Dùng thực phẩm trước cổng trường, coi chừng ngộ độc mạn tính

15/12/2017 - 16:10

PNO - Vụ 142 học sinh Trường tiểu học An Phú (Q.2, TP.HCM) bị đau bụng, tiêu chảy, sốt phải nhập viện điều trị sau bữa ăn trưa tại trường ngày 8/12 khiến các trường ráo riết tìm thêm biện pháp kiểm soát thực phẩm đưa vào trường học.

Tuy nhiên, bên ngoài cổng trường, hàng quán mất an toàn vệ sinh thực phẩm tràn lan vẫn chưa được cơ quan chức năng quan tâm đúng mức nhất là khi những thực phẩm này có nguy cơ cao gây ngộ độc mạn tính cho học sinh.

“Sốt” món ăn ngoại, tiềm ẩn nhiều nguy hại 

17h, học sinh (HS) từ Trường THCS Minh Đức (Q.1) ùa ra đường Nguyễn Thái Học như ong vỡ tổ. Quanh cổng trường, hàng chục xe bán hàng rong đang túc trực sẵn. Một thanh niên lanh lảnh mời chào, trước mặt anh là một mâm chất đầy sushi “ăn bao no”, mỗi viên to gấp đôi kích cỡ sushi bán ở nhà hàng hay siêu thị, không biết được cuộn từ khi nào.

Dung thuc pham truoc cong truong, coi chung ngo doc man tinh
Sushi bán trước cổng trường tràn ngập nguy cơ nhiễm vi sinh.

Anh đeo bao tay vào và liên tục lấy sushi gà, sushi cá hồi sống, sushi trứng cá hồi. Thay vì chấm mù tạt để làm chín cá, tôm, anh ta trao cho khách một loại nước xốt hồng hồng tự chế. Giá sushi là 4.000 đồng/viên. Viên to gấp đôi, giá lại rẻ hơn một nửa so với giá siêu thị nhưng nguồn gốc gà, cá thì không rõ từ đâu. Gần đó, một chủ xe đẩy bán món bánh gạo Hàn Quốc lắc phô mai và bánh gạo cay Hàn Quốc với giá 10.000-20.000 đồng/phần, cũng đông nghẹt HS vây quanh.  

Theo lời người bán, bột bánh gạo được nhập từ Hàn Quốc, phô mai cũng là hàng ngoại. Nhưng theo chúng tôi quan sát, cả bột phô mai và bột gạo được lấy ra từ những túi không có nhãn mác, còn bánh gạo cay được chia thành từng gói nhỏ, cũng đựng trong túi không nhãn mác, kèm một túi tương ớt đỏ để trộn vào khi ăn. 

Trước cổng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Q. Tân Bình), chỉ một đoạn đường dài 50m nhưng có hàng chục hàng quán với đủ các loại món ăn ngoại, được chế biến ngay trên lề đường, bám đầy bụi bẩn. 

Không chỉ các món ăn chế biến mà bánh kẹo đóng gói sẵn cũng đầy ắp nguy cơ không an toàn cho sức khỏe. Con hẻm đi vào Trường tiểu học Bình Giã (Q. Tân Bình) có ba cửa hàng chuyên bán bánh kẹo, đồ chơi, dụng cụ học tập cho HS. Tại một cửa hàng sát cổng trường, có hàng chục loại bánh kẹo của Thái Lan như rong biển Norita, kẹo ngọt Tommy, sô-cô-la Sanghai, bánh xốp Yupi và ngũ cốc, kẹo dẻo Natural 12 của Ấn Độ với giá chỉ  2.000-6.000 đồng/sản phẩm.

Trên cùng một bao bì sản phẩm, hội tụ đến ba, bốn ngôn ngữ (Thái, Anh, Trung Quốc…) nhưng không có bất kỳ thông tin nào bằng tiếng Việt.

Xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc 

Thực tế, những món ăn vặt gắn mác ngoại này phần lớn đều là hàng Trung Quốc đội lốt hoặc được làm từ nguyên liệu trôi nổi. Cụ thể, để làm ra món bánh gạo cay Hàn Quốc lắc phô mai, đòi hỏi phải có bột bánh gạo, tương ớt hoặc phô mai. Nhưng các nguyên vật liệu này hiện đang được rao bán trên mạng với giá rất rẻ, chỉ bằng một nửa giá tại siêu thị, còn nguồn gốc thì đều do người bán “tự phong”.

Dung thuc pham truoc cong truong, coi chung ngo doc man tinh
Các món ăn vặt trước cổng trường được "thay áo" bằng những món ngoại nhưng nguồn gốc nguyên liệu làm rất nhập nhằng.

Chợ Bình Tây (Q.6) và Kim Biên (Q.5) hiện đang bán rất nhiều loại phô mai của Thái Lan, Malaysia. Tại sạp gia vị T.L., chị tiểu thương đưa ra hai bịch phô mai loại một gam và một kg, giá 300.000 đồng/ký và cho rằng sản phẩm này của Thái Lan, nhưng trên bao bì lại dán nhãn “to France”. Khi chúng tôi thắc mắc, người bán cũng không giải thích được. 

Hiện, Công ty TNHH MIR Việt Nam đang rao bán bánh gạo có giá rất rẻ, mua số lượng càng lớn thì giá càng rẻ. Chẳng hạn, bánh gạo nguyên thanh nếu lấy từ 3kg sẽ có giá 55.000 đồng/kg, nhưng nếu lấy từ 100kg thì giá chỉ 37.000 đồng/kg; tương ớt nguyên thùng 14kg giá 640.000 đồng/thùng. Sản phẩm lưu thông trên thị trường được đựng trong bao ni-lông trắng, bên ngoài dán duy nhất tờ giấy ghi thông tin về công ty; ngoài ra, không có bất kỳ thông tin nào khác. 

Nói về nguồn gốc các loại bánh gạo tại Việt Nam, nhân viên Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại TDK (Q.Gò Vấp) - công ty chuyên vận chuyển bánh kẹo, mỹ phẩm từ Trung Quốc về Việt Nam - “bật mí”, phần lớn bánh gạo các loại đang được bán trên thị trường đều nhập từ Trung Quốc, sau đó đóng gói và đưa ra thị trường. So với bánh gạo các nước, sản phẩm Trung Quốc có hương vị ngon, giá rẻ, dễ có lợi nhuận cao.

Dung thuc pham truoc cong truong, coi chung ngo doc man tinh
Tại các cổng trường, tràn ngập bánh kẹo ngoại từ Thái Lan, Ấn Độ, thậm chí là Trung Quốc.

Ông Phan Hoàn Kiếm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM - cho biết, chi cục từng phát hiện nhiều lô hàng bánh kẹo nhập lậu từ Trung Quốc rồi về đóng gọi lại dưới nhãn hiệu khác (thường gặp là nhãn hiệu Thái, Hàn, Nhật…) để tung ra thị trường. 

Bánh kẹo không đảm bảo an toàn sức khỏe bày bán tràn lan trước cổng trường, nhưng các trường lại không thể can thiệp, xử lý. Trách nhiệm kiểm tra, xử lý thuộc về các cơ quan chức năng địa phương. Trao đổi với chúng tôi, đại diện UBND phường Cầu Ông Lãnh (nơi có nạn hàng rong quanh cổng Trường THCS Minh Đức) cho biết, rất khó dẹp hàng rong, vì khi thấy lực lượng chức năng đến, chủ xe hàng chạy vào những nhà dân gần đó để trốn tránh.

Riêng với các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo gần trường, UBND phường, quận đành bó tay vì chỉ cơ quan quản lý thị trường mới có thẩm quyền kiểm và xử lý đối với hành vi kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. 

Tiến sĩ Phan Thế Đồng - khoa Khoa học công nghệ, Trường đại học Hoa Sen - cho biết, thực phẩm trước cổng trường tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, không chỉ gây ngộ độc cấp tính như trường hợp xảy ra ở tỉnh Tuyên Quang mới đây, khiến 12 HS cấp cứu mà còn gây ngộ độc mạn tính. 

Người bán hàng không có giấy chứng nhận sức khỏe, nếu họ đang có mầm bệnh trong người, sẽ lây cho người mua, nhất là các bệnh viêm gan siêu vi. Trẻ em lại dễ bị lây nhiễm bệnh do cơ thể đang phát triển, sức đề kháng kém. 

Các loại bánh, kẹo không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Thái Lan được trẻ nhỏ “mê” vì ngon, nhưng để được ngon (thơm, giòn, dai, để lâu) và có giá rẻ thì chắc chắn sản phẩm phải có nhiều chất phụ gia như phẩm màu, chất tạo mùi hương, chất bảo quản… Những hóa chất này khi ăn vào cơ thể sẽ gây ngộ độc mạn tính về sau, thường gặp là dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa, rối loạn chức năng gan, thận, ung thư…

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI