Chỉ có lòng tốt là phi thường

16/05/2018 - 11:00

PNO - Chuyện buồn đêm 13/5 không chỉ là ám ảnh của ngành công an, của những nhóm cứu hộ đường phố. Nó là sự thất thế, bơ vơ đến tận cùng của lòng tốt. Đến nỗi, những người nhiệt thành lại hồn nhiên lên tiếng dẹp bỏ lòng tốt

Người đàn ông ngồi gục mặt vào chân gác xe máy, vung tay ra phía sau, thẳng thừng: “Mày đi ngay đi. Tao không cần”. Đức Thiện bất ngờ đứng lùi lại. Anh Hồ Tuấn Sang - trưởng nhóm cứu hộ đường phố - lẳng lặng giơ hai tay lên, ra hiệu “giữ bình tĩnh”. 

2 giờ đêm, ngã tư An Sương vắng ngắt. Chiếc xe máy trơ trọi được dựng chống bên lề đường, “nâng” giấc cho người đàn ông có vẻ là chủ nhân của nó. Chủ nhân gục mặt mê mệt, nồng nặc mùi bia rượu.

Sang nhìn trước sau, nói: “Ảnh chắc mới ngồi đây thôi chứ ngồi lâu chút nữa, chúng lại cướp xe thì làm sao chống trả?”. Rồi anh bước qua khoảng cách an toàn, tiếp tục lay lay người đàn ông: “Anh ơi, để em đưa anh về, ngồi đây giờ này nguy hiểm lắm!”...

Chi co long tot la phi thuong
“SOS Sài Gòn” đang vá xe cho người dân giữa đêm

 “Tôi chỉ muốn giúp”

Người đàn ông vẫn bất động. Cùng tôi theo chân nhóm “cứu hộ đường phố”, anh Đức Rin hiến kế: “Hay lấy điện thoại của ảnh, gọi cho người thân?”. Cả nhóm lắc đầu, rồi chăm chú nhìn chút cử động vừa mới trên đôi vai của người đàn ông. Rồi lại bất động.

Lúc này, anh Sang mới chậm rãi nói: “Lấy thông tin từ điện thoại của nạn nhân là lựa chọn cuối cùng, hết cách mới phải làm vậy. Không thì… tình ngay lý gian, khó nói lắm”. Anh cười, rồi lay lay vai người đàn ông: “Nhà anh ở đâu? Anh phải về nhà chứ không nằm ở đây được đâu”.

Chừng 15 phút trôi qua. Những câu “anh ơi…” vẫn miệt mài vang lên, lẫn trong tiếng gió táp vào những cầu xe lớn đang vùn vụt lao qua. Người đàn ông tỉnh dậy, ngước đôi mắt lờ đờ, nhìn anh Sang: “Tôi tự về được”. Anh Sang hỏi dồn: “Nhà anh ở đâu?”. Người say vung tay, nổi nóng: “Mày đi đi, tao đã nói là tao không cần”. Cả đội nhìn nhau. Như đang đà tự vệ, người say trườn người tới, cầm một viên đá nhỏ gần đó, rồi mất thăng bằng, ngã sõng soài. Tình thế nhanh chóng trở về trạng thái… “an toàn”.

Chi co long tot la phi thuong
 

Anh Sang lại ghé mặt xuống nói: “Em nói lần cuối, anh phải lên xe để tụi em đưa về. Nếu không, em mà đi thì lỡ có cướp anh cũng hối không kịp đâu”. Im lặng. Sẵn đà, Sang móc túi, lấy chiếc ví của mình ra, đưa cho người đàn ông: “Đây, nếu anh sợ em cướp của anh thì anh cứ giữ cái ví này làm tin, nó có chứng minh thư và tiền bạc của em. Chừng nào em đưa anh về nhà an toàn thì anh hẵng trả”.

Cuộc “cứu hộ” được dàn xếp ổn thỏa. Quay về từ Thủ Đức, tôi mới hoàn hồn, hỏi Sang: “Lỡ nãy ổng ném đá thiệt…?”. Sang cười: “Ổng say rồi, có làm gì được mình đâu”. Anh vỗ vỗ chiếc ví vừa yên vị trong túi quần, nói: “Cái ví này lợi hại lắm, hễ ai không tin thì… móc ví cho họ giữ, họ giữ cái ví thật có ảnh của mình thì mới chịu tin mà để cho mình giúp”.

Chiếc xe máy anh chạy trượt lên phía trước khi tôi mải nghĩ ngợi, tụt về sau. Bốn người thanh niên phía trước là “hiệp sĩ” trong cách gọi tên của cộng đồng, là “đội cứu hộ đường phố” trong cách họ tự giới thiệu và là kỹ sư xây dựng, là thợ hồ, là sinh viên trong đời thường. Trong số họ, có người con trai “có công việc ổn định mà mãi không chịu lập gia đình”. Có người chồng “không biết sợ”, “cứ canh vợ con ngủ là lên đường. Có những người trai chưa kịp tốt nghiệp đại học, đã kịp nếm mùi cơm áo, lại ôm đồm chuyện đường sá.

Những “chiếc ví thật” đã bao lần cho họ cái quyền giúp người, nhưng không cứu nổi cơn đuối lý trước cái nhìn vừa van lơn, vừa trách cứ của người thân: “Tiền đâu đổ xăng, tiền đâu gửi về lo cho mẹ?”. “Chiếc ví lợi hại” không cứu được Sang khỏi căn bệnh viêm gan cứ trở nặng vì rối loạn giấc ngủ.

Bốn giờ đã ngầm cam kết với đồng đội sẽ dành cho việc đi tuần mỗi đêm, là hơn một nửa giấc ngủ duy nhất trong ngày của những người lao động chân tay, những sinh viên vừa học vừa chạy lo cơm áo từng ngày. “Chiếc ví lợi hại” làm gì được, giữa những câu hỏi như sấn sổ, như uy hiếp: “anh hỏi tôi làm gì”, “đừng có lừa tôi” từ chính những người gặp nạn giữa đêm khuya? 

Trong một lần ra tay giúp hai thanh niên đang xô xát vì va chạm giao thông, hai thanh niên trong nhóm cứu hộ đã bị… cả hai bên tới tấp dọa đánh vì tưởng lầm là người của phe kia. Chịu trận tả tơi xong các anh mới nói tròn vành rõ chữ cái câu: “tôi chỉ muốn giúp”. 

Nghĩ bao nhiêu cho đủ

Vẫn được giải cứu khỏi nạn “đinh tặc” mỗi ngày, đoạn xa lộ Hà Nội khúc ngang đền Hùng (Q.9) có lúc lại chứng kiến đòn thù nhằm vào chính người đàn ông hay hành hiệp nghĩa trượng. Buổi chiều, được người đi đường báo tin “trước đền Hùng đầy đinh”, anh Võ Trung Hậu cùng một đồng đội nhanh chóng lái chiếc xe hút đinh xuống hiện trường, rồi vòng lên vòng xuống qua đoạn ngược chiều đặng giải quyết mớ đinh dày đặc trên đường.

Chi co long tot la phi thuong
Anh Hậu đang thu nhặt đinh sau một chuyến đi “tuần” từ cầu Rạch Chiếc về cầu Đồng Nai

Sắp hoàn thành nhiệm vụ, anh Hậu nghe đồng đội la to, kèm theo những viên đá to hơn nắm tay, liên tục ném ra từ một lùm cây gần đó. Biết mình tay không đối diện đinh tặc, anh Hậu ra hiệu cho đồng đội, lao lên xe, tháo chạy. Lần đó anh thoát, cũng giống như hàng chục lần từng người trong đội của anh, bị “xé lẻ”, chặn đánh khi đang về nhà một mình.

Sau 9 năm hoạt động (từ năm 2009), “đi tuần” mỗi ngày hai lần trên đoạn xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn xuống cầu Đồng Nai, ứng cứu, bơm vá xe cho nạn nhân và trở thành khắc tinh với trò kiếm cơm phi pháp của đinh tặc, “Đội hút đinh và vá xe lưu động” Q.9 còn có hai người. Phép phòng thân của anh chỉ gói gọn trong niềm tin: “Vì mình cũng rành địa bàn, nên bọn đinh tặc không dám làm dữ”.

Trăn trở về những đòn thù cũng từng làm nhọc lòng người đàn ông nổi tiếng với danh hiệu “hiệp sĩ đường phố” Trần Văn Hoàng (Q.Tân Bình). Nhưng lúc ngồi trong cửa hàng tạm bợ bày bán nón bảo hiểm của hai vợ chồng, kể về khoảnh khắc kẻ thù đến tận nơi, dùng mã tấu chém thẳng vào người, hay khi gặp nạn trong lúc cứu người, bị nứt xương sườn, phải nhập viện dài ngày - ông chỉ cười hiền, nói: “quen rồi”.

Hỏi thêm về những viễn cảnh rủi ro hơn, ông lại vụng về đáp “ờ thì cũng quen rồi”. Bà Trương Thị Xí - người vợ đã từng xuống tóc như một nghi thức cầu an cho chồng, cũng nhắc lại cả trăm lần thót tim bằng câu nói “quen rồi” và lời tự trấn an còn… quen hơn “cũng may là ổng cũng kinh nghiệm nhiều…”.

Chi co long tot la phi thuong
Hiệp sĩ Trần Văn Hoàng đang được cấp cứu tại bệnh viện sau khi bị nhóm trộm hành hung trong đêm 13/5

Kinh nghiệm mong manh. Đêm 13/5, tất cả những phép trấn an yếu ớt của những người hành nghĩa vỡ òa trong cơn thảng thốt của cả thành phố. Hai người tử vong, ba người bị thương khi cùng đồng đội trong nhóm 8 người, bắt cướp trên đường Cách Mạng Tháng Tám, lúc hơn 20h.

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc công an TP.HCM - thừa nhận “đây là nỗi đau của công an thành phố”. Trong cơn phẫn uất và xót thương, người Sài Gòn như bừng tỉnh khỏi cái quán tính nghĩa hiệp, tự kiểm mình rằng, lẽ ra không nên tồn tại những nhóm hiệp sĩ tay không bắt cướp.

Hàng ngàn bình luận nhiệt tình, xoay quanh những cái tên hiệp sĩ xa lạ. Đó không còn là câu chuyện của anh Nam tài xế, anh Thôi chạy xe ôm, anh Hoàng bán nón bảo hiểm… làm việc tốt. Dù bi kịch nọ - cái bi kịch bị đả thương bởi bọn xấu - vốn có thể rơi vào bất kỳ người tốt bình thường nào.

Tôi từng nghĩ về hiệp sĩ trong những tưởng tượng phi thường, như Batman, như Spider man… “Sự phi thường mặc định” nọ lại vô thức gán ghép cho những người bị đeo mang cái danh hiệp sĩ ấy những nhiệm vụ phi thường. Như kiểu một cứu tinh đường phố, một anh hùng bất bại. Để rồi đến khi có sự cố, hiệp sĩ được giải thiêng đến tận cùng.

Chi co long tot la phi thuong
Nhóm SOS giúp đỡ hại người bị ngã xe trong đêm

Người ta thảng thốt nhận thấy những điểm yếu rành rành của những người họ từng gọi là hiệp sĩ: không có vũ khí, không được đào tạo nghiệp vụ, không được bảo vệ, không có tư cách pháp lý, không có nhiệm vụ bắt cướp, đi ngược phân công lao động xã hội... Hình tượng hiệp sĩ vỡ tan. Họ quên mất rằng, chuyện nghĩa hiệp nọ còn có trước cả hai chữ hiệp sĩ, và sự tồn tại của nó chưa từng bị giới hạn/được cổ vũ bởi bất kỳ danh xưng nào.

Họ không biết, anh Hồ Tuấn Sang lập nên Biệt đội SOS nọ sau cái lần anh gặp nạn đêm hôm ở đoạn đường núi Lâm Đồng và may mắn được người dân cứu sống. Họ không biết, đồng đội của Sang có những người hăm hở nhập cuộc, chỉ vì những lần tuyệt vọng cầu cứu trước những chuyến xe vun vút băng qua. Họ chắc cũng không biết, cái tư cách cứu người nọ đã bị thách thức hàng trăm lần, bởi chính những người được giúp đỡ.

Đây vốn dĩ không hẳn là chuyện săn bắt cướp để bàn cãi phân công xã hội. Đây vốn dĩ là chuyện cứu người. Cứu hay không cứu? - nói “không cứu” khó hơn rất nhiều so với cái lắc đầu về “tư cách tồn tại” của một hiệp sĩ. Đó không phải câu chuyện của một danh xưng, một chức phận, một đòi hỏi vũ trang - đó là câu chuyện của tình người, của lòng nghĩa hiệp lẽ ra đã không đến mức hiếm hoi và khó hiểu. Dù đến tận cùng, lòng tốt lắm khi cũng ngã gục, yếu thế trước những đòi hỏi riết róng khi đối diện với kẻ ác và những truy hỏi, những cán cân về “tư cách”, “sức mạnh”...

Chuyện buồn đêm 13/5 không chỉ là ám ảnh của ngành công an, của những nhóm cứu hộ đường phố. Nó là sự thất thế và bơ vơ đến tận cùng của lòng tốt. Đến nỗi, sau cùng những người dân nhiệt thành lại hồn nhiên lên tiếng dẹp bỏ lòng tốt. Nhưng khi thốt nên câu hỏi “có nên tồn tại hiệp sĩ không” (chữ “hiệp sĩ” được hiểu thuần túy là tên gọi của những người dũng cảm cứu người), cũng giống như đã quay lại (hay tiến tới) một giai đoạn chưa từng có của loài người, khi người ta còn hỏi: “có nên làm việc tốt không?”, “có cần phải cứu người hay không?”.

Rồi trong chính cái hoang tàn tội nghiệp của đức tin, khi hiệp sĩ trọng thương, tử trận - mới thấy, chỉ có lòng tốt là phi thường. 

Minh Trâm - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI