Người Sài Gòn không muốn chợ hoa Hồ Thị Kỷ ra ngoại thành

20/02/2017 - 21:12

PNO - Sau Tết Đinh Dậu, chuyện di dời chợ hoa Hồ Thị Kỷ (P.1, Q.10, TP.HCM) ra chợ đầu mối nông sản Bình Điền (Q.8, TP.HCM) “nóng trở lại”.

Phố “nhà nhà bán hoa”, tại sao không?

Thu gọn lại những xô hoa cũ xuống hàng từ 1-2g sáng chuẩn bị đem bỏ, bà T.S. (chủ cửa hàng hoa hẻm 80 Hồ Thị Kỷ) chắc lưỡi: “Chuyện dời chợ nghe lâu rồi chú ơi, từ 4-5 năm nay rồi. Tụi tui đa số dân ở đây từ trước giờ mỗi lần nghe tới là buồn. Cả cuộc sống của tụi tui là nhờ chợ. Chợ đi cũng như cuộc sống ra
đi vậy”.

“Cho năm chục cúc đại đóa bà S. ơi”, chiếc xe máy dừng trước tiệm cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Bà S. ngước lên nhận ra mối ruột là chủ shop hoa bên Q.4. Biết chúng tôi đang bàn chuyện dời chợ, người đàn ông chau mày nói luôn: “Ra chợ hoa Đầm Sen, Hậu Giang mà còn làm biếng, huống chi ra tuốt ngoài Bình Điền. Chợ nào mà không ảnh hưởng giao thông, an ninh trật tự”.

Chị Nguyễn Thị Hồng (thường mua hoa về cắm cho một nhà thờ ở tận Q.Gò Vấp) - đang mua hoa lay-ơn, hoa huệ cạnh bên tiệm của bà S. - cũng đồng ý cho rằng, chợ Bình Điền xa quá. “Một tuần tôi đến Hồ Thị Kỷ lấy hoa hai lần, giờ ra đó chắc chết”, chị Hồng nói. Chị còn cho biết, ngoài lợi thế về vị trí, khác với các chợ hoa khác chỉ hoạt động vào buổi sáng, chợ Hoa Hồ Thị Kỷ Q.10 bán 24/24, giờ nào cũng có thể mua hoa với giá sỉ, lẻ đủ kiểu. Chưa kể, mọi dịch vụ về hoa tươi đều có thể tìm thấy
ở đây.

Vấn đề tiếp tục được đem ra bàn thảo trong buổi làm việc giữa lãnh đạo TP.HCM với các chợ đầu mối và sở ngành liên quan đầu tuần qua.

Nguoi Sai Gon khong muon cho hoa Ho Thi Ky ra ngoai thanh
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ - Ảnh: Phùng Huy

Cô gái bán hàng cho chị Hồng, da sạm nắng, cất giọng Phú Yên tham gia: “Nói chung, bán đâu quen đó. Đi chỗ khác thì cũng giống như mẹ con em vô lớp 1 học lại, làm lại từ đầu
còn gì”.

Bà Việt Dung đã bán tại đây gần 20 năm. Theo bà, nhà nào ở khu phố thuộc chung cư Lê Hồng Phong này cũng kinh doanh hoa hoặc cho thuê mặt bằng bán hoa. Nhà nguyên căn cho thuê có giá từ 10-20 triệu đồng/tháng. Thuê cái vỉa hè dưới lô E như bà giá 4 triệu đồng/tháng.

“Tôi đã ra chợ đầu mối Bình Điền khảo sát nhiều lần rồi. Cả người bán và người mua sẽ chẳng hứng thú đâu, bất tiện lắm. Ngoài đó giờ chỉ có người ra đầu cơ ô sạp thôi, chứ chưa thấy ai dám vô”, bà cho biết về tình hình nơi chợ dự kiến dời về.

Ngoài ra, nếu dồn về chợ Bình Điền, bà con tiểu thương chợ hoa Hồ Thị Kỷ cũng phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh. Nếu như ở đây, có thể bán tất cả các chủng loại hoa từ dòng hoa cao cấp cho khách sạn, nhà hàng cưới hỏi, tiệc tùng… cho đến thờ tự, cúng kiếng. Còn nếu ra Bình Điền thì chỉ có thể bán chủ yếu bông cúng mà thôi.

“Nói chuyện với tiểu thương trong chợ, ai cũng thích ở trong nội thành, muốn được ở lại. Chúng tôi sẵn sàng chấp hành, tuân thủ mọi quy định của pháp luật. Và ước mơ của hầu hết tiểu thương là làm sao có thể sắp xếp lại cho tiểu thương một chỗ thuê ổn định, lâu dài, được tổ chức quy mô, bài bản chứ không phải giải pháp di dời”, bà Dung nói. Bà đặt vấn đề tại sao không lấy con đường Trần Bình Trọng đang chuẩn bị quy hoạch để biến thành một con đường mà nhà nhà đều bán hoa tươi, tạo một điểm nhấn văn hóa thật đẹp cho thành phố như con đường sách?

Giải quyết tốt an sinh cho địa phương

Tuy nhiên, không phải tất cả đều muốn chợ hoa tồn tại. Chúng tôi được nghe những người dân sinh sống tại những tầng phía trên chung cư Lê Hồng Phong (thuộc khu phố 1, P.1) than phiền về các vấn đề ô nhiễm, chiếm dụng lòng lề đường, ùn tắc giao thông… do chợ hoa gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lâm Tuyền - Phó chủ tịch UBND P.1, Q.10, TP.HCM - lưu ý, do thói quen gọi là “chợ hoa” nhưng thực chất đây không phải là chợ tự phát, tên gọi và mô hình tổ chức của khu vực này một cách chính thức là “khu phố chuyên doanh hoa Hồ Thị Kỷ” với gần 100 hộ kinh doanh hoa có giấy phép kinh doanh và một số người “ăn theo” nhỏ lẻ với vài ba xô, chậu hoa…

Khu bán hoa đường Hồ Thị Kỷ đã có từ năm 1987. Sau đó, từ 1996, mở rộng ra khu vực dưới chung cư Lê Hồng Phong. “An ninh trật tự tại đây luôn được bảo đảm. Chúng tôi trực tiếp phối hợp với lực lượng chức năng tuần tra, lập lại trật tự lòng lề đường hai lượt mỗi ngày. Tiến hành kẻ vạch ô sạp, yêu cầu bà con không lấn chiếm. Đồng thời, phường cũng luôn tập trung rốt ráo trong vấn đề vệ sinh môi trường… khi hợp đồng với công ty công ích quận lấy rác mỗi ngày hai lần, tăng cường số lần lấy rác vào ngày đông khách, dịp lễ tết”, bà Tuyền nói. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, một số tiểu thương ý thức còn kém trong việc đổ xả rác và lấn chiếm hẻm…

Theo bà Tuyền, năm nào địa phương cũng trao đổi, thông tin về chủ trương của thành phố muốn quy hoạch, di dời các điểm kinh doanh hoa trên địa bàn về chợ đầu mối Bình Điền để các hộ kinh doanh hoa chọn lựa. Trước đây, UBND Q.10 đã vận động và có một số tiểu thương đã dời ra chợ hoa Đầm Sen, một số đi khảo sát ở Bình Điền nhưng sau đó tất cả đều quay về vì họ cho rằng ở Hồ Thị Kỷ thuận lợi hơn.

“Công bằng mà nói, khu chuyên doanh này tồn tại đã giúp giải quyết công ăn việc làm cho hầu hết thanh niên nghèo trong độ tuổi lao động ở địa phương. Đó là chưa kể, các hộ kinh doanh tại chợ hoa Hồ Thị Kỷ còn đóng góp vào ngân sách địa phương hằng năm lên đến gần 1,7 tỷ đồng", bà Tuyền nói.

Theo kế hoạch, đến tháng 7/2017 sẽ bắt đầu thu hồi đất, giải tỏa mặt bằng cho dự án cấp thoát nước của thành phố trên tuyến đường Trần Bình Trọng. Đảng ủy, UBND phường cũng chia sẻ ước mơ của bà con tiểu thương, khi dự án này hoàn thành, có thể nào hình thành “khu kinh doanh kiểu mẫu” cho phố kinh doanh hoa Hồ Thị Kỷ.

Nguoi Sai Gon khong muon cho hoa Ho Thi Ky ra ngoai thanh
Anh Nguyễn Đức Trường Cang (trái) dẫn du khách tham quan chợ hoa tươi "có một không hai" giữ nội thành

Góc nhỏ thi vị của Sài Gòn

Rời UBND P.1, chúng tôi trở lại chợ hoa Hồ Thị Kỷ. Tại đây, ngoài hoa và những con người chân chất, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những đoàn du khách Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu… Tôi “bắt cóc” Nguyễn Đức Trường Cang - một hướng dẫn viên du lịch cho khách Đức - khi anh đang dẫn đoàn tám du khách “Tây mũi lõ” đi tham quan chợ hoa tươi “có một không hai” giữa nội thành. Theo anh Cang, không nên di dời chợ. “Anh biết đó, Q.10 nằm chính giữa TP.HCM. Không đâu thuận tiện cho một chợ hoa sỉ - lẻ bằng nơi này. Thứ hai, chợ Hồ Thị Kỷ đã có được một nét đặc sắc riêng rất cuốn hút đối với khách du lịch. Nó lạ lẫm với du khách bởi chợ gì mà như khu dân cư, khu phố gì mà như chợ. Nếu di dời, sẽ vô tình làm mất đi một nét văn hóa đặc trưng”, anh Cang bày tỏ.

Khi nghe tin di dời chợ hoa Hồ Thị Kỷ ra ngoại thành, chị Thảo Hồ - làm việc cho một tổ chức phi chính phủ về sức khỏe Hoa Kỳ - đang công tác tại Malaysia kịp gửi về cho chúng tôi “cảm xúc hành trình” khắp thế giới của mình.

“Một người Sài Gòn đi khắp thế gian” như chị Thảo cho rằng: chợ - đối với người mua là nơi để chọn được món ngon, vật dụng hoặc dịch vụ ưng ý. Chợ - đối với người bán là nơi mưu sinh, gắn kết thân thiết với cuộc sống cả gia đình họ. Còn với những ai như chúng ta, những người yêu một “góc nhỏ thi vị” nào đó ở Sài Gòn hay bất cứ đâu trên thế giới này, thì đó là nơi trình diễn tuyệt vời cho tinh hoa của cuộc sống một cộng đồng dân tộc.

Ðồ án “Thiết kế đô thị chợ hoa Hồ Thị Kỷ” đoạt giải nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2016

Ngày 26/11, tại Hà Nội, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Bộ Xây dựng và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 28 - năm 2016 cho 57 đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành kiến trúc - xây dựng.

Giải thu hút sự tham gia của 189 đồ án dự thi từ 23 trường có đào tạo ngành kiến trúc - quy hoạch và xây dựng trên toàn quốc. 5 đồ án đoạt giải nhất, 16 giải nhì và 37 giải ba. Theo đánh giá của ban tổ chức, đồ án giành một trong 5 giải nhất mang tên “Thiết kế đô thị chợ hoa Hồ Thị Kỷ, Q.10, TP.HCM” của Vũ Nguyễn Uyên Minh - sinh viên ngành kiến trúc, Đại học Kiến trúc TP.HCM là một đồ án thiết kế đô thị tiếp cận được nhiều lĩnh vực, nhận diện được bản sắc đô thị, đặt ra được nhiều vấn đề cần giải quyết và đã giải quyết được.

Vào chiều 13/2, tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM, đề xuất di dời chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM) đã được lãnh đạo Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền đem ra bàn thảo. Theo đó, việc để tồn tại nhiều khu chợ bán sỉ trong trung tâm thành phố như chợ hoa Hồ Thị Kỷ, chợ hoa Đầm Sen… tạo ra sự không công bằng đối với các tiểu thương đã chấp hành chủ trương di dời về các chợ đầu mối.

UBND TP.HCM cho rằng, rất khó tạo sự đồng thuận khi bắt các hộ kinh doanh di dời về chợ đầu mối bằng mệnh lệnh hành chính. Các chợ đầu mối cũng phải nâng cao sức cạnh tranh, chứng tỏ được ưu thế của mình để hấp dẫn tiểu thương.

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI