'Giải cứu' nông sản đến bao giờ?

17/04/2017 - 19:39

PNO - Gần tháng nay, TP.HCM và nhiều địa phương trong cả nước lại “nóng” chuyện giải cứu dưa hấu cho bà con Quảng Ngãi. Sự việc khiến bà con nông dân vui vì gỡ gạc được phần nào.

Nhưng ngẫm lại thấy buồn. Buồn là vì một đất nước nông nghiệp, không ai trong chúng ta, dù quyền cao chức trọng đến mấy, không có “dây mơ rễ má” với nông thôn… mà câu chuyện “trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu” vẫn là câu chuyện thế kỷ, từ thế kỷ trước đến thế kỷ sau vẫn còn loay hoay.

'Giai cuu' nong san den bao gio?
Hàng năm, cứ đến mùa dưa hấu là cần... "giải cứu dưa hấu"

Nhìn các bạn đoàn viên thanh niên và một số doanh nghiệp giúp “giải cứu” dưa hấu cho nông dân Quảng Ngãi trong những ngày qua, là nông dân, tôi chẳng vui chút nào. Vì cách làm ấy chỉ giúp bà con trong ngắn hạn chứ không bền vững.

Vả lại, nông dân mình không chỉ có quả dưa mà còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác như chuối, thanh long, chôm chôm, nhãn, cà chua, cà rốt, hành tây, con heo, con gà… cũng đã, đang và sẽ cần giải cứu, liệu chúng ta có cứu mãi được không và giải cứu đến bao giờ? 

Xoay quanh nông sản Việt vẫn mãi là “chuyện thường ngày ở huyện” như được mùa mất giá, được giá mất mùa, cơ cấu cây trồng bất hợp lý, đầu ra thị trường nước ngoài rất phập phù, công nghệ sau thu hoạch thì còn ở đẩu ở đâu, sản phẩm không đảm bảo chất lượng… Đây là những nguyên nhân dẫn đến cảnh dưa hấu, thanh long và chuối của nông dân làm ra phải đem đổ, trâu bò chẳng buồn ăn.

Một đất nước đa số người dân sống bằng nghề nông, ai cũng có “dây mơ rễ má” với nông thôn… mà câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì, thị trường ở đâu” vẫn là câu chuyện thế kỷ, đến nay vẫn còn loay hoay… thì nếu không cảm thấy xấu hổ cũng chẳng thể vui được.

Không phải là nông nghiệp - nông thôn bị lãng quên, mà ngược lại rất được Nhà nước quan tâm, với nhiều chính sách ưu tiên để thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển. Mới nhất là chương trình 100.000 tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nhưng buồn thay, nhiều chính sách tốt đẹp đã bị lợi dụng khiến nó không thể phát huy hiệu quả. Mới nhất là vụ hơn 300 máy cắt cỏ nhãn hiệu Honda - Nhật Bản bị tráo ruột Trung Quốc khi hỗ trợ nông dân Bình Thuận, khiến dư luận bức xúc. 

Trước đó, trong 5 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, khắp nơi, nông thôn rần rần thay áo mới, nhưng lại “dính” món nợ khổng lồ tới 15.277 tỷ đồng (thống kê từ 53/63 tỉnh, thành), đó là chưa kể sức dân ở nhiều nơi cũng bị huy động đến mức cạn kiệt.

Tiền vay và huy động sức dân để làm nông thôn mới được chính quyền nhiều nơi chi xây dựng những nhà văn hóa hoành tráng với diện tích hàng ngàn mét vuông, nhưng quanh năm đóng cửa; chi xây bảng hiệu, xây cổng và tường rào trụ sở UBND thật kiên cố, uy nghi; xây dựng cổng thôn, thậm chí xây cổng vào nhà từng hộ gia đình, trong khi nhà dân ở thì vẫn còn… tranh tre nứa lá.

Nếu hỏi “chiếc áo mới” đó có ích gì cho nông dân thì chắc sẽ nhận được những cái lắc đầu, bởi nó không cấp thiết đối với họ. 

Có thể nhận thấy rằng, lý luận về phát triển nông nghiệp bền vững thì chúng ta đã nói quá nhiều, nhưng những điều làm được thì còn quá ít. Hệ thống khuyến nông của ta như một gã khổng lồ chân đất sét, lý luận thì nhiều nhưng không đến được với nông dân, nên nông nghiệp khó mà phát triển bền vững.

Cái mà người nông dân cần nhất vẫn là được Nhà nước định hướng trong việc trồng cây gì, nuôi con gì và “đầu ra” cho những sản phẩm của họ làm ra. Nếu cứ kéo dài như thời gian qua, sản phẩm làm ra phải bán đổ bán tháo, phải đổ bỏ, nợ nần bủa vây thì người nông dân biết sống ra sao?

Bởi thế mới ước sao: nông thôn mới không phải là những cái hào nhoáng bề ngoài. Ước sao những đồng tiền đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn phải đến đúng chỗ cần đến. Ước gì các cơ quan xúc tiến thương mại từ trung ương đến địa phương hoạt động hiệu quả. Ước gì mọi nơi, từ trung ương, bộ ngành đến tỉnh, huyện và các doanh nghiệp cùng với nhà nông ngồi tính chuyện “đầu ra” cho nông sản. Được như vậy mới hy vọng người nông dân có cuộc sống thực sự ấm no. 

Nguyễn Hoàng Minh
(Long Khánh, Đồng  Nai)

Tiếp thị, xây dựng thương hiệu giúp nông dân chủ động đầu ra sản phẩm

Theo quy luật thị trường, bất cứ doanh nghiệp hay nhà sản xuất nào khi lập dự án kinh doanh hay kế hoạch sản xuất đều phải bắt đầu từ nhu cầu thị trường. Trong khi nhà nông của ta lại tập trung sản xuất nông sản hàng hóa dựa vào… tin đồn.  Hầu hết nông sản của nhà nông Việt Nam được bán ra thị trường đều không mang thương hiệu của nhà sản xuất, được bán thô cho người tiêu dùng hoặc cho thương lái hay công ty thương mại, với giá trị thấp. 

Thị trường trong nước đã như thế, với thị trường thế giới thì nhà nông lại càng thiếu thông tin. Có thể vẽ đường đi của nông sản Việt Nam xuất khẩu như sau: mỗi nhà nông cặm cụi nuôi trồng từ một ít thông tin sơ sài về thị trường nước ngoài sẽ nhập khẩu (thông qua thương lái hay doanh nghiệp xuất khẩu) -> thương lái thu gom từ nhà nông -> sang tay lại cho doanh nghiệp sơ chế/chế biến -> doanh nghiệp xuất khẩu căn cứ vào quota xuất, sự cạnh tranh của đối thủ cùng ngành hàng từ trong và ngoài nước và hợp đồng của đối tác nước ngoài để định giá mua nông sản. Như vậy một lần nữa nhà nông lại bị động trước thị trường xuất khẩu. 

Nhà nông của chúng ta chưa được chuẩn bị chu đáo kiến thức về marketing cho sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài. Một nền xuất khẩu nông sản thông qua mua gom và chưa qua chế biến (xuất thô) và đặc biệt là vẫn “vô danh” thì ai cũng biết rõ bất lợi quá lớn thuộc về nhà nông Việt. Nếu xem kinh tế thế giới là biển lớn thì nông dân chúng ta đang ra biển bằng… xuồng tam bản.

Tóm lại, tôi muốn nói rằng marketing và xây dựng thương hiệu cho nông sản không tạo ra sản phẩm nhưng nó góp phần quan trọng làm gia tăng giá trị nông sản. Huấn luyện và hỗ trợ nhà nông kiến thức marketing và xây dựng thương hiệu nông sản, để họ chủ động thâm nhập thị trường trong và ngoài nước sẽ là một trong những cách giúp nhà nông chủ động hội nhập. 

TS Trần Đình Lý 

(Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, chuyên gia về marketing và xây dựng thương hiệu)

Phải tiến tới sản xuất lớn trong nông nghiệp

Chuyện đoàn viên thanh niên đi bán hành tím, bán chuối, bán đưa hấu, hoặc mở cửa hàng nghĩa tình… thật là chuyện chẳng vui. Nó chỉ là giải quyết hậu quả thừa nông sản do lượng “cung” tăng ồ ạt trong khi “cầu” thì bấp bênh, hậu quả của việc sản xuất manh mún. Ở các nước có xảy ra tình trạng này? 

Xin thưa là có. Nhưng thường mang tính thời vụ, khi nguồn “cung” tăng thì giá giảm, nhưng không ồ ạt như ở nước ta, vì nông dân của họ có sự tính toán chuyên nghiệp và lâu dài, trong khi nông dân của ta thì trồng cây gì, nuôi con gì chỉ chạy theo thị trường trước mắt.

Cũng phải nói là khâu chế biến ở nhiều nước rất phát triển. Nhất thiết Việt Nam phải đẩy mạnh khâu này để khi “cung” tăng mạnh, hoặc “cầu” giảm, giá giảm, thì nông sản sẽ được chuyển sang chế biến. 

Nhà nước không thể buộc người dân trồng cây gì, nuôi con gì, nhưng phải cung cấp đầy đủ thông tin để giúp định hướng cho nông dân. Cũng phải tiến tới sản xuất lớn hoặc tổ chức các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để có sản phẩm đạt yêu cầu về mẫu mã, chất lượng và số lượng để đáp ứng nhu cầu làm chuỗi kinh doanh khép kín hay liên kết với bất kỳ hệ thống phân phối bán lẻ nào, đồng thời phải ký hợp đồng với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra. Nếu cứ sản xuất ra sản phẩm rồi mới đi tìm đầu ra thì không tránh khỏi may rủi. 

 PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi 

(Trưởng khoa Kinh tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI