Cho hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công: Doanh nghiệp 'dọa' ngừng dự án giết mổ công nghiệp

13/11/2017 - 11:21

PNO - Một số chủ đầu tư các nhà máy giết mổ công nghiệp tại TP.HCM cho biết,họ sẽ ngừng thi công, thậm chí chuyển dự án về các tỉnh nếu như thành phố cho phép lò giết mổ thủ công, xây dựng trái phép tại Hóc Môn hoạt động.

Dây chuyền sai phép

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM vừa gửi văn bản đến Sở Tài nguyên - Môi trường, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, UBND huyện Củ Chi lấy ý kiến về việc Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Hóc Môn (cơ sở Xuân Thới Thượng) xin được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công, với công suất 2.000 con/ngày; cơ sở giết mổ (CSGM) Xuyên Á được hoạt động trở lại với công suất 500 con/ngày. 

Cho hoat dong day chuyen giet mo thu cong: Doanh nghiep 'doa' ngung du an giet mo cong nghiep
Việc một nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại tự ý xây những chiếc chảo thủ công và xin được giết mổ đang gây bất an cho các chủ đầu tư

Ngay khi có thông tin này, nhiều chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp tại TP.HCM bày tỏ lo ngại. “Theo kế hoạch của thành phố, cuối năm nay sẽ có một số nhà máy đi vào hoạt động, nhưng hầu hết đều chậm tiến độ do vướng mắc về thủ tục. Nếu cho thêm một dây chuyền giết mổ thủ công, xây dựng trái phép hoạt động, làm sao chúng tôi có thể yên tâm tiếp tục đầu tư…”, ông Bạch Đăng Quang, Phó giám đốc hợp tác xã Tân Hiệp, chủ đầu tư nhà máy Tân Hiệp, lo lắng.

Một chủ đầu tư nhà máy giết mổ công nghiệp cho biết, sử dụng chảo thủ công thì chất thải, tiếng ồn ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. “Cơ sở Xuân Thới Thượng chỉ được phê duyệt cho dây chuyền trang thiết bị công nghiệp hiện đại chứ không phải phê duyệt cho dây chuyền thủ công. Những chủ đầu tư khác như chúng tôi cũng chuyển sang làm chảo, giết mổ thủ công như vậy có được không?”, vị này đặt vấn đề.

Cũng cần nhắc lại, nhiều năm trước, thành phố chủ trương dẹp bỏ các điểm giết mổ gia cầm tự phát tại các chợ, nhà dân… để tập trung các nhà máy giết mổ công nghiệp tại các vùng ngoại thành và các tỉnh lân cận. Một số doanh nghiệp như Phú An Sinh, Huỳnh Gia Huynh Đệ… hăng hái tiên phong xây dựng nhà máy, đầu tư công nghệ giết mổ hiện đại, sản phẩm bán ra được đóng gói, bảo quản, vận chuyển bằng xe mát... 

Tuy nhiên, tình trạng giết mổ tự phát không được dẹp bỏ, gà vịt vẫn được bày bán tràn lan. Sản phẩm làm theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thì đội thêm chi phí, không cạnh tranh được với sản phẩm thủ công. Điều đó khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản.

Sáng 12/11, chúng tôi nỗ lực liên lạc với ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM để tìm hiểu vụ việc, nhưng không nhận được sự phản hồi của ông Trung.

Chủ đầu tư dọa ngừng dự án

Theo một số chủ đầu tư, nếu mọi thủ tục được tạo điều kiện thuận lợi, trong vòng một năm, họ có thể xây dựng hoàn tất nhà máy giết mổ. Tuy nhiên, do thủ tục nhiêu khê, họ đã mất đến 10 năm nhưng dự án vẫn dang dở.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ, một trong những công ty có dự án nhà máy giết mổ công nghiệp thuộc đề án quy hoạch hệ thống CSGM gia súc, gia cầm của TP.HCM cho hay, theo kế hoạch, nhà máy sẽ hoạt động vào cuối năm nay. Trước đó, bà mất quá nhiều thời gian để lo thủ tục, hồ sơ pháp lý. Theo bà Thắm, việc các cơ quan chức năng chấp thuận cho CSGM thủ công Xuân Thới Thượng hoạt động (dù là hoạt động tạm) là không đúng quy định và sai luật. 

Thương lái nháo nhào vì không có lò giết mổ

Hơn một tháng qua, nhiều thương lái chật vật tìm thuê lò tại các tỉnh để giết mổ sau khi Xuyên Á ngưng hoạt động vì bị phát hiện tiêm thuốc an thần cho heo. Cuối tuần qua, tại hội thảo tìm giải pháp phát triển ngành chăn nuôi tại Đồng Nai, nhiều thương lái đã kéo đến yêu cầu cho lò mổ Xuyên Á (TP.HCM) hoạt động trở lại. 

Theo giải thích của nhiều thương lái, trước đây tổng chi phí giết mổ tại Xuyên Á chỉ chưa đến 100.000 đồng/con, hiện họ phải đi các tỉnh thuê giết mổ với phí  từ 200.000-250.000 đồng/con. Để giảm chi phí, họ buộc phải hạ giá thu mua heo của người nuôi. Trong khi đó, có nhiều lo ngại, nguồn heo giết mổ tại lò mổ thủ công các địa phương đưa về TP.HCM tiêu thụ sẽ rất khó kiểm soát chất lượng. 

Ông Bạch Đăng Quang cho biết, nhà máy của ông đã nhập dây chuyền thiết bị giết mổ hiện đại từ châu Âu, theo công nghệ tự động, sử dụng robot trong quá trình giết mổ, hạn chế tối đa việc gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo thiết kế, sẽ có cả hệ thống kho lạnh để bảo quản thịt theo đúng tiêu chuẩn trước khi ra thị trường, đồng thời sẽ có thể hỗ trợ cấp đông dự trữ khi nguồn heo trong nước dư thừa.

“Chúng tôi sẽ tính toán lại nếu thành phố cho phép những dây chuyền giết mổ thủ công hoạt động. Vì điều đó là đi ngược lại chủ trương hiện đại hóa các nhà máy giết mổ, tạo tiền lệ cạnh tranh không lành mạnh”, ông Quang chia sẻ. 

Trong cuộc họp ngày 8/11 do Sở NN-PTNT TP.HCM tổ chức, đại diện cơ sở Xuân Thới Thượng báo cáo đã xây xong phần thô, cuối tháng này sẽ lắp ráp máy móc, có thể hoạt động vào cuối tháng 1/2018 (trước tết Nguyên đán). Các doanh nghiệp đặt nghi vấn, vì sao nhà máy xin phép hoạt động tạm các chảo thủ công trong hai tháng, trong khi được phê duyệt chủ trương xây dựng nhà máy công nghiệp? Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các nhà máy giết mổ công nghiệp. 

Bà Thắm cho biết thêm, CSGM An Hạ với công suất 5.000 con/ngày vẫn đang tạm dừng hoạt động, khó khăn trong việc tìm chỗ giết mổ. Nếu thành phố chấp thuận cho cơ sở Xuân Thới Thượng được hoạt động giết mổ thủ công tạm thì An Hạ cũng xin được giết mổ thủ công tạm. Một số chủ đầu tư khác cũng có chung quan điểm và cho biết sẽ chuyển dự án xây dựng lò giết mổ hiện đại về các tỉnh lân cận.

Nhiều chủ đầu tư đề nghị, cơ quan chức năng cần tập trung hỗ trợ, hướng dẫn các thủ tục cho các nhà máy công nghiệp, bỏ các thủ tục không cần thiết, tích cực giải quyết hồ sơ cho các nhà máy công nghiệp sớm hoạt động nhằm kiểm tra giám sát tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bình ổn thị trường.  

Cơ sở giết mổ Xuân Thới Thượng từng bị phạt, tạm dừng hoạt động

Theo một số chủ đầu tư, Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn (cơ sở Xuân Thới Thượng) xin phép được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công, với hơn 10 chảo nấu nước. 

Năm 2016, trong quá trình xây dựng nhà máy, doanh nghiệp này xây dựng trái phép hơn 10 chảo thủ công với ý định cho thương lái giết mổ trong quá trình chờ nhà máy hiện đại hoàn thiện. Ngay khi phát hiện, lực lượng chức năng đã xử phạt và dừng hoạt động giết mổ thủ công. Nhiều lần chủ đầu tư này xin phép Sở NN-PTNT và UBND thành phố được phép hoạt động nhưng không được chấp thuận.

TP.HCM phối hợp tỉnh Bình Thuận kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn

Ngày 12/11, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã ký kết kế hoạch phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận về việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản, thủy sản trong các chuỗi cung ứng thực phẩm giai đoạn 2017-2019.

Theo kế hoạch, chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa TP.HCM và tỉnh Bình Thuận phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến chế biến, giết mổ, kinh doanh sản phẩm. Qua đó, từng bước nâng thị phần, sản lượng nông sản, thủy sản an toàn (sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP...) của tỉnh Bình Thuận về tiêu thụ tại các siêu thị, chợ đầu mối và các cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, nhà hàng, khách sạn…) tại TP.HCM. 

Quốc Ngọc

Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI