TP.HCM: Hộ khẩu bao năm vẫn miệt mài... gây khổ

24/02/2017 - 17:30

PNO - Nhiều người dân nhập cư TP.HCM vẫn còn rùng mình khi nhớ lại một thời bị hộ khẩu (HK)… “đè”. Đến nay, tờ HK tuy chẳng còn vai trò gì đáng kể, nhưng vẫn tiếp tục tồn tại, cản trở TP thu hút nhân lực chất lượng cao.

TP.HCM: Ho khau bao nam van miet mai... gay kho
 

“Hành” nhau vì hộ khẩu

Đầu tháng 1/2017, Trung tâm Văn hóa quận 8 đăng thông báo tuyển dụng nhân viên tổ thời sự và nhân viên phụ trách câu lạc bộ, đội nhóm, tổ năng khiếu. Trong thông báo tuyển dụng, ngoài yêu cầu về năng lực chuyên môn, đơn vị này còn yêu cầu người ứng tuyển phải có HK TP.HCM.

Giới hạn HK này đã khiến không ít sinh viên có năng lực ở các trường tuột mất cơ hội việc làm. N.H.H. (24 tuổi, cựu sinh viên Trường cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II) chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp năm 2016 với bằng khá, hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu tuyển dụng của Trung tâm Văn hóa quận 8, nhưng khi liên hệ tôi đã bị từ chối vì không có HK TP.HCM”.

Trước đó, tháng 10/2016, Trung tâm Văn hóa quận 6 cũng thông báo tuyển dụng hai nhân viên, điều kiện đầu tiên đặt ra cũng là ứng viên phải có HK TP.HCM. Cuối cùng, đơn vị này đã không tuyển được nhân sự, vì những người muốn vào làm việc lại không có… HK!

Liên quan đến yêu cầu trên, một đại diện Phòng Hành chính tổng hợp - Trung tâm Văn hóa quận 8 cho biết: “Trung tâm trực thuộc UBND quận 8 nên chúng tôi buộc phải tuyển người có HK ở TP.HCM để sau này có thể thi tuyển dụng viên chức, gắn bó lâu dài với trung tâm. Quy định về HK là quy định chung nên chúng tôi phải thực hiện”.

TP.HCM: Ho khau bao nam van miet mai... gay kho
Hộ khẩu thành phố là giấc mơ của biết bao người

Tại TP.HCM, giáo dục là ngành đòi hỏi HK “quyết liệt” nhất. Muốn được làm giáo viên chính thức của một trường công lập tại TP.HCM, người lao động phải có HK tại TP.

Nếu người dự tuyển không có HK thường trú tại TP.HCM thì phải đáp ứng ít nhất một trong các điều kiện: Có học hàm giáo sư (tuổi dưới 45 đối với nữ và dưới 50 đối với nam), phó giáo sư (tuổi dưới 40), có bằng tiến sĩ (tuổi dưới 35), có bằng thạc sĩ (tuổi dưới 30) hoặc tốt nghiệp loại xuất sắc các ĐH trong nước, tốt nghiệp loại giỏi các ĐH nước ngoài (tuổi dưới 25).

Chị Nguyễn Thanh Thuận (tốt nghiệp cử nhân Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2002) không có HK tại TP.HCM nhưng vì thiếu giáo viên dạy văn nên một trường THPT ngoại thành chấp nhận “không cần HK TP, chỉ cần KT3”. Thế nhưng, việc làm KT3 (đăng ký tạm trú dài hạn) cũng không dễ. Sau gần một năm không đăng ký KT3 được, chị đành bỏ ước mơ làm giáo viên trường công lập.

Chị chua chát: “Theo quy định, muốn có KT3 thì phải khai báo tạm trú tại công an phường hoặc các điểm khai báo tạm trú ở các tổ dân phố có treo bảng, tạm trú ở địa chỉ đăng ký sau 30 ngày mới được xem xét. Sau đó, hoặc chủ hộ phải có đủ giấy tờ hợp lệ về căn nhà cho thuê, làm giấy bảo lãnh cho người thuê được cấp thẻ tạm trú, giấy tờ bảo lãnh phải có chứng thực của địa phương; hoặc người thuê trọ phải có hợp đồng thuê nhà (phòng) trọ có chứng thực.

Tôi nhờ chủ phòng trọ chứng thực thì bị từ chối vì “nhà này xây trái phép, ai dám chứng”. Đổi sang nhà trọ khác, chủ nhà lạnh lùng bảo “không thuê thì đi chỗ khác thuê, tôi có rảnh đâu mà chứng với giám”.

Thực tế, ai cũng hiểu bằng cấp, học hàm, học vị không hẳn đồng nghĩa với tài năng. Có những người đầy đủ bằng cấp nhưng không có thực tài và ngược lại, có những người bằng cấp không cao nhưng rất giỏi chuyên môn. Vì vậy, việc ưu tiên theo học hàm, học vị, bằng cấp cũng chỉ “vớt” được một phần nhỏ nhân tài, nhưng lại để “lọt” không ít người tài khác.

Theo ông Đỗ Minh Hoàng (Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM), các cơ quan giáo dục phải tuyển dụng theo quy chế tuyển dụng viên chức do Sở Nội vụ ban hành. Hiện nhiều quận huyện ngoại thành, vùng ven cũng tuyển dụng giáo viên chỉ cần KT3, không yêu cầu HK, nhưng chủ yếu là ở bậc mầm non, tiểu học. Tuy nhiên để được tuyển dụng như vậy, UBND quận huyện đó phải có văn bản trình và được Sở Nội vụ chấp thuận.

Hộ khẩu - hậu khổ

Nhà thơ Lê Minh Quốc vẫn nhớ cảm giác rùng mình khi nhắc đến chuỗi ngày anh không có hộ khẩu. Sau khi rời chiến trường trở về, anh phải đối diện ngay với khó khăn khi không có HK tại TP.HCM.

“Hộ khẩu là hậu khổ! Năm 1985 tôi đã nghe cách nói này và ngày càng thấm thía. Thời đó có quy định “đâm hơi” là phải có nhà ở TP mới được làm hộ khẩu và phải có HK ở TP mới được mua nhà (!?). Cái vòng luẩn quẩn, tù mù không lối ra đó đã làm khổ biết bao nhiêu người.

Thời đó, ngay cả việc muốn trở thành hội viên Hội Nhà văn TP.HCM cũng phải… có HK TP, dù chẳng ai lý giải được cái HK phục vụ được gì cho việc vào Hội! Không chỉ khó xin việc làm vì cơ quan nào cũng đòi HK TP, việc mua nhà càng khó gấp trăm lần. Tôi bị ám ảnh đến nỗi thời đó tôi chỉ có một mơ ước duy nhất là ước mình có HK!

Thế hệ những người lập nghiệp ở TP.HCM khoảng thập niên 1980 như anh Quốc đã tận mắt chứng kiến bao chuyện bi hài liên quan đến HK: “Tôi từng biết một số trường hợp phải kết hôn giả chỉ để một trong hai người được nhập HK theo người kia. Thủ trưởng đơn vị, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình đều biết họ kết hôn giả nhưng vẫn ngó lơ vì… không còn cách nào khác”.

Cũng đau thương không kém nhà thơ Lê Minh Quốc là nhiếp ảnh gia Đỗ Ngọc. Chị tâm sự: “Tôi từng phải chia tay một người mình rất yêu vì tôi không có HK TP. Trong công việc, tôi phải “lên bờ xuống ruộng” suốt 14 năm trời chỉ vì cái HK. Với chuyên môn là chụp ảnh và viết báo, tôi đến cơ quan nào cũng chỉ được làm cộng tác viên, không được làm phóng viên chính thức vì nơi nào cũng đòi HK.

Những ngày tháng cống hiến nhưng không có hướng phát triển, không nhìn thấy một tương lai ổn định khiến nhiều lúc tôi thấy bế tắc và oán thán mảnh giấy mang chữ “hộ khẩu thành phố”. Chính nó đã làm cho mình tắt hết nhiệt huyết.”

Lại có những trường hợp khốn khổ hơn, do không có HK đã không trụ lại được, phải “bật” ngược về quê như chị Nguyễn Thanh Lan (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Năm 1995, chị cầm tấm bằng  tốt nghiệp xuất sắc của Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM đi tìm việc làm. Không có HK ở TP.HCM, suốt hai năm trời chị lóc cóc đạp xe đi dạy kèm để chờ cơ hội. Có những lúc chị đã nảy ý định chia tay người yêu, tìm “một anh có HK” nhưng lại thôi. Có người đã gợi ý chị bỏ ra 10 cây vàng để… mua HK.

“Muốn có số tiền đó, cha mẹ tôi phải bán nhà nên tôi quyết định bỏ cuộc. Xem như TP này không dung chứa mình. Tôi quyết định về quê dạy học. Giờ nghĩ lại, cảm giác hãi hùng ngày đó như vẫn còn nguyên. Tôi biết nhiều người phải đánh đổi nhiều thứ chỉ vì HK TP. Nghĩ đến chỉ thấy buồn, nhất là đến thế hệ ngày nay, nỗi khổ HK
vẫn còn”.     

Ngày 17/2, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng, đã phải cảm thán với Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: “Chúng tôi có viện nghiên cứu, giờ muốn thu hút Việt kiều, thậm chí mời người nước ngoài vào làm đều rất khó vì họ không có HK tại TP.HCM. Tôi đề nghị phải tháo gỡ vấn đề này, vì đây là một trong những yếu tố thu hút tài năng”.

Bí thư Đinh La Thăng cho biết : “Bây giờ quy định có HK TP mới tuyển công chức, viên chức nhưng trộm cướp, mại dâm, ma túy có cần HK gì đâu vẫn ‘vào’ vô tư. Nếu cứ đòi HK thì sẽ không thu hút được Việt kiều, chuyên gia, người giỏi được”. Ngay trong cuộc họp, Bí thư Thăng đã chỉ đạo ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ TP xem xét gỡ bỏ điều kiện HK trong tuyển dụng.

Hộ khẩu đã kết thúc sứ mạng trong tuyển dụng

Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LÐ-TB-XH TP.HCM) cho biết, ngày trước, áp dụng HK vào tuyển dụng là để phục vụ việc phân bổ, giải quyết việc làm tại chỗ, từ đó tạo gắn kết giữa những người lao động (LĐ) với nhau. Điều này không phải không hợp lý, vì thời đó hầu như không ai muốn LĐ xa nhà, điều kiện giao thông còn khó khăn nên cư ngụ ở đâu thì làm việc ở đó.

Không chỉ cơ quan hành chính sự nghiệp mà các doanh nghiệp nhà nước cũng chỉ tuyển LĐ có HK tại địa phương, muốn tuyển lao động nơi khác phải làm đơn xin phép. Thời này cụm từ “điều phối LĐ hợp lý” vẫn còn phổ biến và đã tạo thành “nếp” cho đến tận ngày nay.

Khi đất nước hội nhập, Hiến pháp quy định rõ “mọi người có quyền tự do cư trú và làm việc”, vấn đề cởi bỏ điều kiện HK khi tìm việc làm lại được nhắc đến, vì trong thực tế, một số cơ quan, xí nghiệp tại TP.HCM vẫn yêu cầu người LĐ phải có HK tại TP.HCM. Tôi rất hoan nghênh yêu cầu cởi bỏ yếu tố HK trong tuyển dụng LĐ của Bí thư Đinh La Thăng.

Quan điểm này rất phù hợp khi TP đang rất cần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phải rộng cửa để đón nhân lực khắp nơi vào, tạo nên cuộc cạnh tranh công bằng. Hiện TP chỉ đòi hỏi có HK TP đối với LĐ có trình độ cao, nhưng LĐ phổ thông thì “thả cửa”. Áp lực dân số chủ yếu đến từ LĐ phổ thông, nên việc cởi mở hơn đối với LĐ trình độ cao không ảnh hưởng đến áp lực dân số.

Vấn đề còn lại là các cơ quan phải xây dựng được cơ chế minh bạch, công bằng, đảm bảo tuyển được những người giỏi nhất, bất kể người đó HK ở đâu. Hiện người có HK ở TP.HCM đi lập nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng nhiều. Nếu một người có HK ở TP.HCM mà không tìm thấy công việc phù hợp tại TP, thì hoàn toàn có thể tìm công việc ở tỉnh thành khác. Việc tạo ra dòng chảy nhân lực LĐ nhiều chiều là rất hợp lý.

Ông Trương Văn Lắm - Giám đốc Sở Nội vụ:

Cá nhân tôi đề xuất TP xem xét bỏ điều kiện HK trong tuyển dụng. Tôi đang trình xin ý kiến UBND TP, đồng thời gấp rút làm việc với các sở ngành để xem xét nên tiến hành thế nào cho đạt kết quả tốt nhất. Không phải “sẽ” làm mà là làm ngay bây giờ.

Chúng ta tìm mọi cách để thu hút người tài, nhưng cũng phải tính đến việc dân số tăng quá nhanh, gây áp lực lên cơ sở hạ tầng, nên cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi tiến hành. Trước đây, TP có ưu tiên tuyển dụng người có HK TP, khi nào tuyển chưa đủ nhân sự mới nhận người có HK ngoài thành phố. Hướng  tới sẽ là tuyển dụng công bằng, không phân biệt HK.

Triều - Vinh - Hà 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI