'Giấu biệt' 1.000 tỷ, Bệnh viện mắt TP.HCM lộng quyền và xem thường pháp luật

01/09/2017 - 07:28

PNO - Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ thu chi tài chính, liên kết đặt máy móc, cho đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao… đã cho thấy sự lộng quyền và xem thường pháp luật của người đứng đầu bệnh viện.

Dư luận từng bàng hoàng về việc bác sĩ (BS) Trần Anh Tuấn - nguyên Giám đốc Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM - không tham gia mổ, thậm chí không có mặt ở BV vào thời điểm các ca phẫu thuật diễn ra, nhưng vẫn đứng tên trong hồ sơ bệnh án (HSBA) với tư cách là BS trực tiếp phẫu thuật để hưởng thù lao mổ. 

Những thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa thu thập, còn bóc trần nhiều sai phạm “tày đình”, mà có lẽ chỉ lãnh đạo đơn vị này mới có thể... can đảm vi phạm.

'Giau biet' 1.000 ty, Benh vien mat TP.HCM long quyen va xem thuong phap luat
Bệnh viện Mắt TP.HCM đã mắc nhiều sai phạm "tày đình"

Ém nhẹm thu chi hơn 1.000 tỷ đồng

Sau quyết định của UBND TP.HCM giải thể Khoa bán công kỹ thuật cao chuyên khoa mắt vào tháng 1/2014, hoạt động khám chữa bệnh tại BV Mắt lại có thêm Khoa khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao và “phát sinh” thêm doanh thu “khủng”. Tổng thu của khoa này từ ngày 13/1/2014 đến 30/6/2017 hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng chi cho hoạt động và nộp thuế (giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp) của khoa gần 725 tỷ đồng.

Thế nhưng, nguồn thu và các khoản chi của hoạt động này không được BV cập nhật vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hàng năm, cũng như không báo cáo xin ý kiến xử lý của Sở Y tế và Sở Tài chính. Nghiêm trọng hơn, số tiền hơn 290 tỷ đồng chênh lệch thu chi từ hoạt động trên tại khoa lại được BV chuyển vào tài khoản ngân hàng từ năm 2014 đến nay. Theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 30/6 vừa qua, tồn tiền gửi ngân hàng cộng tiền mặt của khoa là hơn 283 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong việc xây dựng cơ cấu giá dịch vụ phẫu thuật, BV Mắt thu vượt so với quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật lasik thường quy từ năm 2013-2016 với tổng số tiền thu vượt hơn 8,1 tỷ đồng.

Theo một nguồn tin, những khoản tiền trên hiện đã bị “tạm giữ” tại tài khoản của cơ quan chức năng, chờ xử lý.

Lấy tiền thu viện phí đóng... thuế thu nhập cá nhân?

Từ năm 2011, hàng tháng BV tự nghĩ ra cách “ứng” trước tiền để đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho viên chức, người lao động. Sau đó cấn trừ trong các khoản thu nhập (lương tăng thêm, tiền công phẫu thuật, tiền công khám chữa bệnh ngoài giờ...). Tuy nhiên, do không cấn trừ và không thu hồi kịp nên số thuế TNCN đã tạm ứng phải thu của BV đến nay còn tồn hàng chục tỷ đồng.

'Giau biet' 1.000 ty, Benh vien mat TP.HCM long quyen va xem thuong phap luat
Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ thu chi tài chính, liên kết đặt máy móc, cho đến đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao... cho thấy sự lộng quyền và xem thường pháp luật của người đứng đầu bệnh viện.

Cụ thể từ năm 2011 đến năm 2015, BV Mắt tùy tiện thực hiện việc tạm ứng và buông lỏng quản lý, không thực hiện việc thu hồi thuế TNCN đã tạm ứng. Đến ngày 1/1/2016 mới thực hiện thu hồi, nhưng việc theo dõi tiền tạm ứng nộp thuế TNCN cần phải thu hồi này không chặt chẽ, không cập nhật kịp thời số đã thu hồi.

BV báo cáo các số liệu không chính xác, không khớp với Báo cáo quyết toán năm 2015 và Báo cáo kiểm toán năm 2015. Cụ thể, theo các báo cáo này, tổng số thuế TNCN phải thu hồi là hơn 30 tỷ đồng. Nhưng báo cáo của BV Mắt lại cho con số lệch đến hơn 474 triệu đồng.

Bên cạnh đó, BV còn có tình trạng thu tiền tạm ứng nộp thuế TNCN năm 2013, nhưng vẫn báo còn nợ khi thực hiện Báo cáo quyết toán năm 2015. BV cũng không theo dõi, đối chiếu số thuế TNCN tạm ứng phải thu hồi của từng cá nhân. Từng cá nhân không xác định được số nợ thuế TNCN còn lại phải nộp. Họ cũng không xác định được thu nhập thực tế của bản thân hàng tháng, bởi BV thực hiện cấn trừ thuế TNCN trên lương tăng thêm, tiền công phẫu thuật, tiền công khám, chữa bệnh ngoài giờ... nhưng không hề có bảng đối chiếu và thông báo cho nhân viên.

Đến ngày 1/5/2017, tổng số tiền tạm ứng nộp thuế TNCN còn phải thu hồi hơn 18,5 tỷ đồng (gồm 654 người). Số tiền đã thu tạm ứng nộp thuế TNCN thừa phải trả lại cho viên chức, người lao động gần 438 triệu đồng (22 người). Các hành vi nêu trên đã vi phạm Luật Kế toán năm 2003.

Thuốc không đạt chuẩn vào kho

Khoa Dược tham mưu thực hiện mua sắm thuốc bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn năm 2015 có giá trị hơn 2,5 tỷ đồng, năm 2016 xuống còn hơn 485 triệu đồng, nhưng không có ý kiến của Sở Y tế.

'Giau biet' 1.000 ty, Benh vien mat TP.HCM long quyen va xem thuong phap luat
Bệnh viện Mắt TP.HCM

Theo nội dung tại các hợp đồng mua sắm, hạn sử dụng còn lại của thuốc trúng thầu tính từ thời điểm cung ứng cho BV phải bảo đảm tối thiểu còn 6 tháng đối với thuốc có hạn sử dụng từ 2 năm trở lên, 3 tháng đối với thuốc có hạn 1-2 năm và 1/4 hạn sử dụng đối với thuốc có hạn dùng dưới 1 năm. Tuy nhiên, BV vẫn tiến hành nhận các lô thuốc có hạn sử dụng trái quy định.

Cụ thể, lô thuốc Acuvail 0,45% nhập ngày 2/12/2015, hết hạn vào tháng 5/2016. Các lô thuốc Suxamenthonium 0,10g nhập ngày 5/1/2016, lô Suxamenthonium 0,10g nhập ngày 2/2/2016 và lô Suxamenthonium 0,10g nhập ngày 11/3/2016 lại cùng hết hạn vào tháng 6/2016. Như vậy, các lô thuốc này còn hạn sử dụng khi tiếp nhận, nhưng không bảo đảm về hạn sử dụng theo hợp đồng và được nhập kho (?).

Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, tại Khoa Dược còn để xảy ra sự cố trong bảo quản thuốc vào ngày 24/1/2017 làm ảnh hưởng đến chất lượng của lô thuốc có giá trị hơn 983 triệu đồng. Nguyên nhân, thủ kho của phòng mổ 2 (do Khoa Dược quản lý) lên phòng mổ Phaco làm giấy tờ.

Trong lúc tắt máy vi tính trước khi về đã vô tình rút nhầm dây điện tủ lạnh. Trong tủ lúc này có 68 lọ Lucentis và 11 lọ Avastin. Ngày 9/2, Khoa Dược lập biên bản và tiến hành niêm phong lô thuốc trên để chờ kết quả kiểm định từ Công ty Novatis Pharma đối với lô thuốc Lucentis. Còn lô thuốc Avastin, khoa vẫn chưa có văn bản gửi nhà phân phối, sản xuất để thực hiện thủ tục kiểm nghiệm liên quan. Hiện BV Mắt vẫn chưa có hướng xử lý đối với các lô thuốc trị giá gần cả tỷ đồng này.

Chưa hết, chả hiểu vì lý do gì, ngoài việc quản lý, mua sắm thuốc, Khoa Dược còn được “tín nhiệm” phân công quản lý và mua sắm một số vật tư y tế như kính nội nhãn (IOL), chất nhầy theo phê duyệt của ban giám đốc cùng hội đồng thuốc và điều trị. Theo Thông tư 22 năm 2011 của Bộ Y tế, việc phân công này sai quy định. Theo đó, hoạt động này thuộc chức năng của phòng vật tư - thiết bị y tế.

BV Mắt là BV chuyên khoa hạng I, là trung tâm đầu ngành về nhãn khoa - thực hiện hầu hết các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại mà ngành mắt thế giới đã và đang triển khai như phẫu thuật Phaco (điều trị đục thủy tinh thể), laser điều trị cận, viễn, loạn thị, ghép giác mạc phiến, ghép tế bào gốc, phẫu thuật khối u và thần kinh mắt... cho nhân dân TP.HCM và khu vực phía Nam.

Ngoài ra, BV còn là nơi thực hành lâm sàng cho các cơ sở đào tạo y khoa tại thành phố và có chức năng đào tạo đội ngũ y, BS chuyên khoa mắt cho các đơn vị tuyến dưới. Do đó, không thể chấp nhận cách quản lý, điều hành với hàng loạt thiếu sót, sai phạm mang tính hệ thống, tùy tiện như trên.

Điều này thể hiện sự buông lỏng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát của người đứng đầu BV cũng như cơ quan cấp trên trực tiếp là Sở Y tế TP.HCM. 


Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI