“Thả cửa” cho xe khách chở hàng, nguy cơ cháy nổ bủa vây

24/02/2017 - 12:03

PNO - Nếu như việc mang hành lý, hàng hóa lên máy bay được kiểm soát rất nghiêm ngặt thì hàng hóa vận chuyển trên xe khách lại được “thả cửa”, cơ quan chức năng không kiểm soát.

Trên thực tế, đã xảy ra không ít vụ cháy xe khách mà nguyên nhân bắt nguồn từ hàng hóa được vận chuyển trên xe.

Xe khách thoải mái “gom hàng”

Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nổ xe khách, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất, vào đêm 21/2, tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đã xảy ra một vụ nổ xe khách làm hai người chết và 14 người bị thương. Bước đầu, Công an tỉnh Bắc Ninh xác định, nguyên nhân vụ nổ có thể bắt nguồn từ vật liệu nổ được vận chuyển trên xe.

Việc vận chuyển hàng hóa trên xe khách luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng việc kiểm soát chúng lại bị buông lỏng. Ngay tại TP.HCM, các bến xe khách liên tỉnh, nội thành, thậm chí xe buýt đều nhận vận chuyển hàng hóa cho khách hàng. Điều đáng nói là vì lợi nhuận nên các nhà xe không từ chối bất kỳ loại hàng hóa nào, khối lượng bao nhiêu, hễ có người gửi là nhận.

Khoảng 10h sáng ngày 23/2, chúng tôi có mặt tại bến xe An Sương (H.Hóc Môn, TP.HCM). Thời điểm xe gần xuất phát thì các khoang để hành lý dưới gầm xe hầu như đã chật kín. Tuy nhiên, khi khách có nhu cầu đến gửi hàng thì chủ xe vẫn nhận thêm và nhồi nhét cho đến khi hầm chật cứng.

Chúng tôi thử tiến đến xe khách mang biển số 43B - 00884 của hãng xe khách Sơn Tùng (từ TP.HCM đi Đà Nẵng) thì thấy gầm xe khách này đã chật kín, hành lý cùng với một số thùng hàng của khách gửi được nhồi nhét như nêm, không còn chỗ trống. Trong khi đó, ở phía trước, các phụ xe liên tục nhận hàng của khách mang đến gửi.

Theo quan sát của chúng tôi, hàng gửi trên xe khách Sơn Tùng được khách gửi đóng thùng hoặc cột chặt. Khách đến gửi hàng chỉ cần cho địa chỉ nơi nhận hàng, số điện thoại người nhận hàng và đưa tiền thì nhà xe sẽ nhận chở. Trong lúc nhận hàng, nhà xe không cần kiểm tra hay hỏi xem gói hàng khách gửi là mặt hàng gì.

Trò chuyện với chúng tôi, một phụ xe của hãng xe Tấn Hưng cho biết: “Hôm nay ít xe máy đó, đợt trước tết, hầm xe này chất cả năm-sáu chiếc xe máy cùng với hàng. Tụi tôi chất hàng có kinh nghiệm rồi nên không phải lo xảy ra sự cố gì cả”.

“Tha cua” cho xe khach cho hang, nguy co chay no bua vay
Hầm xe khách Vinh Hoa ở bến xe Ngã Tư Ga chật cứng với xe máy chất cùng hàng hóa.

Trưa 23/2, chúng tôi đến bến xe Ngã Tư Ga (Q.12, TP.HCM) để mua vé gửi xe máy về quê thì ngay lập tức được hàng chục phụ xe của các nhà xe ở đây tiếp cận, chào mời. Để giành khách, nhiều chủ xe ở đây cam kết, gửi xe không cần phải mua vé, khi đưa xe máy lên xe thì chỉ cần tháo rời một bánh trước mà không cần phải hút nhiên liệu bên trong xe ra ngoài.

Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các xe khách trong bến xe Ngã Tư Ga của các hãng như Tuấn Mầu, Hà Sáng, Vinh Hoa… khi xuất bến đều chở theo xe máy và đủ loại hàng hóa trong hầm xe. Tuy nhiên, điều đáng nói là khi các xe này xuất bến, không có bất kỳ một đơn vị nào kiểm tra hàng hóa trong hầm xe khách để xem họ chở gì, có an toàn hay không.

Chúng tôi thử tiếp cận với xe khách mang biển số 98B - 01010 của hãng xe khách Hà Sáng (tuyến Sài Gòn - Bắc Giang) thì phát hiện trong hầm xe khách này đang chở theo hai chiếc xe máy và một số thùng hàng bằng giấy. Khi chúng tôi giả vờ hỏi tài xế xe khách này để gửi một thùng hàng về Bắc Giang thì tài xế này cho biết, chỉ cần xem kích thước thùng hàng để thu tiền mà không cần kiểm tra mặt hàng.

Giống như các bến xe khác, những ngày này, các hãng xe khách ở bến xe Miền Đông cũng tăng cường nhận hàng chở kèm theo xe khách để bù lại lượng khách giảm đáng kể sau tết. Thủ tục gửi hàng tại bến xe này khá đơn giản: khách gửi hàng chỉ cần để lại địa chỉ giao hàng, số điện thoại và đặt tiền thì các chủ xe sẽ nhận hàng.

Tại khu vực các tuyến xe khách về Đà Nẵng, chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe khách cũ đang vội vàng chất hàng lên xe. Không chỉ chất xe máy, hàng hóa dưới hầm xe, nhiều phụ xe còn đưa hàng lên nóc xe, sau đó phủ bạt để qua mặt cơ quan chức năng.

Trò chuyện với chúng tôi, một phụ xe của xe khách mang biển số 43B - 02443 cho biết: “Qua tết, khách ít nên chủ xe thường nhận chở thêm hàng để bù lại tiền xăng. Thông thường, mình chở khách quá số người quy định thì dễ bị cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt chứ mình để hàng dưới hầm xe thì ít ai bắt phải mở hầm ra để kiểm tra lắm”.

Buông lỏng kiểm soát, dễ xảy ra cháy nổ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, hầu hết các xe khách giường nằm đều được cải tiến với diện tích hầm xe khá lớn. Vì vậy, ngoài việc vận chuyển người, các chủ xe còn vận chuyển thêm hàng hóa để tăng lợi nhuận. Được biết, giá cước chở hàng của xe khách thường rẻ hơn 30 - 50% so với việc vận chuyển bằng xe tải, máy bay. Đa số người dân chọn mang hàng hóa gửi theo xe vì không có sự ràng buộc và kiểm soát, miễn sao giá cả hợp lý.

Theo các chuyên gia ngành vận tải thì việc “thả cửa” cho xe khách chở hàng như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa.

Nhận định những mối nguy hại của việc xe khách chở hàng, phó giáo sư - tiến sĩ  Phạm Xuân Mai (Trường đại học Bách khoa TP.HCM) cho biết, thời gian gần đây, hiện tượng cháy xe khách diễn ra rất nhiều và gây hậu quả rất lớn.

Có bốn nguyên nhân gây cháy xe khách là do xe chở quá tải, do hệ thống điện, do chất lượng nhiên liệu và do việc kiểm soát nguồn hàng hóa vận chuyển trên xe khách. Các nguyên nhân này đều có tính chất liên quan nhưng trong đó, quan trọng nhất là việc xe chở hàng hóa quá tải.

“Nhiều xe chở khách đã chở quá số người quy định, lại còn chất thêm hàng hóa đầy hầm xe, chất cả lên trên nóc dẫn đến vượt tải trọng đến 40 - 50%. Khi xe quá tải, động cơ xe sẽ nóng và sinh nhiệt. Nếu lúc này, có sự rò rỉ nhiên liệu hay bắt gặp vật gì đó dễ cháy trong hầm xe thì lập tức sẽ xảy ra cháy” - tiến sĩ Mai nhận xét.

Theo tiến sĩ Mai, một trong những nguyên nhân gây cháy nổ xe khách là nguồn hàng vận chuyển trên xe. Nhưng trên thực tế, có rất nhiều xe khách vận chuyển xe máy trong hầm mà không hút nhiên liệu, hoặc nhiều đối tượng xấu lợi dụng việc kiểm soát hàng hóa trên xe khách lỏng lẻo để mang vật liệu nổ lên xe. Điều này là cực kỳ nguy hiểm.

Tiến sĩ Phạm Xuân Mai chia sẻ: “Các xe khách chạy tuyến Bắc - Nam ở nước ta phải qua rất nhiều địa hình đèo, dốc. Nếu để xe máy trong hầm xe, khi lên đèo dốc hoặc địa hình không bằng phẳng, rất dễ xảy ra va đập hoặc đổ nhiên liệu, nguy cơ cháy sẽ rất cao. Đó là chưa kể việc xe khách đã chở vượt tải trọng leo địa hình dốc thì tải trọng sẽ tăng lên gấp hai, gấp ba khiến xe càng nóng máy, càng dễ cháy. Thực tế, đã có nhiều vụ cháy xe khách ở các đoạn đường qua  rừng núi”.

Theo tiến sĩ Phạm Xuân Mai, hiện cơ quan chức năng cũng kiểm soát chưa tốt việc vận chuyển hàng hóa trên xe khách. Ở nước ngoài, khi phát hiện xe quá tải thì lực lượng chức năng sẽ buộc chủ xe phải tháo dỡ hàng xuống để đảm bảo an toàn; nhưng ở ta, nhiều khi phát hiện xe quá tải, cảnh sát giao thông chỉ xử phạt rồi cho đi.

Nhận định về những bất cập trong việc xe khách chở hàng tràn lan như hiện nay, một cán bộ đăng kiểm tại TP.HCM (xin giấu tên) cho biết, theo thông tư số 57/BCA của Bộ Công an thì xe khách không được vận chuyển xe máy trong hầm xe. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ xe khách vẫn nhận vận chuyển xe máy. Ngoài ra, hiện nay, các xe giường nằm có khoang chứa hành lý rất rộng, lại không chia khoang nhỏ nên chủ xe có thể dễ dàng để xe máy trong hầm.

“Theo thông số kỹ thuật thì xe giường nằm chỉ được chở tổng trọng lượng là 15.800kg. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều xe khách lại chở vượt xa số này nên rất dễ xảy ra cháy nổ. Chất lượng xe đăng kiểm tốt rồi nhưng hàng hóa trên xe chở tràn lan như vậy thì cháy nổ là đương nhiên. Ngoài ra, theo tôi cũng nên đề xuất quy định là buộc các xe khách giường nằm phải có chia hầm đựng hành lý và có vách ngăn rõ ràng để tính được tải trọng theo khoang hành lý.

Đồng thời, cần có quy định tải trọng của lượng hàng mang theo trên số hành khách, như với xe khách thì mỗi hành khách chỉ được mang hàng 20kg, nếu nhà xe chở vượt thì phải phạt nhà xe” - vị cán bộ đăng kiểm chia sẻ.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho biết: “Việc nhận và kiểm tra hàng hóa trên xe khách hiện nay rất bất cập, hàng hóa thì gửi rất nhiều loại, trong khi phụ xe và tài xế thì không có chuyên môn kiểm tra. Chủ xe chủ yếu kiểm tra phổ thông, hỏi nguồn hàng của khách chủ yếu bằng miệng chứ thật ra người gửi hàng khai khống, khai man về nguồn gốc, loại hàng hóa thì chủ xe cũng không biết được”.

Liên tiếp xảy ra các vụ cháy, nổ xe khách

* Tối 21/2, tại tỉnh Bắc Ninh đã xảy ra một vụ nổ xe khách. Vào thời điểm trên, xe khách mang biển kiểm soát 14B - 00694 do tài xế Hà Minh Tuấn (SN 1984, ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển đang lưu thông trên QL18, đoạn qua xã Đào Viên, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh thì bất ngờ phát nổ. Vụ nổ cực lớn khiến 2 người tử vong tại chỗ, 14 người bị thương. Theo kết luận của Công an tỉnh Bắc Ninh, nguyên nhân vụ nổ là do trên xe khách có vận chuyển vật liệu nổ.

* Khoảng 9 giờ ngày 21/2, xe khách giường nằm 45 chỗ mang BKS 49B - 00726 do tài xế Nguyễn Ngọc Linh (46 tuổi) điều khiển chạy tuyến từ Đà Lạt đi Gia Lai. Khi đang xuống đèo Phú Sơn, Quốc lộ 27, thì xe bị sự cố. Khi xuống xe kiểm tra thì tài xế phát hiện phần đuôi xe đang bốc cháy dữ dội. Rất may mắn 15 hành khách trên xe đã kịp thoát ra trước khi chiếc xe bị lửa thiêu rụi.

* Trước đó, sáng 7/2, tại huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) đã xảy ra một vụ cháy xe khách. Vào thời điểm trên, xe khách mang BKS 43B-01936 do tài xế Lê Văn Minh (SN 1972, tại phường An Sơn, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) điều khiển chở 4 nhân viên nhà xe và 10 hành khách chạy từ TP.HCM đi Đà Nẵng. Khi xe đến địa phận huyện Đức Phổ thì bất ngờ bốc cháy. Rất may mắn vụ cháy không gây thiệt hại về người.

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI