Chớ coi thường ổ bệnh từ rác thải điện tử

16/04/2018 - 08:36

PNO - Chì, thủy ngân, đồng, crôm, ni-ken… có mặt trong vô số sản phẩm điện tử, nhưng hiện các chất thải độc hại này đang bị vứt bừa bãi khắp nơi, hoặc bị đưa vào bãi tập kết rác.

Cho coi thuong o benh tu rac thai dien tu
Ổ bệnh nằm trong những bãi rác thải điện tử

Toàn kim loại nặng độc hại

Tại một cơ sở thu mua ve chai trên đường Tân Thới Hiệp 7, P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM, những thiết bị điện tử cũ, hỏng như điện thoại, bàn phím máy tính, dây sạc… nằm lẫn trong các loại bao ni-lông, can nhựa, lon bia, sách báo… trên nền nhà. Một đứa trẻ khoảng 9-10 tuổi đang cắt lấy lõi đồng từ một cuộn dây điện ở góc nhà, còn chủ cơ sở này ăn vội hộp cơm sườn trước khi phân loại phế liệu để bán cho một “chành” lớn ở Q.12. Những loại phế liệu không tái chế được sẽ bị tống ra các bãi rác tự nhiên. 

Chì, thủy ngân, đồng, ni-ken, thậm chí là chất độc arsenic có mặt trong vô số sản phẩm điện tử, từ một chiếc điện thoại siêu mỏng cho đến một chiếc ti vi lớn. Theo bà Miriam Lassernig - Phát ngôn viên của tổ chức Việt Nam Tái Chế, sản phẩm còn mới nằm trong vỏ thiết bị và hầu như không ảnh hưởng gì đến môi trường, nhưng khi bị vứt ra bãi rác và có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với không khí, độ ẩm, ánh sáng, một loạt các phản ứng hóa học xảy ra, tạo thành các hợp chất làm cho chúng trở nên dễ hòa tan trong nước, dễ khuếch tán vào không khí.

Các chất độc hại phát sinh từ rác thải của ngành điện tử tập trung chủ yếu là các kim loại nặng như chì, thủy ngân, crôm trong các bảng mạch, pin và các bóng đèn điện tử. Đa số các kim loại và các hợp chất của nó trong chất thải rắn điện tử bán dẫn đều có khả năng gây ra các đột biến, làm rối loạn quá trình trao đổi vật chất và năng lượng, gây ra những khuyết tật trong các tế bào và cơ thể sống, dẫn đến các chứng bệnh viêm nhiễm, ung thư, rối loạn nội tiết.

Theo một nghiên cứu gần đây, tại bãi rác điện tử lớn nhất thế giới Guiyu (Trung Quốc), chất dioxin trong không khí đã tăng đột biến, gấp 100 lần so với bình thường. Tại Quý Tự - một trong những trung tâm chuyên xử lý rác thải điện tử của Trung Quốc - nhiều trẻ em sinh ra và lớn lên có nồng độ chì trong máu cao hơn mức trung bình cho phép, có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển trí não cũng như hệ thần kinh trung ương.

Công nghệ phát triển kéo theo sự gia tăng của rác điện tử với tốc độ gấp nhiều lần so với các loại rác thải khác. Các đời điện thoại, máy tính xách tay ra đời liên tục. Theo số liệu của Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), trung bình mỗi năm, một người Việt thải ra môi trường hơn 1kg rác thải điện tử. Với dân số 95 triệu người như hiện nay, tổng lượng rác thải điện tử trên cả nước mỗi năm là hơn 95.000 tấn. 

Ở doanh nghiệp hoặc gia đình, chất thải điện tử thường được đốt chung với các loại rác khác. Giáo sư Đặng Thị Kim Chi - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường - cảnh báo, việc tái chế rác điện tử không đúng quy cách sẽ tạo ra các chất độc hại và rò rỉ kim loại nặng như chì, thủy ngân. Theo bà, vỏ nhựa của nhiều thiết bị điện tử có hàm lượng chất độc cao; khi nghiền, cắt nhựa, sẽ phát sinh các hạt bụi li ti chứa tác nhân nguy hại như PBDDs, PBDEs; nếu không bảo hộ bằng mặt nạ hay khẩu trang, sẽ rất dễ hít phải, có nguy cơ bị ung thư và nhiều bệnh về máu.

Theo các nhà khoa học, kim loại nặng là nguyên liệu cần thiết cho thiết bị điện tử, nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người lao động, cộng đồng và môi trường. Vấn đề này đã được nhiều quốc gia trên thế giới cảnh báo. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện chỉ có 15 cơ sở chính quy được cấp phép xử lý chất thải điện tử, nhưng mới chỉ dừng ở mức phân nhóm vật liệu và thu hồi một số kim loại thường, có hàm lượng cao như đồng, nhôm chứ chưa có công đoạn tái chế. 

Cần luật hóa việc quản lý chất thải điện tử

Liên Hiệp Quốc cảnh báo, khối lượng các sản phẩm điện tử thải ra mỗi năm trên toàn cầu sẽ tăng lên 65,4 triệu tấn, chủ yếu từ các quốc gia đang phát triển. Trong thời đại mà các thiết bị điện tử được sử dụng phổ biến từ nông thôn đến thành thị, việc quản lý rác thải điện tử là một vấn đề cấp bách. Cụ thể, hoạt động xử lý đúng cách và tái chế rác thải điện tử cần được nhân rộng, vì trong đó có nhiều kim loại có thể tái sử dụng như vàng, bạc, nhôm và nhiều nguyên liệu giá trị cao.

Ở Việt Nam, hiện có một đội tái chế rác thải điện tử hoạt động rất tích cực là Đội Việt Nam Tái Chế. Đội quân áo xanh này chuyên cung cấp thí điểm dịch vụ yêu cầu thu gom tận nơi, hoàn toàn miễn phí cho các hộ gia đình và doanh nghiệp tại TP.HCM và Hà Nội. Trong các năm 2015-2017, đội này đã thu gom  khoảng 15 tấn rác thải điện tử, chủ yếu là máy tính/CPU, máy in, máy fax, máy scan… 

Tuy nhiên, theo một số nhân viên trong đội này, hoạt động của đội vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của người dân. Dường như người dân vẫn chưa ý thức được tác động khủng khiếp của rác thải điện tử đến cuộc sống của mình. Mặt khác, sau ba năm hoạt động, đội chưa thể mở rộng quy mô, do Việt Nam vẫn chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động này. 

Tiến sĩ Nguyễn Đức Quảng - Trường đại học Bách khoa Hà Nội - cho rằng, Việt Nam cần ban hành luật về quản lý chất thải điện tử và chính quy hóa hoạt động tái chế. “Chúng ta cần có thêm các văn bản luật để hình thành khung chính sách đầy đủ, đồng thời đề ra những chiến lược, những tiêu chuẩn và chính sách quản lý cần thiết nhằm giảm bớt tác động có hại của rác thải điện tử đối với môi trường và sức khỏe con người.

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI