Cuộc chiến đơn độc và nỗi ám ảnh ghê rợn: Vượt cạn mồ côi, xã hội thờ ơ, định chế lỏng lẻo

16/06/2017 - 12:14

PNO - Sự thiếu quan tâm, chăm sóc của gia đình chồng khiến người phụ nữ thấy cô đơn sau sinh. Nhiều phụ nữ lại căng thẳng vì giới tính của con sinh ra không như mong muốn đã khiến căng thẳng tăng lên.

Văn hóa làm vấn đề thêm trầm trọng

ThS Nguyễn Ngọc Diệp - Khoa Tâm lý lâm sàng, BV Q.2 (TP.HCM) - cho biết, trầm cảm sau sinh là một dạng bệnh có nguyên nhân cả về thể lý và tâm lý. “Phụ nữ sau sinh có những thay đổi nội tiết tố, tăng hoặc thiếu hụt một số hormone, kèm với tâm lý xáo trộn do tác động bởi các yếu tố văn hóa, môi trường sống khác nhau, dẫn đến trạng thái trầm cảm ngày càng gia tăng”, bà Diệp nói.

Cuoc chien don doc va noi am anh ghe ron: Vuot can mo coi, xa hoi tho o, dinh che long leo
Tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, chuẩn bị làm bố mẹ rất cần thiết trong phòng ngừa rối loạn cảm xúc, trầm cảm sau sinh. Trong ảnh: thạc sĩ - bác sĩ Trương Trọng Hoàng tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân.

Cụ thể, theo bà Diệp, các yếu tố liên quan trực tiếp đến đứa trẻ vốn dĩ đã dễ gây trầm cảm cho sản phụ như mệt mỏi do thời gian nuôi con kéo dài, trẻ quấy khóc suốt đêm, sinh con bị khiếm khuyết, bệnh tật, khó nuôi, không đủ sữa cho con bú…

Bên cạnh đó, vấn đề kinh tế eo hẹp, quan điểm và văn hóa của chồng, gia đình chồng cũng dễ làm sản phụ trầm cảm. “Sự thiếu quan tâm, chăm sóc của cha mẹ chồng, của chồng, khiến người phụ nữ thấy cô đơn. Nhiều phụ nữ lại căng thẳng vì giới tính của đứa con sinh ra không như mong muốn của mình hoặc nhà chồng đã khiến căng thẳng tăng lên. Có khi, chỉ cần ý nghĩ thoáng qua như khả năng chồng ngoại tình trong thời gian vợ mang thai, hoặc lo sợ chồng chê xấu sau sinh… Tất cả các yếu tố đó gây ra hiện tượng trầm cảm cho người mẹ trong thời kỳ nuôi con sơ sinh”, bà Diệp phân tích.

Người trầm cảm là người có xu hướng không chia sẻ, nhưng theo chuyên gia tâm lý của BV Q.2, nếu chú ý, sẽ sớm phát hiện các biểu hiện của bệnh. “Khi thấy tính khí sản phụ trở nên bất thường, buồn chán, cáu gắt, thiếu hoặc mất ngủ, ngược lại có thể ngủ li bì, mất hứng thú, không thèm ngó ngàng đến những thói quen trước đó như lướt web, ngại tiếp xúc, thu mình, mặc cảm cơ thể xấu đi… là những dấu hiệu khởi phát trầm cảm sau sinh. Cũng có trường hợp khởi phát trước sinh và kéo dài cho đến sau khi sinh”, bà Diệp cho hay.

Chưa quan tâm tầm soát cho sản phụ

Về điều trị cấp thời, bà Diệp lưu ý, cần cho bệnh nhân gặp ngay bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý lâm sàng tại các BV. Các vấn đề liên quan đến điều trị bằng thuốc phải do BS tâm thần chỉ định. Bởi chỉ có BS mới lường được các tác dụng phụ của thuốc trên từng sản phụ.

Do đó, quan trọng là phát hiện sớm và phòng tránh. “Một mối quan hệ gia đình tốt, hoàn cảnh gia đình tốt là điều kiện tốt nhất để phòng tránh trầm cảm sau sinh. Trong suốt quá trình mang thai, sinh nở, chị em nên tìm gặp chuyên gia tâm lý, tham gia các khóa học, đào tạo dành cho đối tượng chuẩn bị làm cha mẹ…

Cuoc chien don doc va noi am anh ghe ron: Vuot can mo coi, xa hoi tho o, dinh che long leo
Vụ án mẹ giết con trai 35 ngày tuổi ở Thạch Thất, Hà Nội như hồi chuông báo động về tình trạng người mẹ trầm cảm sau sinh chưa được quan tâm đúng mức.

Và quan trọng nhất, rất cần sự đồng hành của người chồng trong tất cả các hoạt động này. Thậm chí, chồng nên có mặt trong phòng sinh cùng vợ để giảm thiểu trầm cảm sau sinh. Kể cả người giúp chăm sóc trực tiếp bà mẹ cũng cần được trang bị kiến thức cần thiết về tâm lý để có thể tiếp sức, hỗ trợ bà mẹ tốt hơn”, bà Diệp khuyên.

Tuy nhiên, ở khía cạnh rộng hơn, TS Lê Minh Thuận - giảng viên Trường ĐH Y Dược TP.HCM - đặt vấn đề: các định chế xã hội hiện vẫn chưa quan tâm đủ đến các vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý của người phụ nữ khi sinh con. Đơn cử một thực tế, rất ít sản phụ biết đến trầm cảm sau sinh do yếu tố văn hóa và sự thiếu thông tin.

“Các nghiên cứu cho thấy, ở các nước mà phụ nữ bị kỳ thị, thiếu chăm sóc, thiếu hỗ trợ… thì tỷ lệ trầm cảm sau sinh càng cao. Thống kê tại khu vực Nam Á, trung bình có đến 28% sản phụ rơi vào trầm cảm. Trong khi đó, tại Mỹ tỷ lệ này chỉ có 5,2%. Trầm cảm sau sinh ở VN hiện có tỷ lệ 15-20% và thường xuất hiện ít nhất 4 tuần sau sinh hoặc 6 tuần, 8 tuần, 12 tuần”, ông Thuận cho biết.

Để giúp phát hiện sớm các ca trầm cảm sau sinh bằng công cụ chính xác, các nhóm nghiên cứu trong nước đã xây dựng được bảng hỏi EPDS gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm. Mỗi sản phụ chỉ cần bỏ ra 5 phút để trả lời, sau khi hoàn tất bảng hỏi, trường hợp nào có điểm EPDS từ 13 trở lên (tối đa của thang đo là 30 điểm) xem như có dấu hiệu trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, theo ông Thuận, đến ngay cả công cụ đơn giản, dễ dàng thực hiện như trên, hiện vẫn chưa được triển khai ở các khoa sản để tầm soát, phát hiện sớm ca bệnh. 

Vụ giết trẻ sơ sinh ở Hà Nội có yếu tố tâm thần hoang tưởng

Theo TS Lê Minh Thuận, y văn thế giới chưa ghi nhận trầm cảm sau sinh đưa đến hành vi giết con. Nếu có, chỉ xảy ra tự tử tập thể, cả mẹ và con cùng chết, nhưng rất hiếm. Các di chứng thường gặp của trầm cảm là không làm được bất cứ việc gì (làm việc dễ gặp tai nạn lao động), đi xe có thể gây tai nạn, đổ vỡ quan hệ trong gia đình, mất hứng thú tình dục, tác động xấu đến sự phát triển của trẻ…

“Trường hợp ở Hà Nội, theo tôi, nếu đúng là người mẹ đó giết con thì có thể do kết hợp nhiều yếu tố bao gồm trầm cảm, mắc một thể hoang tưởng, rối loạn tâm thần nào đó nữa. Bởi người mẹ đã không ý thức được hành vi giết con”, ông Thuận nhận định. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI