'Đối thoại hành lang' cùng bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

08/06/2018 - 08:57

PNO - Xin bộ trưởng hãy lắng nghe thêm những lời phản biện, những ưu tư có vẻ ngược chiều nhưng là “tấc lòng ưu ái” với nước, với dân.

Ngày 6/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có những trao đổi về các ý kiến đa chiều xung quanh dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Luật Đặc khu kinh tế). Ngày 7/6, trên “hành lang” của Báo Phụ Nữ TP.HCM, chúng tôi cũng có những trao đổi lại về các ý kiến của bộ trưởng. 

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Dự thảo Luật Đặc khu kinh tế không có một chữ nào về Trung Quốc ở trong đó hết, chỉ có những cái họ (tức dư luận) cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên, gây chia rẽ quan hệ của ta với Trung Quốc. 

Báo Phụ Nữ TP.HCM: Đã là luật thì hẳn đó là bộ khung, là khuôn thước có tính bao quát, tính chuẩn mực mà vẫn đảm bảo, duy trì tính biên độ (pháp lý) rộng, sâu, khoa học. Do vậy, không phải đợi điền hai chữ Trung Quốc, hay một nước láng giềng nào đó vào trong dự luật  mà căn bản là vị trí, vị thế chiến lược của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đều là đảo, vịnh của nước nhà; là cửa ngõ của biển quốc gia.

'Doi thoai hanh lang' cung bo truong Nguyen Chi Dung
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Một khi đặt “phòng thí nghiệm thể chế” ở 3 vị trí quan trọng ấy, một phản xạ có điều kiện từ nhận thức địa - chính trị, người dân có quyền và buộc phải cân nhắc và lo lắng. Đó là một thái độ, thái độ ấy biểu thị cho một tấc lòng vị quốc, đủ tỉnh táo và nhất quán, đủ tình cảm và sự uyển chuyển để kết đoàn và bảo vệ một dân tộc, nó không hề tự chia rẽ, lại càng không đi chia rẽ với bất cứ mối quan hệ nào, thưa bộ trưởng. 

* Môi trường hội nhập quốc tế chúng ta đang mở nên bình đẳng, không hạn chế người này người khác. Cũng không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta có chủ quyền. 

- Vâng, thưa bộ trưởng, Đảng và Chính phủ cùng các cấp chính quyền địa phương đang nỗ lực tạo dựng, thúc đẩy môi trường cạnh tranh và phát triển kinh tế - xã hội bình đẳng, sáng tạo, tự chủ mà ví dụ cụ thể nhất là vai trò kinh tế tư nhân đã được xác lập trở lại tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XII, trở thành quyết nghị cho toàn hệ thống chính trị. 

Nhưng, sự bình đẳng liệu có còn được kiểm soát, duy trì, đảm bảo khi việc dự luật dành sự ưu đãi vượt trội trong hầu hết các chỉ số quan trọng: vốn, thuế, đất đai, thủ tục, khả năng, thời hạn cho thuê đất cho đặc khu, điều này dễ dẫn tới những hệ lụy không bình đẳng ở các mô hình kinh tế khác (như khu công nghiệp), địa phương khác (ngoài 3 đặc khu nêu trong dự luật). Thí điểm cơ chế đặc biệt, chính sách vượt trội thì cũng cần được thuyết minh (cho nhân dân) bằng lập luận, phép tính toán, kỹ năng dự báo rõ ràng, cụ thể để thuyết phục hơn là gieo rắc sự lo âu. 

Đúng là khi đất nước có chủ quyền thì không một ai được phép “vào đây làm việc gì”, nhưng “ngoài kia”, ngay trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc vừa cho triển khai tập trận với khí tài hạng nặng; hay mới đây, ba tàu hải quân Úc đã bị hải quân Trung Quốc “xét giấy” khi đang trên đường đến TP.HCM. 

Và có hẳn một dòng trong dự luật: “Công dân của nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh…” ở khoản 4, điều 55, thưa bộ trưởng. 

'Doi thoai hanh lang' cung bo truong Nguyen Chi Dung
Huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

* Chúng ta phải bình tĩnh, xem xét và lắng nghe. Mọi người đang hiểu sai và có người cố tình hiểu sai, đẩy câu chuyện lên để phá hoại. Cần phải làm khách quan, không sau này phải trả lời với lịch sử rằng, trong thời khắc lịch sử ấy, ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm, không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được. 

- Ngày 6/6, tại hội trường Diên Hồng, chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn khẳng định là Quốc hội đang bàn về dự thảo Luật Đặc khu, hiện chưa ban hành; nghĩa là đang trong giai đoạn bàn thảo, muốn cuộc bàn thảo đi đến kết quả thì sự lắng nghe - và thực chất là lắng nghe nhau - hết sức cần thiết. Người dân (trong đó có các đại biểu Quốc hội) đọc kỹ và hiểu nghĩa của từng chữ trong dự luật, họ có sự lo lắng ở một số điều khoản, họ đặt ra những dự cảm và tình huống có khả năng xảy ra nếu dự luật được thông qua. Nếu họ hiểu chưa đúng thì Quốc hội sẽ lý giải, nếu họ hiểu chưa đủ thì Quốc hội sẽ làm rõ những phần còn thiếu, xin đừng đẩy đến chỗ “cố tình sai” và “phá hoại”. 

Xin bộ trưởng hãy lắng nghe thêm những lời phản biện, những ưu tư có vẻ ngược chiều nhưng là “tấc lòng ưu ái” với nước, với dân. Chỉ có như thế mới là câu trả lời công minh và công bằng cho lịch sử, cái lịch sử mà sức sống được tạo dựng qua các cuộc trường chinh dựng nước đi cùng giữ nước, đã rèn đúc cho muôn dân cái phản xạ thức giấc năm canh mà giữ lấy biển trời. Chỉ sợ họa mất nước nên quyết không để mất đất. Một khi nước đã thấm vào đất thì đất sinh sôi, nước cuồn cuộn, hà tất mà sợ để không làm được bất cứ điều gì. 

* Trong thiết kế luật có điều khoản nào nói “đánh đổi” quốc phòng an ninh lấy phát triển kinh tế hay không? Nguyên tắc số một khi thiết kế luật này là: không ảnh hưởng tới quốc phòng an ninh, chủ quyền quốc gia, môi trường, người dân. Nguyên tắc đầu tiên, cơ bản và quan trọng bậc nhất khi thiết kế luật này là không được cao hơn Hiến pháp và không ảnh hưởng 4 yếu tố trên. 

- Nguyên tắc suy luận của bộ trưởng ở nội dung này lại giông giống nội dung “không có một chữ nào về Trung Quốc ở trong đó hết” mất rồi! Đúng là không có, mà làm sao có thể có, được quyền có. Nhưng, như chúng tôi đã nói ở trên, một khi đặt để ở 3 vị trí “tiền đồn” sát biển thì đó là thách thức, là hiểm họa cho an ninh quốc phòng và chủ quyền lãnh hải quốc gia - điều mà bộ trưởng vừa khẳng định ở vế sau.

Đã là nguyên tắc, lại là nguyên tắc số một, đầu tiên, cơ bản và quan trọng thì mọi điều kiện, cơ hội cho phép sự ảnh hưởng, tác động, đe dọa đến nguyên tắc ấy đều phải loại bỏ để tuân thủ, bảo vệ nguyên tắc. Nếu không diễn dịch nguyên tắc trên thành các quy chế pháp lý, thực thi hành động thì đó mới chính là “nói cho sướng mồm, không có suy nghĩ, tư duy” đấy, thưa bộ trưởng.  

Xin bộ trưởng hãy nghe và ngẫm lời Thủ tướng vừa phát biểu, cũng là bên hành lang Quốc hội, sáng 7/6: “Những chính sách đầu tư phải tạo ra một sự thuận lợi, nhưng đảm bảo quyền lợi quốc gia dân tộc là tối thượng”. Xin cảm ơn Thủ tướng. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI