Đại biểu Quốc hội - đừng âm thầm phía sau nút bấm!

15/06/2018 - 07:26

PNO - ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng khẳng định, nếu vì mục tiêu cá nhân mà không dám nói ra những điều quan trọng của đất nước, không dám chấp nhận sự phê phán hay phản biện… thì không xứng đáng với vai trò của người đại biểu nhân dân.

- Cử tri luôn mong muốn những tâm tư, nguyện vọng của mình được truyền tải đầy đủ đến Quốc hội. Theo ông, các ĐBQH đã thực sự làm tốt điều này?

- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Người dân nào cũng mong muốn đại biểu đại diện cho mình thực sự xứng đáng với lòng tin đã trao gửi. Cử tri để ý rất kỹ và trông đợi các đại biểu mang được những chính kiến, tâm tư, nguyện vọng của họ vào hội trường. Phải thể hiện được vấn đề, để cho ra những chính sách mà cử tri mong muốn.

Dai bieu Quoc hoi - dung am tham phia sau nut bam!
Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Ví dụ, các cử tri khu vực của tôi rất quan tâm tới các chính sách đối với người có công, chính sách liên quan đến đất đai, môi trường, xâm nhập mặn… Chúng tôi đều cố gắng để chuyển thông điệp tới các cơ quan ban hành chính sách. Hay có nhiều vụ kiện tụng liên quan đến doanh nghiệp, chúng tôi đều chuyển đơn tới các cơ quan chức năng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ công an…

Mình thực hiện có thể không đầy đủ 100%, không phải lúc nào cũng ban hành chính sách được, nhưng quan trọng là phải luôn dành sự quan tâm đến cử tri.

- Thực tế là không ít ĐBQH khá e dè, thậm chí “kiệm” bày tỏ quan điểm xung quanh các vấn đề cử tri quan tâm. Điều này ít nhiều khiến cử tri băn khoăn về hoạt động của đại diện mà mình đã bầu ra.

- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Một ĐBQH có thể phát biểu chưa tới, chưa hết được vấn đề, nhưng nhiệm vụ của họ là phải thể hiện được chính kiến. Chỉ âm thầm đằng sau nút bấm thì người khác không hiểu được. Người dân và cử tri sẽ giám sát như thế nào, đánh giá ra sao?

Trong khi đó, khi đi tranh cử, đại biểu có thể nói rất hay, nhiều điều hứa hẹn. Tôi thấy nhiều người quá thận trọng - thận trọng quá mức cần thiết. Mình phải học tập các nghị sĩ của nước ngoài - họ luôn phát biểu. Đó là nghĩa vụ chứ không phải thích thì làm, không thích thì thôi.

- Theo ông, sau mỗi kỳ họp, chúng ta có nên tổng kết, đánh giá lại năng lực, đóng góp của các đại biểu?

- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Chúng ta vẫn đánh giá, tổng kết chất lượng ĐBQH hằng năm. Tuy nhiên, việc này chưa có tác dụng. Cũng giống như tình trạng kê khai tài sản - không ai xác minh, cũng không ai công bố. Đại biểu mong muốn phải văn bản hóa, chính thức hóa vấn đề đó để rút kinh nghiệm chung thì hiện nay chưa làm được.

Ban công tác đại biểu có trách nhiệm giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội làm việc này và có thể công khai kết quả trong các phiên họp nội bộ, rút kinh nghiệm rồi công bố cho toàn dân. Thậm chí, Quốc hội cũng phải có nêu gương, xử lý trách nhiệm.

Chúng ta có bãi miễn, tại sao không có nêu gương, vinh danh những người làm tốt? Tôi thấy, có rất nhiều đại biểu xứng đáng. Có nhiều đại biểu không nói nhưng vẫn đóng góp âm thầm bằng văn bản. Bây giờ, hầu hết là tự biết, tự đánh giá, khiến nhiều đại biểu cũng tâm tư, không hiểu mình đang ở vị trí nào và cần làm gì. Điều này sẽ kéo giảm chất lượng đại biểu.

- Có ý kiến cho rằng, nên công khai danh sách đại biểu bấm nút thông qua hay không thông qua một luật, để cử tri giám sát, đánh giá. Quan điểm của ông thế nào?

- Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Nếu làm được như vậy thì tốt quá. Có thể không công bố ngay, nhưng có thể cung cấp thông tin cho báo chí sau đó. Bản thân tôi không ngại việc này, vì tôi vẫn thường xuyên nói rõ quan điểm của mình. Ví như, Bộ Luật hình sự, tôi không bấm nút, lý do là vì Quốc hội không đưa vào trách nhiệm hình sự của người đủ 12 - 14 tuổi, không phúc đáp được việc phòng ngừa tội phạm tuổi vị thành niên. 

Tuấn Minh (lược ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI