Chuyện chưa kể ở ngã ba Thình Thình

23/07/2015 - 08:05

PNO - PN - Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tuyến đường chiến lược 21 nối từ ngã ba Khe Giao (tỉnh Hà Tĩnh) đến Tân Ấp (tỉnh Quảng Bình) không ngớt bom đạn, nhiều thế hệ thanh niên xung phong (TNXP) luôn in vào tâm khảm về con đường huyền...

 Bài 1: Ngã ba huyền thoại

Chuyen chua ke o nga ba Thinh Thinh

Ông Trần Quốc Hùng (trái), cựu TNXP đại đội 534 cùng đồng đội đang đứng trong hầm đếm bom ở ngã ba huyền thoại Thình Thình

Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc hay hang Tám Cô đều nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh năm xưa và trở thành những địa danh huyền thoại, là tượng đài về ý chí sắt đá, sự hy sinh cao cả của TNXP cả nước. Có một ngã ba khác - ngã ba Thình Thình - trên tuyến đường chiến lược 21 cũng là một địa chỉ huyền thoại, nhưng không được nhiều người biết đến...

Xem cái chết nhẹ tựa lông hồng

Để đảm bảo chi viện vũ khí, đạn dược, lương thực cho chiến trường miền Nam, Trung ương quyết định mở tuyến đường chiến lược 21. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ giao thông vận tải, bộ đội, TNXP được điều động làm nhiệm vụ mở đường. Cuối năm 1966, tuyến đường hoàn thành và hòa vào hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, đội 53 TNXP Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ bảo vệ thông đường.

Không lực Hoa Kỳ đã đưa tuyến đường vào tầm ngắm, vì vậy, hàng ngày có đến hàng ngàn quả bom bi, bom từ trường, bom sát thương, bom phá... được rải xuống. Ngã ba Thình Thình là điểm giao nhau giữa tuyến đường chiến lược 21 và 22 bỗng trở thành “túi bom”, “chảo lửa”, rất nhiều bộ đội, TNXP hy sinh ở nơi này.

Ông Trần Quốc Hùng, nguyên tiểu đội trưởng thuộc đại đội 534 đưa chúng tôi vào ngã ba Thình Thình. Từ bờ hồ Bộc Nguyên đi hơn 3km đường rừng mới đến một ngã ba mà khó có thể nhận ra đây là một ngã ba huyền thoại năm xưa. “Các chú đang đứng trên ngã ba Thình Thình đó. Ngã ba này bị máy bay Mỹ đánh phá ngày đêm, nhuốm nhiều máu và nước mắt của bộ đội, TNXP...”, ông Hùng rưng rưng.

Bước vào một lùm cây bên ngã ba, ông Hùng hỏi hai đồng đội đi cùng: “Hai anh có nhớ hầm này không? Đây là hầm đếm bom của đại đội năm xưa”. Bao nhiêu ký ức ùa về với ba người chiến sĩ già nua khắc khổ này. Những năm bị đánh phá ác liệt, hầm đếm bom này được các chiến sĩ TNXP trú ẩn, khi có máy bay đến là họ nhìn ra, đếm số lượng bom được thả xuống và nhớ chính xác từng quả bom không phát nổ để chạy đến cắm tiêu. Ông Hùng nhớ như in: “Lần đầu được giao trực bom, khi nghe tiếng bom nổ tôi ngó ra thì một mảnh bom bay sượt tóc, suýt mất mạng”.

Ngoài hầm đếm bom, ông Hùng còn đưa chúng tôi đến những hố bom có đường kính rộng cả chục mét bị cỏ cây bao phủ. Ông xúc động: “Hàng năm tôi thường đưa đồng đội trở lại ngã ba này để thắp hương cho những người đã hy sinh và hồi tưởng một thời tuổi trẻ xông pha, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Nhiều đồng đội đã bật khóc khi nhìn lại những hố bom, những căn hầm thời chiến...”.

Trở lại ngã ba Thình Thình, ông Nguyễn Văn Dũng, cựu TNXP đại đội 534 bồi hồi nhớ về những ngày đếm, cắm tiêu bom và làm barie hướng dẫn xe qua đường. Sống được đến ngày hôm nay, ông Dũng cho rằng, mình may mắn khi hai - ba lần bị bom đạn vùi dập. Chiều 12/10/1972, ở ngã ba Thình Thình, khi ông Dũng và ba chiến sĩ cùng đơn vị gồm Phạm Đình Hóa, Võ Đình Sự và Nguyễn Khắc Tú đi qua một bụi cây thì bom phát nổ. Người bị đất đá vùi lấp, người mắc lên ngọn cây, rơi xuống khe suối. Ông Dũng nhớ lại: “Quả bom từ trường rơi vào bụi cây đã phát nổ khi anh em cắm tiêu không phát hiện. Tôi bị thương nặng, được người dân chăm sóc cả tháng trời mới hồi phục. Anh Hóa bị rơi xuống khe, hi sinh lúc 19 tuổi”.

Chuyen chua ke o nga ba Thinh Thinh

Chị gái ôm di ảnh em trai liệt sĩ Lê Trinh Thứ hy sinh khi phá bom nổ chậm

Quả bom định mệnh

Khi đường chiến lược 21 bị đánh phá, ách tắc ở Quảng Bình, xe chở vũ khí, lương thực, bộ đội hành quân buộc phải đi theo đường chiến lược 22. Do đó, nhiều bộ đội lái xe khi qua ngã ba Thình Thình vào ban đêm gọi những TNXP là barie di động. Hỏi về những đêm làm barie, ông Hùng và ông Dũng kể, tuyến đường 21 và 22 luôn bị máy bay ném bom, thường xuyên bị tắc. Ngã ba Thình Thình được gác 24/24 dù mưa to, gió rét.

Tại ngã ba Thình Thình có rất nhiều tấm gương hy sinh bi tráng.

Đêm ngày 6, sáng 7/6/1972, ngã ba Thình Thình bị máy bay oanh tạc. Tại ngã ba đường có bảy quả bom nổ chậm. Trong khi đó, đại đội 531 nhận lệnh phải đảm bảo thông đường ngay trong ngày vì có một đoàn xe “đặc biệt” đi qua.

Nhớ lại thời điểm đó, ông Nguyễn Văn Nhân, nguyên đại đội phó 531 cho biết, đại đội đã điều động tiểu đội công binh đến giao nhiệm vụ phá bảy quả bom để đảm bảo thông đường. Sau khi phá được sáu quả, tiểu đội công binh về báo với chỉ huy còn một quả bom nằm ở taluy đường, kích hai, ba lần không phát nổ, đoàn xe đi qua rất nguy hiểm.

“Khi chỉ huy hỏi tiểu đội công binh có cách nào không thì đồng chí Lê Trinh Thứ và Nguyễn Quý Báu đã xung phong. Sau khi hỏi ý kiến và làm lễ tuyên thệ, nhiều người đã cầu mong hai đồng chí phá bom an toàn trở về, vậy mà… Đúng 6g, quả bom phát nổ. Đồng đội chạy ùa đến thì không thấy Thứ và Báu đâu, chỉ thấy một hố bom. Nhiều người vừa khóc, vừa đi nhặt từng miếng thịt da của hai đồng đội bị vùi lấp trong đất đá...”, ông Nhân nghẹn ngào.

Nhắc đến người chồng đầu, bà Trần Thị Hợi, 64 tuổi, ở xóm Tam Hải 2, xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh không kìm được nước mắt. Bà kể: “Cưới nhau được 50 ngày thì anh Thứ tham gia TNXP. Anh thường viết thư về dặn đừng nói cho cha mẹ anh biết. Em thay anh chăm sóc cha mẹ, khi nào đất nước thống nhất anh sẽ về”.

Chung sống với cha mẹ chồng được chín năm, bà Hợi được ông bà khuyên tái giá. Bà nói: “Hàng năm đến ngày giỗ, vợ chồng tôi luôn đến thắp hương cho anh Thứ”.

 LIÊN HOÀNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI