Có cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ giải quyết được các điểm 'nghẽn'

26/10/2017 - 07:00

PNO - Nhiều ý kiến cho rằng nếu được Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù, TP.HCM sẽ gỡ được những "nút thắt" gây khó khăn cho sự phát triển như thời gian vừa qua.

Tại kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 23/10- 20/11,  Quốc hội khóa  XIV, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua, Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM. Trước thông tin này, nhiều ý kiến cho rằng nếu được QH thông qua Nghị quyết trên TP.HCM sẽ gỡ được những "nút thắt", tạo đà cho sự phát triển của TP cũng như cả nước

PGS- TS Phan Xuân Biên- Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM: 

Cơ chế đặc thù sẽ tạo nguồn lực để TP.HCM phát triển nhanh hơn

TP.HCM là đô thị lớn nhất nước, luôn đi đầu trên nhiều mặt của cả nước, nhưng bộ máy tổ chức, quản lý của chính quyền thành phố vẫn nằm trong một “khung” tổ chức chung của cả nước. Điều đó đã hạn chế rất lớn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền, và sự kém hiệu lực ấy đã hạn chế sự phát triển về mọi mặt của xã hội đô thị.

Co co che dac thu, TP.HCM se giai quyet duoc cac diem 'nghen'

TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất cả nước nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Thời gian qua, tự thân TP.HCM đã có sự vận động mạnh mẽ và dẫn đầu cả nước toàn diện về quy mô dân số và kinh tế. Cụ thể: giai đoạn 1996 - 2016, quy mô nền kinh tế TP tăng 21,3 lần, trong khi cả nước chỉ 16,6 lần; cường độ hoạt động kinh tế của TP.HCM năm 2016 là 463 tỉ đồng/km2, trong khi cả nước chỉ 13,6 tỉ đồng/km2.

Tương ứng, cường độ thu ngân sách trên diện tích của TP.HCM cũng gấp 43,9 lần cả nước vào năm 2016 (146 tỉ đồng/km2 so với 3,3 tỉ đồng/ km2). Đây là những con số được tạo ra từ nội lực, từ đặc thù của chính TP.HCM.

Tuy nhiên, TP.HCM đang đứng trước nhiều thách thức kinh tế - xã hội cần có cơ chế đặc thù từ trung ương để giải quyết. Trong đó rõ nhất là việc TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

Co co che dac thu, TP.HCM se giai quyet duoc cac diem 'nghen'
PGS.TS Phan Xuân Biên - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM

Với vai trò là đô thị đặc biệt, TPHCM rất cần có cơ chế, chính sách đặc thù với các quy định phân cấp tài chính – ngân sách mạnh hơn, tăng tính năng động hơn cho thành phố, tạo nguồn lực tài chính cho TPHCM phát triển nhanh hơn, từ đó tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho trung ương.

Hiện TP cũng đang đối mặt với nhiều  vấn đề ngập nước, kẹt xe... tình trạng “dự án treo”, sự “vi phạm” quy hoạch cũng không phải ít và khi xử lý có rất nhiều ý kiến khác nhau vì thiếu cơ sở pháp lý có tính khoa học, thống nhất, rõ ràng, có nhiều quy định hiện  hành  đã không  còn phù hợp. Trong khi đó, Quản lý đô thị đòi hỏi phải có một bộ máy quản lý thích hợp với các đặc tính của đời sống đô thị theo hướng hiện đại.

Khoảng 10 năm trở lại đây, sự vượt trội của TP HCM so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại, thậm chí có mặt tụt hậu. Nguy cơ này đặt ra vấn đề là phải có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù TP HCM, khi TP đang thực hiện vai trò vị trí hướng đến là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á như Nghị quyết 16  của Bộ chính trị đã đề ra.

Co co che dac thu, TP.HCM se giai quyet duoc cac diem 'nghen'
Ngập nước và ùn tắc giao thông đang là những vấn đề khó khăn của TP.HCM phải đối mặt

Do đó, việc TP HCM cần được phân cấp, phân quyền tối đa; tạo sự chủ động, sáng tạo đối với TP gắn với việc đề cao trách nhiệm các cấp chính quyền địa phương trong quản lý điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn là hết sức cần thiết.

Trong đó, cần phân cấp ủy quyền, theo hướng cho phép TP HCM thực hiện một số nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phê duyệt một số dự án, điều chỉnh một số loại quy hoạch, thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, của Chính phủ trên địa bàn bảo đảm sự phù hợp và nhanh chóng.

Việc phân cấp ủy quyền, có cơ chế riêng cho TP.HCM không chỉ cho TP mà tìm hướng đột phá cho đất nước như Nghị quyết Đảng đã đề ra, đó là phát huy thế mạnh của các đô thị lớn.

Ông Phan Đình Thọ - bộ đội phục viên:

TP sẽ không “đói vốn” nếu có cơ chế đặc thù

Tôi đọc báo hàng ngày thấy thông tin, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đề nghị UBND TPHCM cho ứng thêm 1.173 tỉ đồng để trả nợ nhà thầu thi công tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Năm 2017, nhu cầu vốn để xây dựng tuyến metro số 1 là 5.442 tỉ đồng, hiện đã được giao 2.119 tỉ đồng, đáp ứng 36% và còn thiếu 3.303 tỉ đồng. Đây là lần thứ ba Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM phải xin ứng vốn để trả cho nhà thầu.

Co co che dac thu, TP.HCM se giai quyet duoc cac diem 'nghen'
Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên của TP.HCM có nguy cơ chậm tiến độ vì "đói vốn"

Ông Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM nói trên báo việc  tạm ứng vốn từ ngân sách thành phố chỉ là cách giải quyết tình thế. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, trong khi ngân sách thành phố cũng không thể tạm ứng mãi được.

TP.HCM có tỉ lệ nộp thu ngân sách về trung ương cao nhất nhưng lại có mức chi quá thấp, không đảm bảo phát triển nhanh, bền vững.

PGS.TS Phan Xuân Biên

Trong khi đó, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1292 về việc giao kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2017 đợt 3. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được giao vốn.

Nếu TP HCM được phân cấp, phân quyền, giao quyền chủ động thì sẽ không có việc tắc vốn cho dự án metro số 1. Việc tắc vốn gây ra hệ quả về ùn tắc công trình, ảnh hưởng lớn đến nhà thầu thi công, làm chậm tiến độ công trình mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với đối tác cho vay vốn và nhà thầu nước ngoài.

Hiện, chính sách tiền lương áp dụng chung cho 63 tỉnh, thành chưa phù hợp với một đô thị đặc biệt như TP HCM. Do đó, không thể cào bằng mức lương của cán bộ, công chức làm công tác hành chính tại TP với các tỉnh, thành khác.

Co co che dac thu, TP.HCM se giai quyet duoc cac diem 'nghen'
 

TP HCM cần xin Chính phủ cho cơ chế đặc thù, tự chủ trong việc tăng thêm mức lương cho cán bộ, công chức ngoài mức lương theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, để việc tăng lương này là xứng đáng và công bằng thì cán bộ, công chức phải tăng năng suất lao động, tăng tính chuyên nghiệp.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa  XIV,  tôi được biết Quốc hội sẽ xem xét, thông qua, Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển TP.HCM. Tôi cho rằng đây là một nội dung vô cùng ý nghĩa đối với người dân TP.

Được tự chủ, nghành giáo dục sẽ cởi bỏ các quy định không phù hợp

Các thách thức khác của TP.HCM hiện nay đó là: kim ngạch xuất khẩu từ chỗ chiếm 56,6% cả nước vào năm 2000, đến năm 2016 chỉ còn 18%. TP.HCM sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hiện sụt lún trung bình là 1cm/năm, nước biển dâng trung bình 0,5 - 1cm/năm. Do đó cần đầu tư rất lớn để xây dựng hệ thống đê bao tổng thể trên toàn TP.HCM và từng vùng ven sông.

Tỉ suất sinh dưới tỉ suất sinh thay thế và thấp nhất cả nước, mỗi phụ nữ tại TP.HCM chỉ sinh trung bình 1,24 con. Điều này có lý do từ những bất lợi từ hạ tầng xã hội đè nặng lên người kết hôn.

Về cơ chế đặc thù cho lĩnh vực giáo dục, nếu các trường trên địa bàn thành phố  được tự chủ về tài chính và nhân sự, thì ngành giáo dục thành phố sẽ được cởi bỏ nhiều quy định không phù hợp với địa phương, tạo động lực phát triển, hoà nhập với giáo dục khu vực.

Tự chủ tài chính không có nghĩa là các trường không được cấp kinh phí từ ngân sách. Trái lại, các trường được tự chủ về tài chính trên cơ sở khoán chi ngân sách/học sinh. Các chi phí khác sẽ do trường xây dựng đề án thu chi để đảm bảo chi lương cho giáo viên đúng với công sức lao động của họ. Nhà trường có quyền miễn, giảm các khoản thu cho học sinh những gia đình nghèo, cấp học bổng cho những học sinh xuất sắc.

Phó Ban Kinh tế- ngân sách HDND TP.HCM Trương Lê Mỹ Ngọc


Quỳnh Mai (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI