Tiếng thở dài

20/09/2017 - 10:43

PNO - Sai phạm đến mức đề nghị Trung ương kỷ luật đối với các bí thư, chủ tịch Đà Nẵng, Gia Lai, lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất... đang thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Thế  nhưng, xem ra mọi ngã đường đều dẫn đến... Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh.

Ông bí thư trẻ nhất nước này (lúc trở thành Bí thư Thành ủy Đà Nẵng năm 2015, ông Nguyễn Xuân Anh, 39 tuổi), hai năm qua thường đăng đàn với những phát biểu mạnh bạo về chống lợi ích nhóm, phải dân chủ, đoàn kết, không tham nhũng, tư lợi.

Tieng tho dai
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Khi nổ ra thông tin gia đình ông dính líu đến 12 lô đất “vàng” ở đường Võ Nguyên Giáp (Đà Nẵng), ông thẳng thừng: “Ngoài ngôi nhà 43 Nguyễn Thái Học, nếu phát hiện thêm tôi có lô đất nào nữa, lập tức tôi từ chức”.

Ngày 12/7, khi tiếp xúc cử tri, trước thông tin lãnh đạo được “đại gia” chống lưng, ông nói cứng: “Không đại gia nào có khả năng chi phối lãnh đạo Đà Nẵng. Tôi là cán bộ trẻ, còn công tác lâu dài, nên chẳng việc gì phải thế này thế kia...”.

Giờ, Trung ương kết luận, hóa ra ông... nói giỡn, bởi ngoài số nhà 43 trên, ông có thêm hai nhà liền kề là 45 và 47, mà hai nhà này là của doanh nghiệp “gửi”. Chưa kể, ông sử dụng xe của doanh nghiệp tặng Thành ủy. Rồi ông... dài tay qua chuyện chính quyền, gây mất đoàn kết nội bộ, không tập trung dân chủ, không chấp hành nghị quyết Trung ương, chỉ thị của Bộ Chính trị về những sai phạm, tồn tại về đất đai, nhà cửa của Đà Nẵng.

 Có câu hỏi, người Đà Nẵng hụt hẫng hay hồ hởi trước thông tin này? Thưa rằng, họ bàn tán sôi nổi, nhưng kèm theo đó là tiếng thở dài. Không ai hiểu ông bằng người Đà Nẵng. Ông sinh ra, lớn lên ở đây, đi học và về làm lãnh đạo... nhanh như điện; ông ra sao, dân và cán bộ đều biết.

Hiển nhiên, khi ông đưa ra chương trình hành động lúc mới đăng quang, người tỉnh táo không để ý đến chuyện ông là con nhà nòi, mà người ta coi thử ông sẽ làm gì. Dần dà, họ thấy rằng, ông nói một đường làm một nẻo, những lời dân túy, ma mị được tung ra để ngụy trang cho những việc làm sai trái.

Chuyện đến, phải đến. Họ chán không phải vì kỳ vọng, không phải vì họ quá tin ông, mà họ tin vào thiên lương, ông là “con nhà có điều kiện”, trẻ tuổi, đường còn dài như ông nói, hẳn ông không lặp lại vết xe đổ của bao người, để xây dựng thành phố tốt hơn. Cuối cùng thì họ ngán ngẩm, rồi thì cũng vậy thôi!

Cảm xúc này của người dân, một lần nữa là phong vũ biểu đo lường tâm trạng người dân, khi ai đó thay mặt họ, điều hành quản lý đời sống xã hội, tác động trực tiếp sự tồn sinh của họ. Lỗi này, suy cho cùng, không phải do ông hay những người như ông.

Lối bổ nhiệm cán bộ lỗi thời, không căn cứ vào năng lực, phẩm chất đạo đức, thiếu quản lý, giám sát… đã tiếp tay cho sai phạm. Tất nhiên, họ làm sai thì họ chịu, nhưng lỗi đầu tiên là ai đã trao cờ cho họ phất? Chẳng ai cả, đó chính là hệ thống và cơ chế, mà cái này thì không quy trách nhiệm được, vì nó cụ thể nhưng rất chung chung. 

Đừng úp mở nữa, hãy nói thẳng với nhau rằng, sự kỳ vọng của người dân vào lãnh đạo không thông qua lời lãnh đạo nói, mà luôn lặng lẽ theo dõi lãnh đạo làm gì, ra sao. Cho nên, một lần nữa, hỏi cảm xúc của dân sở tại là gì, thì đó là tiếng thở dài…. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI