Đôi mắt nào cho trẻ

10/04/2018 - 23:15

PNO - Bé trai có đôi mắt to, đen nhánh, ầng ậc nước, mếu máo “méc” bị cô Ngọc đánh, đánh đau lắm. Bên má phải thằng bé, dấu năm ngón tay nổi đỏ.

Chuyện từ năm 2015, 2016, vào những ngày tháng Tư, cuối giờ chiều, sau khi cùng đồng nghiệp sắp xếp dụng cụ dạy học, bà dắt tay từng đứa trẻ giao cho phụ huynh đến đón, ân cần trao đổi chuyện học của các con trong ngày… nhiều tờ báo đã ca ngợi bà như thế. Để rồi cũng là tháng Tư, năm nay 2018, là bà, vung cây vụt vào mặt trẻ kèm theo câu hỏi: “Mày là người hay thú?”, “Dạ người”, “Người sao không chịu ngủ”, bốp, chát…

Ở một clip khác, bé trai có đôi mắt to, đen nhánh, ầng ậc nước, mếu máo “méc” bị cô Ngọc đánh, đánh đau lắm. Bên má phải thằng bé, dấu năm ngón tay nổi đỏ. 

Doi mat nao cho tre

Cháu P. bị đánh còn in nguyên 5 dấu ngón tay trên mặt

Vâng, bà là Ngọc, cô giáo có trên 30 năm dạy trẻ tại ngôi trường mầm non 42 năm tuổi, đạt chuẩn quốc gia từ năm 2012. 

Cái gì đây? Bà là ai? Dị nhân có khả năng… biến hình ư? Bởi không thể lý giải vì sao cái dắt tay ân cần, cái dặn dò chu đáo ấy lại có thể quay ngoắt mà đánh chửi trẻ nhẫn tâm, bạo tàn như thế. Chỉ có thể là kỹ năng diễn xuất của Ngọc quá giỏi, khả năng che đậy sự hung bạo, dữ dằn ở Ngọc quá siêu. Ngoài Ngọc, còn “diễn viên” nào nữa? 

Clip cháu P. ngồi ôm mặt khóc với khuôn mặt đỏ tấy còn in nguyên dấu tay

Rõ là mấy tháng trước, tại Lớp mẫu giáo Mầm Xanh, cũng trước giờ phụ huynh đến đón, chủ trường, bảo mẫu tha hồ “diễn”: nào là mở nhạc líu lo, giặt khăn lau mặt cho từng bé kèm theo thau nước trong veo đặt cạnh; hoặc giả những tô cháo thịt xay còn dư ê hề… Để tất cả là sự giấu mặt cho thói bạo hành dã man trẻ; là lối ngụy trang cho một môi trường gieo trồng sự sợ hãi, nỗi ám ảnh mà trẻ con thì nào biết chống đỡ; là sự tô vẽ, bôi trét lên cái bề dày vốn dĩ đầy tự hào, nhưng thay vì tự hào để tiếp nối và giữ gìn lòng yêu trẻ, dạy dỗ và gieo mầm cho trẻ lòng trung thực thì lại là sự đối phó, gian dối, bạo lực. 

Đã từng có ý kiến đề xuất lắp đặt camera tại các điểm trường, cơ sở mầm non, mẫu giáo để hạn chế nạn bạo hành trẻ. Rồi dậy lên các lo ngại nào ảnh hưởng… nhân quyền, nào chẳng có quy định pháp luật nào cho phép, nào không có camera nào giám sát nổi lòng người…

Ơ hay, khi lòng người trắng đen tráo đổi, biết giấu nhẹm sự hung ác, bạo tàn để khoe mẽ cái ngọt nhạt, vẽ vời chu đáo, tận tâm thì ít nhất cái ống kính nhỏ bé kia cũng phần nào soi chiếu những “tính bổn ác” hay kiểm soát, dè chừng để nó không dễ mà phơi bày, hành sự, đổ lên hết đầu mình và những tâm hồn non nớt. 

Doi mat nao cho tre

Bé gái bị bà Ngọc tách ra gần cửa đứng ăn

Luật và các văn bản pháp lý chỉ là sự đuổi bắt thực tế, cố gắng để kiểm soát và chế tài những hành vi, thói quen của con người theo những khuôn khổ phép tắc nhất định; một khi thực tế cuộc sống đang… vả vào mặt những đứa trẻ ngây thơ, luật còn bận nằm trên những tờ giấy nháp, liệu có cậy dựa vào luật mà quay mặt cho bạo lực chất chồng? 

Trong các tuyên ngôn mang tính phổ quát về nhân quyền thì “quyền sống, quyền tự do và an toàn cá nhân” là căn bản đầu tiên, lẽ nào, vì cái nhân quyền mang tính… đặc quyền cho một bộ phận cô giáo, bảo mẫu mà phủ định quyền con người - trẻ em, đối tượng cần được chăm sóc, bảo vệ và có công cụ để giám sát sự bảo vệ, chăm sóc ấy. 

Ở cái ngôi trường mầm non to ấy, vị lãnh đạo lớn ấy đã gạt ngay lời đề xuất lắp camera, bộ cô muốn dỗ trẻ dưới bốn con mắt dòm ngó đó hả? Rõ là người ta đã nhân hóa cho cái camera kia hay đang vật thể hóa chính con ngươi - biểu thị thị giác mà danh họa Leonardo da Vinci đã phải thốt lên: “Không một ngôn ngữ nào tả hết được chức năng đích thực của ngươi, hỡi đôi mắt con người”.

Clip bạo hành của giáo viên Trần Bích Ngọc

Huyền tích thánh kinh có nói về hai đứa con trai của Adam và Eva, người anh là Cain trồng trọt, người em là Abel chăn nuôi. Vì đố kỵ, ganh tức mà Cain dẫn Abel ra đồng rồi sát hại. Abel chết nhưng đôi mắt Abel ám ảnh suốt đời Cain, con người đầu tiên được sinh ra cũng là kẻ sát nhân đầu tiên của loài người. 

Có hay không camera thì cũng cần đôi mắt Abel như chút lương tri còn sót lại. Nhưng trước khi mơ hồ tin và ngờ vực vin vào cái lương tri bé nhỏ ấy, vẫn phải cần đến công cụ giám sát, soi chiếu để không chỉ phơi bày những hành vi của Ngọc, của Linh, của Quỳnh mà có cách kiểm soát, hạn chế, triệt tiêu nạn bạo hành trẻ. Cùng đó là nhìn thấy, thấu cảm công việc, sức lao động tận tụy, nhọc nhằn của các cô giáo, bảo mẫu. Để mọi lúc, mọi nơi, mọi đứa trẻ đều được yêu thương, được chăm sóc, được bảo vệ một cách thật lòng và độ lượng, văn minh và tử tế. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI