Công bố sự thật đằng sau vỏ cà phê nhuộm pin Con Ó

26/04/2018 - 16:42

PNO - Theo công an tỉnh Đắk Nông, mục đích thật sự của bà Loan về việc sản xuất vỏ cà phê, sỏi và nhuộm dung dịch pin Con Ó là để bán cho một người khác. Người này sau khi mua sẽ trộn vào tiêu để bán.

Lúc 16g ngày 26/4, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức buổi họp báo thông tin kết quả điều tra vụ trộn hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi và dung dịch pin Con Ó tại cơ sở thu mua nông sản của bà Nguyễn Thị Thanh Loan (ngụ thôn 13, xã Đăk Wer, huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Trộn vào tiêu để tăng khối lượng trước khi bán

Cong bo su that dang sau vo ca phe nhuom pin Con O
Những mẫu hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi được nhuộm đen bằng pin Con Ó được cơ quan chức năng thu giữ

Theo cơ quan chức năng, hỗn hợp tại cơ sở của bà Loan bao gồm: vỏ cà phê, than pin, sỏi đá nhỏ từ 2-3mm đã pha trộn và sấy khô.

Theo lãnh đạo VKSND tỉnh Đắk Nông, đến nay đã đủ căn cứ để khẳng định bà Nguyễn Thị Thanh Loan trộn vỏ cà phê với sỏi rồi nhuộm với dung dịch pin để đóng gói đem bán về Bình Phước dùng trộn vào tiêu làm thực phẩm.

Bà Loan đi thu mua vỏ cà phê, sỏi về nhuộm pin để tạo ra tạp chất có màu đen giống tiêu rồi bán ra kiếm lời. Sản phẩm trên được vợ chồng bà Loan bán sản phẩm này cho bà Thơ, Tuấn rồi chuyển về cho cơ sở mua bán của bà Dung tại huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Tại đây bà Dung trộn các hỗn hợp từ cơ sở bà Loan để tăng trọng lượng cho hạt hồ tiêu khi xuất bán.

Đại tá Lê Vinh Quy – Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cho đến nay cơ quan CSĐT đã có căn cứ để khởi tố vụ án, bắt giữ khẩn cấp 5 đối tượng để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm

Cong bo su that dang sau vo ca phe nhuom pin Con O
Mẫu vỏ cà phê và sỏi nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó

 Hàng chục tấn hỗn hợp cà phê không kịp tẩu tán

Trả lời câu hỏi của nhiều cơ quan báo chí, Đại tá Quy cho biết, vợ chồng Loan làm hỗn hợp này từ tháng 1/2018. Dung pha hỗn hợp trên với hồ tiêu với tỉ lệ là 18,34%, số còn lại quá trình xác minh truy bắt, bà Dung đổ ra lô cao sư, mua phân lân, phân heo để trộn vào nhằm tiêu hủy.

Đến giờ này, cơ quan điều tra đã phát hiện 9 tấn hạt tiêu trộn với một phần hỗn hợp mà các đối tượng làm ra nhưng chưa bán được.

Cơ quan CSĐT đã thu và đưa mẫu đi giám định theo quy định pháp luật. Về việc hỗn hợp này có độc hại hay không thì các cơ quan chức năng tiếp tục giám định và sẽ có kết luận trong thời gian tới.

Vợ chồng Loan đã tạo ra hỗn hợp này và bán với giá 9.000 đồng/kg. Sau đó, Tuấn vận chuyển sang bán cho Dung với giá 12.000 đồng/kg hỗn hợp vỏ cà phê, sỏi đá và dung dịch pin.

Thượng tá Phạm Thanh Bình – Trưởng Phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, lời khai của Dung, sau khi có thông tin cơ sở sản xuất của vợ chồng Loan, Bảo bị phát hiện, nhằm đối phó với cơ quan công an, Dung đã chỉ đạo đối tượng tên Ba (là em chồng của Dung) pha trộn, ủ làm phân bón để tẩu tán, tiêu hủy chứng cứ số sản phẩm này. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã thu mẫu các sản phẩm trên gửi Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định.

Cơ quan CSĐT đã thu mẫu để tiến hành giám định theo quy định pháp luật. Hỗn hợp do Loan và Bảo làm ra đã bị công an kịp thời phát hiện, thu giữ nên chưa kịp chế biến thành bột cà phê, hồ tiêu để tiêu thụ ra thị trường.

Tại kho nông sản của Dung ở huyện Lộc Ninh (Bình Phước), cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ 9 tấn hạt tiêu khô được trộn hỗn hợp mua từ cơ sở của bà Loan, đóng trong 360 bao chuẩn bị xuất bán theo hợp đồng cho một công ty.

Ngoài ra, tại rẫy cao su của Dung, cơ quan điều tra thu giữ hỗn hợp được thu mua tại cơ sở của vợ chồng Bảo, Loan trong tình trạng đã pha trộn với vôi, phân lân, phân heo với số lượng là 315 bao tải (khoảng 10,2 tấn) mua ngày 10/4.

Trước đó, ông Ngô Xuân Lộc - Chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, thông tin trộn các tạp chất cà phê nhuộm pin vào tiêu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng cà phê và tiêu của tỉnh nhà nói riêng, của cả nước nói chung. 

Từ ngày 15/4/2018 đến ngày 17/4/2018, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông đã phát hiện cơ sở thu mua nông sản do bà Nguyễn Thị Thanh Loan làm chủ đang dùng dung dịch màu đen (hỗn hợp nước và pin) để ngâm, tẩm nhuộm đen vỏ cà phê. Sau đó, Phòng cảnh sát môi trường đã phối hợp với các ngành chức năng lập biên bản, niêm phong 21.265kg vỏ cà phê đã ngâm, tẩm, nhộm đen và được đóng bao bì; 40 lít dung dịch; 35kg Pin bị đập dẹp; 192kg lõi, nắp và vỏ Pin.

Trong quá trình làm việc, căn cứ lời khai của các đối tượng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 23/4 Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra đối với 5 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Thanh Loan (SN 1975, trú tại thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp); Nguyễn Xuân Bảo (SN 1985, trú tại xã Nghĩa Thắng, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông); Phan Thị Dung (SN 1962, trú tại khu phố Ninh Hòa, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước); Lê Thị Hồng Thơ (SN 1979, trú tại thôn 5, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông); Trần Văn Tuấn (SN 1976, trú tại thôn 2, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song).

Về mục đích làm ra hỗn hợp cà phê nhuộm bằng pin, bước đầu Loan và Bảo đều khai nhận để bán cho Thơ và Tuấn với số lượng 3 tấn. Sau đó, Thơ và Tuấn bán lại 3 tấn hỗn hợp trên cho Phan Thị Dung - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại Thảo Dung (ấp Hưng Thủy, xã Lộc Thịnh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước).

Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã tiến hành khám xét kho hàng của Công ty TNHH sản xuất thương mại Thảo Dung và thu giữ được 3 tấn hỗn hợp nêu trên.

Đến ngày 25/4, Viện KSND tỉnh Đắk nông đã phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp 5 đối tượng có liên quan để điều tra, làm rõ hành vi sản xuất, mua bán các vỏ cà phê nhuộm bằng pin.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI