Nhân cách ảo

26/07/2017 - 12:57

PNO - Sử dụng mạng xã hội mà không làm chủ nó, bạn đang trở thành công cụ phá hoại, biến mình thành chậu đất cho cái xấu mọc mầm, thành một “vật thể vô thức” như Gustave Le Bon định nghĩa, bị đám đông lôi kéo, tha hóa...

Một mình với bàn phím, tưởng như đang kết nối với cả một thế giới phẳng đông đúc vô tận, ít ai nhận ra rằng thực tế mình cũng đang rất cô đơn. Cái cô đơn không chỉ là cảm xúc, mà còn là một trạng thái vật lý rõ ràng: bạn đang một mình với các quyết định của mình, không có bất kỳ sự chi phối nào của đồng loại.

Bởi vậy, nên một chị gái đã lật đật quyết định đăng một cái tin động trời là “máy bay rơi ở Nội Bài vì mưa quá”, chẳng cần cân nhắc, chờ đợi kiểm tra thông tin. Mục tiêu của chị ấy cũng đơn giản thôi: câu like để bán hàng mỹ phẩm trên mạng. Sự nhanh nhảu này đang phải trả giá: cảnh sát đã mời “chỉ” đến làm việc để làm rõ hành vi, theo đó vụ câu like thất thiệt này có thể coi là hành vi phạm pháp. 

Nhan cach ao
Những hình ảnh do cô gái tung lên mạng xã hội cho rằng máy bay rơi gần Nội Bài khiến dư luận dậy sóng... nhằm mục đích bán mỹ phẩm online.

Xử sự kiểu bất chấp những quy tắc thông thường như trường hợp chị gái trên cũng là một thói quen càng ngày càng “lậm” sâu vào tính cách của những người gắn bó với thế giới ảo. Con mắt, bàn tay nhanh hơn tư duy, nói cách khác, tư duy thị giác kiểu chạm và lướt đã bỏ qua, không cầu đến các nguyên tắc đạo đức cá nhân hay xã hội, không cầu đến các lập luận suy lý vốn chưa kịp hiện lên trên màn hình.

Nếu bạn thực sự sống trong cộng đồng, lời nói, hành động có lỡ ra một chút cũng sẽ được cộng đồng điều chỉnh. Quay mặt lại với đời sống thực, tưởng mạng là tự do, nhưng chính mạng đang xâm thực, xói mòn những nền tảng vốn đã được cộng đồng xã hội thiết lập.

Một cái tin như máy bay rơi, mà đăng một cách nhẹ hều, không hề quan tâm đến sinh mạng con người (nếu máy bay có rơi thật), không thèm quan tâm đến bao nhiêu người khác có thể đang phải trên những chuyến bay… đó không chỉ là sự vô cảm, đó có thể coi là mất kiểm soát hành vi dưới tác động của việc phải câu like để bán hàng bằng mọi giá, bất chấp tất cả, nhanh nhảu chụp giựt, coi tai hoạ của người khác là mối lợi cho mình. 

Từ góc độ ấy, cũng có thể hiểu tại sao suốt tuần qua cư dân mạng ném bao nhiêu thời gian và bình luận vào việc chiếc dù che mưa cho một lãnh đạo khi lên sân khấu trao giấy chứng nhận cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tấm ảnh cho thấy áo của vị cán bộ cũng đã ướt, các bà mẹ mặc áo mưa mỏng, sân khấu ngoài trời mịt mù trong gió mưa.

Cứ nhìn vào đó, thì thấy chiếc dù che cũng không tác dụng gì, cũng chẳng phải việc trong ý định của ban tổ chức, chắc là việc tự phát của ai đó mà thôi. Một sự cố vậy, nếu truyền thông khéo xử lý, câu chuyện đã có thể trở nên hoàn toàn khác. Sự “thật thà” của đoạn clip trên, khiến cho bức ảnh bị trích ra, cũng là một sự thật phũ phàng của việc các nhà tổ chức sự kiện trên chưa thật sự là “người trong cuộc”. 

Bởi vậy mà, rất nhiều nhà bình luận tự phát của mạng xã hội cũng tự cho mình một vị trí “ngoài cuộc”, đặt mình đứng cao hơn để phán xét, thương khóc, phẫn nộ. Thử hỏi họ một giải pháp cụ thể cho tình huống ấy, đa phần là không có hay giải quyết quanh co. Nhưng nhảy xổ vào bình luận nặng nề, thì họ đều sẵn sàng, lời lẽ xúc phạm tuôn ra một cách tự nhiên dễ dãi.

Người Việt chê chính khách của mình một cách thậm tệ nhưng không thấy có chút gì xấu hổ, như không hề có liên quan gì đến mình! Ý thức công dân đã bị che mờ trước nỗi hào hứng được phản đối, được chê bai chỉ trích người khác, quên rằng trên mạng còn những đám đông khác có dụng ý hơn mình, cái đám đông khác ấy đâu có tạo nên cái vệt đen này vì một người vô danh, người ta có dụng ý cả đấy: vì đó là người lãnh đạo của một tổ chức, một quốc gia.

Người ta đang muốn bôi đen cả hệ thống, mà bạn cũng là một thành tố trong hệ thống đó. Chí Phèo ngày trước chửi cả làng Vũ Đại mà không ai lên tiếng chửi lại, bởi vì ai cũng nghĩ chắc nó trừ mình ra! Cái tâm lý “trừ mình ra” ấy nay đang được dùng vào việc mạnh tay gõ bàn phím chửi người, luôn luôn ráng ném gạch đá cho nhiều cho mạnh, và luôn luôn “trừ mình ra”!

Tâm lý bầy đàn, vào hùa với đám đông, a dua, la ó, đả kích đã trở thành một nét xấu của loại nhân cách đang thể hiện trên mạng, tạm gọi là “nhân cách ảo”. Mạng xã hội vốn được xây dựng nên để kết nối con người, mở rộng giới hạn không gian, thời gian, tri thức cho con người.

Sử dụng nó mà không làm chủ nó, bạn đang trở thành một công cụ phá hoại, đang biến mình thành chậu đất cho cái xấu mọc mầm, tự biến mình thành một “vật thể vô thức” như Gustave Le Bon định nghĩa, bị đám đông lôi kéo, xô đẩy và tha hóa. 

“Nhân cách ảo”, mà sự hung hăng, vô trách nhiệm, phát ngôn bừa bãi đang là một hệ quả của tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn, đáng lo ngại. Khi hành xử hùa theo sự lôi kéo của đám đông, để mình bị cuốn đi trong sức mạnh vô thức của nó, mỗi cá nhân cũng đồng thời đánh mất tâm hồn, một dân tộc có thể chỉ còn là một đám đông không tính cách, không lý tưởng. Đó mới thật sự là điều đáng lo ngại... 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI