Chủ xe buýt khốn đốn vì bị ép mua xe mới

07/03/2018 - 09:19

PNO - Theo thông báo của Hợp tác xã Vận tải số 15, đến hết ngày 12/3/2018, nếu các thành viên tuyến xe buýt 141 không đóng tiền cọc để mua xe buýt mới thì hợp tác xã sẽ kêu gọi nhà đầu tư khác.

Tuy nhiên, các chủ xe buýt cho rằng, xe của họ chưa xuống cấp nặng và việc bị “ép” mua xe mới khiến họ khốn đốn.

Chu xe buyt khon don vi bi ep mua xe moi
Nhiều xe buýt tuyến 141 được bảo quản kỹ nên chất lượng dịch vụ còn đảm bảo

Đổi xe tiền tỷ, doanh thu thấp

Anh V.T. (ngụ tại Q.9, TP.HCM) phản ánh, gia đình anh mua xe buýt để chạy tuyến 141 cách đây khoảng 10 năm và mất 7 năm để trả nợ vay ngân hàng. Mới đây, Ban quản trị Hợp tác xã Vận tải số 15 (HTX 15) cho mời các chủ xe lên thông tin về kế hoạch thay đổi xe theo đề án 1680. Theo đó, các chủ xe phải thay xe đang vận hành bằng xe SAMCO B50 với trị giá tạm tính là hơn 1,5 tỷ đồng. 

Ngày 29/1/2018, HTX 15 ra văn bản yêu cầu các thành viên tuyến 141 từ ngày 1 - 12/3 phải đến văn phòng HTX đóng 50 triệu đồng tiền cọc để làm hợp đồng đầu tư phương tiện mới. Sau thời gian trên, thành viên nào không thực hiện xem như không thay đổi phương tiện và HTX toàn quyền quyết định việc kêu gọi góp vốn đầu tư và không giải quyết các thắc mắc, khiếu nại.

“HTX ép chúng tôi phải đầu tư như vậy là đẩy chúng tôi vào thế khó. Hiện nay, gia đình tôi có sáu xe đang hoạt động trên tuyến 141, nếu đầu tư xe mới, phải bỏ ra 4 tỷ đồng tiền mặt và vay ngân hàng 7 - 8 tỷ đồng nữa” - anh T. ngao ngán.

Xe buýt tuyến 141 đã xuống cấp đến mức nào?

Ngày 13/11/2017, UBND TP.HCM có văn bản về chủ trương đầu tư mới xe buýt giai đoạn 2014-2017, trong đó giao Giám đốc Sở Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm về số lượng, cơ cấu và chủng loại phương tiện cần phải đầu tư, đảm bảo nguyên tắc “chỉ thực hiện đối với những tuyến xe buýt có phương tiện xuống cấp nặng cần thay thế ngay trong năm 2017, những khu vực hoạt động của tuyến không có trạm nạp khí CNG hoặc trạm nạp khí CNG chưa kịp xây dựng hoàn thành trong năm 2017”.

Trong khi đó, nhiều thành viên tuyến xe buýt 141 cho rằng, đa phần xe của họ được sản xuất năm 2007, niên hạn sử dụng là 20 năm. Đến nay, các xe mới hoạt động khoảng một nửa niên hạn cho phép, nên yêu cầu thay mới xe buýt tuyến 141 đã vi phạm tiêu chí theo văn bản của UBND TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Thảo - Giám đốc HTX 15 - cho biết, trên tuyến xe 141, có một số xe đã xuống cấp, ghế rách, sàn mục, một số xe thải khói đen, chỉ có khoảng 30% xe buýt do chủ xe trực tiếp lái là còn tốt.

Phản bác lại ý kiến của ông Thảo, một số chủ xe buýt tuyến 141 cho rằng, đến thời điểm này, phía HTX 15 và Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng chưa có một khảo sát và kết luận nào cho thấy các xe buýt tuyến 141 đã xuống cấp. Ông Thảo còn cho biết, chủ trương đầu tư mới tuyến xe buýt 141 là do cấp trên chỉ đạo, phía HTX chỉ làm phương án, lộ trình để thực hiện. 

Tuy nhiên, văn bản trả lời của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng ngày 3/1/2018 nêu rõ: “Ngày 14/3/2017, HTX 15 đã báo cáo thời gian thay đổi tuyến xe buýt 141 là cuối năm 2017. Do đó, trung tâm đề nghị HTX 15 phải đầu tư phương tiện mới trên tuyến xe buýt 141 như đã cam kết. Trung tâm đề nghị HTX 15 lập phương án phương tiện mới với thời gian đưa xe hoạt động trên tuyến 141 chậm nhất trong tháng 6/2018”.

Được biết, trong các cuộc họp với HTX 15, nhiều chủ xe đã kiến nghị xin gia hạn thời gian thay đổi phương tiện, đồng thời chấp nhận không hưởng hỗ trợ lãi vay theo đề án 1680. Tuy nhiên, kiến nghị này không được chấp thuận. 

Hoàng Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI