Chánh Văn phòng trường ĐH Ngân hàngTP.HCM: 1 năm làm… 8 đề tài nghiên cứu khoa học

08/05/2017 - 12:54

PNO - Báo Phụ Nữ ngày 3/5/2017 có bài “Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM muốn đuổi ai thì đuổi” phản ánh sự lộng quyền trong tuyển dụng và sử dụng nhân sự của Hiệu trưởng Lý Hoàng Ánh.

Báo Phụ Nữ ngày 3/5/2017 có bài “Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM muốn đuổi ai thì đuổi” phản ánh sự lộng quyền trong tuyển dụng và sử dụng nhân sự của Hiệu trưởng Lý Hoàng Ánh.

Ngay sau đó, nhiều cán bộ giảng viên (GV) đã cung cấp cho chúng tôi hàng loạt thông tin liên quan đến tiêu cực trong nghiên cứu khoa học của ông Trần Mai Ước - Chánh văn phòng, Trợ lý Ban Giám hiệu trường này.

Chanh Van phong truong DH Ngan hangTP.HCM: 1 nam lam… 8 de tai nghien cuu khoa hoc
Hai đề tài nghiên cứu khoa học (Những cống hiến của Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam trong thực tiễn và Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở tại huyện Đồng Phú, Bình Phước) đều được quyết toán kinh phí hai lần

Theo tài liệu GV cung cấp, trong năm 2016 và một tháng đầu năm 2017, Trường ĐH Ngân hàng nghiệm thu tổng cộng 39 đề tài nghiên cứu khoa học của 29 tác giả và chi tổng cộng 921 triệu đồng.

Đáng chú ý là, riêng ông Trần Mai Ước - Chánh văn phòng, Trợ lý Ban Giám hiệu, đã thực hiện đến tám đề tài và được nhận hơn 200 triệu đồng kinh phí.

Những đề tài nghiên cứu khoa học của ông Ước là gì? “Tôi chưa tìm hiểu kỹ, nhưng nhìn chung là rất quen” - một GV cảm nhận.

Chúng tôi thử lấy tên một đề tài nghiên cứu khoa học của ông Ước là “Logic học đại cương” và tìm trên Google thì hàng loạt giáo trình “logic học đại cương” của các tác giả khác xuất hiện.

Trong tám đề tài ông Ước thực hiện năm 2016 có đề tài “Những cống hiến của Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam trong thực tiễn” được nhà trường chi trả 40 triệu đồng vào 7/11/2016. Nhưng cũng đề tài đó, ông Ước đã thực hiện trước đó hai năm và được chi trả 35 triệu đồng vào ngày 9/6/2014. 

Chưa hết, trong năm 2014, ông Ước còn thực hiện một đề tài có tên “Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước” và nhận kinh phí 40 triệu đồng vào ngày 18/11/2014. Nhưng lạ thay, vào 24/3/2014, trường cũng đã chi trả 35 triệu đồng cho ông Thân Tôn Trọng Tín - người thực hiện đúng đề tài vừa nêu.

Hợp đồng thực hiện đề tài của ông Tín ký được ký ngày 20/8/2012, còn hợp đồng của ông Ước được ký sau đó 1,5 năm, vào ngày 1/1/2014.  

Trở lại với tám đề tài mà ông Trần Mai Ước đã thực hiện trong 13 tháng, nhiều GV kỳ cựu của trường cho chúng tôi biết: mỗi năm, nếu cố gắng lắm, họ cũng chỉ có thể thực hiện được một hai đề tài.

Ông Ước vừa làm Chánh văn phòng, làm Trợ lý BGH, lại đang học cao cấp chính trị và thạc sĩ quản lý giáo dục, cử nhân luật… thì lấy đâu thời gian thể có thể thực hiện bấy nhiêu đề tài nghiên cứu khoa học trong một năm! Rồi chất lượng của những công trình ấy như thế nào?

Dư luận tại Trường ĐH Ngân hàng cho biết, ông Ước đã mời gọi các GV khác cùng đứng tên vào nhóm nghiên cứu các đề tài. Nhưng khi đề tài hoàn thành, nhận kinh phí, ông không chia cho các thành viên mà lại yêu cầu họ phải nộp tiền cho ông với số tiền 30-50 triệu đồng.

Một GV cùng đứng tên trong một nhóm bốn thành viên với ông Trần Mai Ước cho biết, ông Ước yêu cầu ông đưa 30 triệu đồng và ông đã đưa 10 triệu đồng. Sau khi đưa, nghĩ lại thấy quá vô lý, nên ông không đưa số tiền còn lại mà đã yêu cầu ông Ước trả lại số tiền ông đã đưa.

GV này cho biết, còn nhiều trường hợp như ông, có người đã đưa cho Ước đến 50 triệu đồng.  

Với rất nhiều câu hỏi liên quan đến những đề tài nghiên cứu khoa học cũng như cách làm khoa học của ông Trần Mai Ước, chiều ngày 4/5, chúng tôi liên lạc xin gặp để làm rõ. Nhưng ông Ước từ chối.

Theo nhiều GV của Trường ĐH Ngân hàng, quy trình thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học trải qua rất nhiều bước gồm: tác giả đăng ký đề tài (trong trường hợp có đề tài đột xuất thì báo cáo Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ và khoa học ngân hàng thuộc trường phê chuẩn) - Hội đồng khoa học phê duyệt tên đề tài - ra quyết định giao đề tài - tác giả làm và bảo vệ đề cương - Hội đồng khoa học duyệt đề cương - tác giả ký hợp đồng với nhà trường - triển khai thực hiện theo đúng thời hạn - bảo vệ đề tài, thành công thì được cấp kinh phí. 

Theo quy định, thời gian tối đa để thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường là 12 tháng. Nhiều GV cho biết, nếu làm nhanh cũng phải mất sáu tháng, nhưng cũng có không ít người phải gia hạn. Vẫn có những đề tài không đạt chất lượng và bị gạt bỏ.

Với quy trình đó, hoàn toàn không có chỗ cho những đề tài kém chất lượng. Cũng không thể có những đề tài kiểu “nhân bản vô tính” với tựa đề giống nhau đến từng chữ và cùng địa bàn nghiên cứu. Và tất nhiên, cũng không thể có trường hợp một năm làm tám đề tài. 

Tiếc thay, vì lợi ích nhóm, Trường ĐH Ngân hàng đã xây dựng ê kíp để dễ dãi trong phê duyệt đề tài của những thành viên thuộc nhóm mình từ “đầu vào” đến “đầu ra” nhằm rút tiền ngân sách. 

Quá nhiều vần đề cần phải trao đổi với lãnh đạo trường này, nhưng Hiệu phó Đoàn Thanh Hà - người hiện được Hiệu trưởng ủy quyền tiếp xúc với báo chí - đã từ chối trả lời tất cả các câu hỏi với lý do: Đoàn công công tác của Ngân hàng Nhà nước đã về trường để xác minh đơn tố cáo. Mọi vấn đề sẽ rõ trong thời gian tới.

Chúng tôi đã gọi cho ông Nguyễn Ngọc Thạch - Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ và khoa học ngân hàng, đơn vị quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Ngân hàng - nhưng ông này từ chối tiếp xúc và chỉ sang ông Hà. 

Minh Nhật

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI