (bà ngoại trên 87 tuổi), phụ nữ và trẻ em”.

Ông Nhân cho biết thêm, hiện địa phương có hai phương án giải quyết: Thứ nhất, hỗ trợ các gia đình phía trong hẻm sử dụng lối đi tạm thành lối đi riêng cho họ; thứ hai, thực hiện đồng thời ba việc là, gia đình ông Nam, bà Anh phải thừa nhận, góp công, góp sức tu bổ đường đi này (vì đất hẻm do ông bà của ông Hiền để lại); anh Nam rút đơn khiếu kiện; UBND xã liên hệ các cơ quan báo chí để tổ chức buổi công bố kết quả hòa giải. Dự kiến, ngày 10/4 tới, UBND xã sẽ tổ chức họp, lắng nghe nguyện vọng của hai bên. Ông Nguyễn Văn Nam cho biết, các hộ dân không đồng ý với phương án mua lối đi tạm làm lối đi chính và mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc. 

Theo các luật sư, phương án của UBND xã là “có vấn đề”, vì khi có tranh chấp, hòa giải không thành, người dân khởi kiện ra tòa án đòi quyền lợi là hoàn toàn đúng luật. Tòa án yêu cầu giữ nguyên hiện trạng tranh chấp, nhưng phía bị đơn vẫn cố tình bít lối đi, coi thường quyết định của tòa, lẽ ra các cơ quan chức năng tại địa phương phải xử lý hành vi này, mới bảo đảm thượng tôn pháp luật. 

Máu đã đổ trên con hẻm tranh chấp

Do tranh chấp hẻm 164B/6 Tân Nhiễu, phía gia đình ông Hiền, bà Em đã nhiều lần đánh nhau với các gia đình phía trong hẻm. Cụ thể, ngày 14/1/2016, anh Nguyễn Văn Nam điều khiển ô tô chở vợ là chị Huỳnh Thị Yến từ trong nhà ra hẻm. Do trước nhà bà Em có chậu hoa chắn hẻm nên chị Yến xuống xe dịch chậu hoa để anh Nam lái xe qua thì bị Lê Thị Thanh Đào (con ruột của bà Em) ra ngăn cản, dẫn đến cự cãi, đánh nhau. Trong quá trình ẩu đả, chị Đào đã dùng tay cào lên mặt chị Yến gây thương tích 10%. Tiếp đến, ngày 26/3, bà Nguyễn Thị Anh điều khiển xe máy vào hẻm thì bị ông Hiền chạy ra chặn lại, dùng tay đánh thẳng vào mặt bà.

Ngày 19/8, chị Phạm Thị Ngọc Dung chở con đi học về, khi vào hẻm thì bị ông Hiền chặn lại, dùng ghế nhựa đập vào đầu. Lúc này, anh Phạm Minh Tâm (chồng chị Dung) từ trong nhà chạy ra can thiệp cũng bị ông Hiền đánh, nhưng được mọi người can ngăn. Khoảng 2 giờ sau, anh Tâm chạy xe máy ngang qua hẻm trước nhà ông Hiền, bị ông Hiền cầm ghế nhựa ném vào người, anh Tâm dừng lại, bước xuống xe thì bị ông Hiền dùng dao chém nhưng không trúng.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI