Đột nhập 'công xưởng' biến cá thối thành... đặc sản

20/03/2017 - 08:25

PNO - Hơn 10 năm qua, người dân sống chỉ “bịt mũi để sống” vì mùi hôi thối kinh hoàng nhưng không biết điều gì đang diễn ra sau cánh cửa sắt ấy.

Âm thầm tìm hiểu từ giữa năm 2016 đến nay về đường dây “hô biến” cá phế phẩm thành... đặc sản quán ăn, số lượng đến hàng tấn mỗi ngày, 16g ngày 10/3/2017, chúng tôi đã đột nhập căn nhà số 40 Phan Anh, P.14, Q.6, TP.HCM - “công xưởng” chế biến cá thối do bà Lý Thị Thu Ngọc làm chủ. Mùi tanh thối của cá tích tụ lâu ngày trong oi bức của bốn vách kín bưng xộc lên đến choáng váng. 

Dọt nhạp 'cong xuỏng' bién cá thói thành... dạc sản
Cận cảnh một thùng cá chẽm thối rữa được đưa về “công xưởng” bà Ngọc

Đường đi của cá thối

Bốn xe ba gác máy liên tục chuyển những chuyến cá đã bốc mùi nồng nặc chạy thẳng vào “xưởng”, xe vừa vào là cửa nhà được kéo sập xuống ngay. Hơn 10 năm qua, người dân sống ở khu này chỉ “bịt mũi để sống” vì mùi hôi thối kinh hoàng nhưng không biết điều gì đang diễn ra sau cánh cửa sắt ấy.

Khu “công xưởng” hai mặt tiền chỉ rộng khoảng 60 m2 này chỉ mở một cửa duy nhất khi cần ra vào; nhưng là nơi tập kết của gần chục tấn cá mỗi ngày với khoảng mười nhân công làm việc. Xe ba gác liên tục chở cá đến, “phù phép” xong lại chở đi giao cho các chợ và quán nhậu.

Thấy sự xuất hiện đáng ngờ của chúng tôi ở quán nước đối diện, người đàn ông tầm hơn 50 tuổi ngồi trước cửa “xưởng” cảnh giới đứng bật dậy, sập cửa lại, che khuất cảnh bốn người đang ngồi dưới sàn dơ bẩn sơ chế cá.

Lần theo những chiếc xe ba gác chở cá, chúng tôi thử tìm “cung đường đen” của số cá thối nói trên. Trưa 1/8/2016, một xe ba gác không biển số xuất phát từ “công xưởng” đến một đoạn vắng tại giao lộ đường số 7-An Dương Vương, cách căn nhà 40 Phan Anh khoảng 3km thì dừng lại.

Người đàn ông trạc 50 tuổi lái xe ba gác gọi điện thoại như thúc giục ai đó. 10 phút sau, lần lượt năm chiếc xe máy chở đầu cá và nội tạng cá bốc mùi hôi thối đến cân, trút vào thùng xe ba gác rồi nhanh chóng phóng đi. Thu gom xong cá thối, người đàn ông tiếp tục chạy theo đường số 7 về hướng Q.Bình Tân.

Trên đường đi, xe dừng lại ở hai điểm trên đường số 7 và một điểm trên đường Trần Văn Giàu (Q.Bình Tân) để nhận hàng từ những người thu gom cá thối dạo chở đến. Sau một hồi lòng vòng thu gom, chiếc ba gác chạy thẳng đến một công ty (CT) chuyên chế biến thực phẩm xuất khẩu ở KCN Tân Tạo.

Dọt nhạp 'cong xuỏng' bién cá thói thành... dạc sản
Ít ai ngờ có thể mình đã ăn món đầu cá từ xưởng chế biến thế này.

Một số lượng cá khá lớn được trút vội lên xe. Đầy hàng, xe quay về 40 Phan Anh. Theo dõi, chúng tôi đếm được có ít nhất bốn xe ba gác liên tục mang hàng về như thế. Chỉ từ 14-20g ngày 5/8/2016, tổng cộng có chín lượt xe chở cá thối về, ước tính khoảng bốn tấn. Đồng thời, cũng số lượt xe tương tự chở “thành phẩm” rời đi.

Bà Lý Thị Thu Ngọc (chủ cơ sở chế biến cá số 40 Phan Anh) vốn làm nghề gom cá phế phẩm về sơ chế và bỏ mối lại đã hơn 10 năm. Ngoài việc thu mua cá ươn, cá thối, lòng cá ở chợ Phú Lâm và các chợ lân cận, bà Ngọc còn thu mua cá phế phẩm từ các CT chế biến thủy sản.

Với danh nghĩa “mua về cho heo ăn”, bà Ngọc ký nhiều hợp đồng bao tiêu phế phẩm cá số lượng lớn với một số CT. Hợp đồng ký theo từng năm, mỗi năm từ 100-200 triệu đồng, tùy số lượng hàng. Dù là cá đã ươn thối, được xem là phế phẩm, nhưng qua bàn tay “phù phép” của cơ sở bà Ngọc cũng thành “đặc sản”. 

19h ngày 6/8/2016, chúng tôi bám theo một xe chở “thành phẩm”, đã hoàn toàn không còn mùi hôi, không rỉ nước cá nữa. Chiếc ba gác máy chạy ra hướng KCN Tân Bình, theo đường Trường Chinh, vào một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo, xuống hàng ở số 161/31 đường DHT2, P.Đông Hưng Thuận, Q.12.

Căn nhà nhận cá này chỉ cách một ngôi chợ độ 200m. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, sáng hôm sau số cá trên sẽ được đưa ra chợ bán như cá sạch, người mua khó lòng phát hiện đó là cá thối. Không chỉ vậy, một lượng lớn cá thối còn được “phù phép” để đưa vào các quán nhậu, tiệm ăn ở khu đông công nhân.

14h ngày 20/9/2016, chúng tôi theo chân một xe ba gác chở đầu cá hồi. Đến quán K. trên đường Cộng Hòa, xe chạy thẳng vào cửa bếp phía sau. Khoảng 100kg đầu cá được chuyển xuống. 

"Phù phép" cá cho heo thành thức ăn cho người

Một nhân công làm việc tại một CT cung cấp cá phế phẩm cho bà Ngọc tiết lộ: “CT chúng tôi chế biến cá số lượng lớn. Sau khi lóc hết phần thịt, đầu và xương cá được dồn vào một chỗ để bán cho heo ăn hoặc làm thức ăn cho cá. Vì là phế phẩm nên số cá này không được bảo quản, có khi để dồn lâu ngày cho đủ số lượng nên đã bốc mùi”.

Dọt nhạp 'cong xuỏng' bién cá thói thành... dạc sản
Lòng cá thối từ chợ cũng được một số người giao bằng xe gắn máy

Thế nhưng, tất cả những đầu cá được CT xếp loại rác này, qua tay bà Ngọc là hóa thành “tươi ngon”. Đáng sợ hơn là nguồn cá còn được bà Ngọc “vét” từ những buổi chợ vãn. Tan chợ, các tiểu thương gom hàng ế, đa phần là cá đã ươn, đưa ra bãi tập kết thu mua của bà Ngọc. Được biết, bà Ngọc mua cá phế phẩm ở các CT với giá chưa đến 2.000đ/kg, dưới danh nghĩa “chế biến lại làm thức ăn cho cá”.

Việc thu mua cá ươn, lòng cá thối ở các chợ cũng được bà Ngọc giải thích là “mua về nấu thức ăn cho heo”. Thế nhưng, giá đầu cá bà Ngọc bán ra lại đến 20.000đ/kg. Bà H., chủ một quán cơm bình dân thường xuyên mua cá của bà Ngọc tiết lộ: “20.000đ/kg vẫn còn quá rẻ! Đầu cá chẽm ngoài chợ bán 50.000-60.000đ/kg. Tôi mua cá của bà Ngọc nhiều năm rồi. Ở Sài Gòn này không có chỗ nào bán cá rẻ hơn bà Ngọc”.

16h ngày 10/3, chúng tôi đã “đột nhập” được vào bên trong “công xưởng” của bà Ngọc. Lần đầu vào đây, không tránh được cảm giác buồn nôn, vì sàn nhà bẩn thỉu, sũng nước, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Hơn 100kg lòng và mang cá vừa được đổ ra. Một thanh niên cúi xuống bới chọn bao tử cá trong đống nhầy nhụa tanh nồng đó.

Ở gian bên cạnh, một nhóm công nhân khác cũng đang bới tìm trong đống cá thối những chiếc đầu cá đã bốc mùi. Các nhân công có lẽ đã quen với mùi tanh thối, ngồi làm cá ngay trên những vũng nước đọng máu cá. Ở đây không có gì bị bỏ đi. Lòng và mang cá thối được gom lại trong những thùng phuy nhựa, đủ số lượng sẽ xay làm thức ăn cho cá hoặc nấu lên cho heo.

Đầu cá và một ít thịt cá còn dính trên xương cá thì được tận dụng làm thức ăn cho người. Trong vai người đang tìm nguồn thực phẩm về bán quán cơm, chúng tôi đặt vấn đề mua số lượng lớn đầu cá, bà Ngọc nói ngay: “Chú tìm đúng chỗ rồi. Chỗ tôi là đầu mối cung cấp cá rẻ nhất nên nhiều người mua lắm. Không chỉ đầu cá mà chú muốn mua thịt cá để làm cá viên chiên tôi cũng có thể cung cấp. Bảo đảm là cá… an toàn!”.

Dọt nhạp 'cong xuỏng' bién cá thói thành... dạc sản
Xe chở cá trông như một xe thu gom rác

Gần đây, người dân xung quanh đã liên tục gửi đơn tố cáo đến chính quyền về việc cơ sở của bà Ngọc gây ô nhiễm. Chị T., nhà đối diện với cơ sở này bức xúc: “Khoảng 1-2 giờ sáng là cá thối về rất nhiều. Cả nhà tôi đang ngủ cũng phải bật dậy vì mùi tanh thối xộc thẳng vào nhà.

Tôi không hiểu tại sao một cơ sở chế biến cá thối khủng khiếp như vậy lại tồn tại ngay trong khu dân cư suốt hơn 10 năm qua”. Tháng 12/2016, cơ sở của bà Ngọc đã bị chính quyền phạt hơn 30 triệu đồng vì hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhưng việc thu mua cá phế phẩm để “phù phép” thành thức ăn cho người vẫn không bị phát hiện. Sau khi bị phạt, bà Ngọc lại mở thêm một cơ sở khác ở nông trường Lê Minh Xuân.

Phạt cứ phạt, cơ sở 40 Phan Anh vẫn tiếp tục hoạt động. Bà Ngọc tiết lộ: “Giờ thu gom mỗi chợ vài trăm ký, mỗi ngày cũng được mấy tấn. Trước đây mua được nhiều cá ở CT, nhưng giờ có mấy CT thức ăn gia súc vô đấu thầu nên khó mua hơn. Trước đây còn trộn cá đẹp vô cá rác được, nhưng giờ CT nào cũng có camera, rất khó trộn hàng.

Ở đây tui bán giá rẻ nên nhiều khi cũng không cần đi giao, người ta đến tận nơi lấy mà không đủ để bán”. Được hỏi sao không dùng xe tải chuyển cá để dễ bảo quản, bà Ngọc nói thẳng: “Chở bằng xe tải thì tốn kém, chở xe ba gác cho rẻ, lại ít bị cảnh sát giao thông bắt. Cá ươn thì chịu thôi chứ”. 

Chắc chắn rất nhiều người, trong đó có cơ quan chức năng chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm biết, nhưng có thể người ta không muốn kiểm tra, xử lý vì… dư luận chưa lên tiếng. Có thể sau bài báo này, người ta sẽ vội vã có biện pháp ngay, nhưng hậu quả của những năm buông lỏng để cá thối chạy vào bàn ăn người tiêu dùng mỗi ngày này khó mà cân đo được.

Trần Triều - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI