Hãy đăng tin có trách nhiệm

23/03/2018 - 10:40

PNO - Tin đồn thất thiệt xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một phần tất yếu của cuộc sống và trong nhiều trường hợp gây tác hại không nhỏ.

Gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội là việc nở rộ thông tin sai sự thật trên không gian mênh mông này. Thông tin “độc” không chỉ gây hoang mang, lo lắng trong xã hội mà còn gây mất thời gian, công sức khi xác minh, làm rõ sự thật.

Hay dang tin co trach nhiem
 

Từ giật gân, bôi nhọ, câu view…

Chiều 19/3, tài khoản Facebook “Son Thai” đã tung thông tin, hình ảnh và tin nhắn liên quan đến việc Phó bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng có bồ nhí. Các hình ảnh, số điện thoại này được cho là của ông Hưng kèm những tin nhắn qua lại với một “hot girl”.

Các tin nhắn nhắc đến những dữ kiện xảy ra có liên quan đến nội bộ của tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua, gồm cả việc bỏ phiếu, kỷ luật cán bộ. Trong các dòng tin nhắn cũng nhắc đến trường hợp của “hot girl” Quỳnh Anh và tên một số vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra có những tin nhắn nhắc đến chuyện nhà cửa, xế hộp và những chuyện riêng tư giữa “hot girl” với ông Hưng.

Ở TP.HCM cũng vừa xuất hiện trường hợp trẻ sơ sinh và thai phụ bị cho là đã chết khi sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên”. Theo đó, ngày 14/3, tài khoản Facebook Minh Phương đưa tin về một sản phụ sau khi tham gia lớp tập huấn với chi phí 15 triệu đồng về việc tự sinh con tại nhà, tự chăm sóc, không cần cắt dây rốn, đã chết trong quá trình chuyển dạ do kiệt sức. Các thông tin này lan truyền nhanh chóng, gây hoang mang dư luận. 

Ở Bến Tre, cũng trong ngày 14/3, Nguyễn Minh Chánh, 29 tuổi, ở phường Phú Tân, TP.Bến Tre đã đăng tin thất thiệt về “Vụ chặt đầu em bé bốn tuổi ở Giồng Trôm...” trên fanpage “Tin tức Bến Tre”. Theo ông Chánh, tối hôm đó, ông nhận được thông tin từ người bạn tên Minh báo rằng: “Chiều nghe bên pháp y nói rằng, có vụ chặt đầu em bé bốn tuổi ở Giồng Trôm gần Trường Nguyễn Thị Định” nên đã đăng nội dung này. Sáng hôm sau, ông tiếp tục cập nhật và khẳng định có sự xác nhận của một nguồn tin tin cậy từ Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre). Sau đó ông đã xóa bản gốc trên fanpage của mình.

Ngày 6/6/2017, Facebook Ngọc Nguyễn tung tin một bà mẹ chở con ngồi trên xe đang đi mà bị kẻ bắt cóc giật luôn con. Còn một vụ  cháu bé đang chơi thì bị một bà bịt mặt tới giật bồng bỏ chạy. Cả hai vụ đều được người dân bắt lại giao công an xử lý. Người phụ nữ khai đi chung cùng 7 người, bọn họ lảng vảng ở các khu vực khác... Nội dung này ngay sau đó đã lan truyền gây hoang mang dư luận, đặc biệt ở Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng, nơi được cho là xảy ra sự việc này.

Ngoài ra, còn nhiều kiểu tung tin đồn thất thiệt khác như ca sĩ này bị chồng bỏ, diễn viên nọ bị bệnh nan y hay doanh nghiệp kia nợ nần phá sản rồi đến chuyện Việt Nam sắp hết gạo hay ăn bưởi gây ung thư... 

… đến tốn kém cho tất cả

Tin đồn thất thiệt xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành một phần tất yếu của cuộc sống và trong nhiều trường hợp gây tác hại không nhỏ.

Chuyện đồn thổi cán bộ lãnh đạo và hot girl ở Thanh Hóa, ngay sau đó cô gái đã lên tiếng mình không phải người tình của ông phó bí thư. Các cơ quan như Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo tỉnh ủy địa phương này đã khẳng định thông tin trên là bịa đặt.

Hay dang tin co trach nhiem

Vụ sinh thuận tự nhiên, nhận định đây là thông tin thất thiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế cũng như trật tự an toàn xã hội, sáng 19/3, Bộ Y tế đã gửi công văn đến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan cùng phối hợp, xác minh và xử lý đối với những trường hợp cá nhân, tập thể đăng tin đồn thất thiệt (nếu có) về phương pháp “sinh thuận tự nhiên”.

Về phương diện chuyên môn, Bộ Y tế khẳng định việc tự sinh tại nhà là phản khoa học, có thể gây ra những tai biến nghiêm trọng như vỡ tử cung, băng huyết, nhiễm trùng dẫn đến tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Để đảm bảo an toàn trật tự xã hội cũng như ngăn ngừa đấu tranh với các hành vi sai trái, phản khoa học dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an giao các đơn vị chức năng điều tra, xác minh các trường hợp sinh con theo phương pháp “thuận tự nhiên”, trong đó có tài khoản Facebook Minh Phương đã nêu. Bộ đề nghị xử lý theo quy định pháp luật việc đăng tải thông tin thất thiệt, phản khoa học (nếu có), ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân…

Bộ Y tế cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về truyền thông vào cuộc xác minh, ngăn chặn xử lý các tập thể, cá nhân truyền bá trái phép (nếu có) phương pháp sinh đẻ phản khoa học, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân theo quy định của pháp luật. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nhanh chóng xác minh độ xác thực của thông tin từ tài khoản Facebook có tên Minh Phương, xử lý các tập thể, cá nhân đăng tải thông tin thất thiệt, phản khoa học gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Vụ tin đồn ở Bến Tre, ngày 20/3, ông Thái Huỳnh Tư, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh, cho biết: sở đã xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với ông Chánh về hành vi đăng tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. 

Công an Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng mời hai chủ tài khoản Facebook đến làm việc. Người thì cho rằng, đăng lại để cảnh báo các bà mẹ có con nhỏ. Người khai nhận, tự nghĩ ra nội dung nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng online. Hai người này sau đó đã bị phạt hành chính.

Đăng tin sai lệch trên Facebook có thể bị từ đến 7 năm

Người dùng Facebook cần có ý thức, trách nhiệm, có đạo đức với những gì mình viết và đăng. Nếu thực hiện hành vi đưa thông tin xuyên tạc, sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ, mục đích, có thể xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự. Người dân cũng cần cảnh giác với những tin đồn thiếu cơ sở, tích cực cộng tác, phối hợp với cơ quan chức năng, lên án những hành vi cố tình lan truyền thông tin thất thiệt.

Về trách nhiệm dân sự, các trường hợp này, nếu cá nhân, tổ chức thấy mình bị tin đồn làm thiệt hại danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc tài sản thì có quyền kiện ra tòa đòi bồi thường cả vật chất lẫn tinh thần và buộc xin lỗi công khai. 

Về trách nhiệm hành chính, theo Nghị định 174/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các hành vi nêu trên có thể bị phạt tiền đến 30 triệu đồng.

Với sự phát triển của công nghệ, việc tìm ra người tung tin đồn trên mạng không khó. Xử lý việc tung tin thất thiệt phải căn cứ vào mục đích và hậu quả của hành vi. Xác định tội danh cũng không đơn giản khi họ thừa nhận tung tin chỉ là để “câu view”.

Nếu xác định được người thực hiện hành vi tung tin sai lệch lên mạng xã hội và thông tin thất thiệt đó có tính chất vu khống thì người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 50 triệu đồng, phạt tù cao nhất đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

Riêng đối với những tin đồn ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước cũng như việc thực hiện nó, thì có thể bị xử lý về hành vi phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội. Những tin đồn như xăng tăng giá, hết gạo ăn... thuộc dạng này và ảnh hưởng đến cả xã hội, chính sách, nền kinh tế. 

Ngoài ra, tùy theo vụ việc cụ thể, người vi phạm cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 Bộ luật Hình sự 2015. 

Theo đó, với những hành vi như đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật; mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó… thì tùy tính chất, mức độ có thể bị xử phạt đến 7 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đến 5 năm.

 Luật sư Bùi Viết Nông (Đoàn Luật sư TP.HCM) 

Loan Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI