Central Park giống hệt cái 'mỏ hàn' đe dọa sông Sài Gòn

13/08/2018 - 06:00

PNO - Nhiều người đang phát cuồng về cao ốc 81 tầng Landmark và công viên Central Park (thuộc tổ hợp dự án Vinhomes Tân Cảng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã “lung linh, chễm chệ” trên nền cảng cũ.

Thế nhưng, từng là người tiên phong phản đối dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký Ủy ban sông Mê-Kông Việt Nam - lại tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình hình các dự án ven sông Sài Gòn.

Central Park giong het cai 'mo han' de doa song Sai Gon
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ

Dù tài sản làm cho Nhà nước, cũng không được phép

Tương tự như Đồng Nai, ông Tứ e ngại những gì đang diễn ra ở TP.HCM tiếp tục tạo tiền lệ cho việc gia tăng vi phạm và lấn chiếm hành lang thoát lũ, dòng chảy của các con sông trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông, không thể lập luận rằng việc xây Central Park làm công trình công cộng là đúng quy định được. “Dòng chảy sông cần được duy trì một cách tự nhiên như vốn có được quy định bởi tiến trình lịch sử mạng thoát nước tự nhiên, cũng như hệ sinh thái đặc thù riêng. Cầu cảng cũ vẫn khác với khối bê tông mặt đất như hiện nay, bởi cầu cảng vẫn thông nước. Do đó, công trình này sẽ tạo áp lực nước cho phía bờ đối diện”, ông Tứ nói.

Ông cho rằng ở Vinhomes Tân Cảng hiện tồn tại 2 vấn đề. Thứ nhất, lấn chiếm mặt nước để làm công trình, điều đó hoàn toàn sai luật, gồm các Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống thiên tai và Luật Giao thông đường thủy nội địa.

“Không ai có quyền lấy sông của mọi người làm tài sản, dù tài sản ấy có làm cho Nhà nước cũng không được phép. Chưa kể, trong điều kiện thiên nhiên đang thê thảm như hiện nay, phải giữ gìn dòng sông, đã không giữ được lại còn phá hoại, lại cứ nhăm nhe “chém nó”, ông Tứ bức xúc.

Central Park giong het cai 'mo han' de doa song Sai Gon
Một góc Central Park

Thứ hai, về mặt khoa học, khi lấp cầu cảng như vậy đã tạo nên một “mỏ hàn” rất lớn để đẩy nước sang phía bờ bên kia.

Tác động như thế nào, theo ông Tứ cần phải nghiên cứu. Nhưng nguyên tắc về chỉnh trị sông có hai hình thức. Một là kè, như ta thấy người ta thường dùng bê tông đắp lên. Dù không lấn ra sông, nhưng kè vẫn có tác động đến bờ đối diện, bởi tạo ra thế bên này cứng, bên kia vẫn là đất mềm.

Hình thức còn lại nguy hiểm hơn dùng trong trường hợp người ta muốn làm xói lở một bên sông và cho bên còn lại bồi, đó là “mỏ hàn”. Thuật ngữ chuyên môn “mỏ hàn” có thể hình dung là một khối bê tông cứng chòi ra lòng sông.

“Dù không to như Tân Cảng, nhưng “mỏ hàn” có thể lái dòng nước sang phía kia để tác động cho bờ đó lở đi, nói chi cả khu vực cầu cảng đã bị lấp. Nói cách khác, khu vực Tân Cảng như hiện nay là một “mỏ hàn” cực lớn”, ông Tứ phân tích.

Ông nói tiếp: “Họ sẽ cho rằng có ăn thua gì, sông to như thế, chúng tôi chỉ làm một tí “mỏ hàn”. Nhưng với tôi là không! Vì chắc chắn động lực của dòng chảy bị biến động khi các bờ sông bị thay đổi”.

“Dấu ấn” chiếm mặt sông

Luật sư Phùng Thanh Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá tình trạng lấn chiếm, san lấp kênh, rạch, sông để làm dự án ở TP.HCM khá phổ biến và ở nhiều mức độ khác nhau. Tình trạng này không phải mới diễn ra gần đây, nó đã xảy ra từ hàng chục năm trước.

Central Park giong het cai 'mo han' de doa song Sai Gon

Về nguyên tắc, theo ông Sơn, chủ đầu tư không được phép xây dựng trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch (trừ trường hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình quốc phòng, phòng cháy chữa cháy, công trình phục vụ công ích có thời hạn thì được phép xây dựng).

“Từ đó, có thể thấy nhiều lý do để chủ đầu tư muốn lấn sông. Do hành lang bảo vệ sông, kênh rạch có thể tính từ mép được xây dựng, cải tạo nên nếu việc xây dựng, cải tạo đó lấn sông, kênh rạch thì phần đất trong hành lang bảo vệ bờ thực tế sẽ ít đi. Hay nói cách khác, việc lấn sông, kênh rạch sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư như diện tích đất mà chủ đầu tư có thể xây dựng nhà ở, cao ốc... sẽ tăng lên mà không vượt quá mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất mà pháp luật quy định”, ông Sơn nói.

Việc biến đất vốn dĩ thuộc hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch thành đất thương mại bán cho khách hàng giúp chủ đầu tư có đủ không gian để có thể tạo ra một “dấu ấn” cho dự án của mình, để bán nhà với giá cao bằng việc xây công trình hạ tầng xã hội trong hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch đó, theo luật sư Sơn.

Tổ hợp dự án Vinhomes Tân Cảng trước đây là khu vực cảng nên hiển nhiên phải có các công trình bến cảng, cầu cảng... để phục vụ cho việc neo đậu tàu, bốc dỡ hàng hóa.

“Đã là cầu cảng thì không thể xây dựng sát bờ mà phải cách xa bờ. Do đó cầu cảng không được xem là bờ của sông Sài Gòn nên không thể lấy cầu cảng làm cơ sở để xác định hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn và cho xây dựng công viên trên đó. Chưa kể, thiết kế cảng rất khác với việc lấp các vùng nước trong cảng để làm công viên. Bởi điều đó ảnh hưởng và thay đổi dòng chảy”, ông Sơn lập luận.

Theo ông, việc trên rất dễ kiểm chứng. Cứ lấy hồ sơ thiết kế cảng trước đây và so với thực trạng hiện nay sẽ biết ngay là Vingroup có lấn, lấp sông Sài Gòn hay không; vùng nước nào trong cảng bị lấp, vùng nước nào không. Dựa vào thiết kế cảng trước đây chúng ta cũng xác định được vị trí bờ sông Sài Gòn đang ở đâu để từ đó xác định chính xác hành lang bảo vệ bờ sông Sài Gòn. 

Theo Quyết định 150/2004/QĐ-UBND trước đây về quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố và nay là Quyết định 22/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM, thì hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch cấp kỹ thuật I, II mỗi bên là 50m; cấp kỹ thuật III, IV mỗi bên là 30m; cấp kỹ thuật V, VI mỗi bên là 20m và đối với kênh rạch chưa được phân cấp kỹ thuật mỗi bên là 10m, được tính từ mép bờ cao của sông, kênh, rạch (theo dạng tự nhiên hoặc được xây dựng, cải tạo) vào bên trong phía đất liền. Chủ đầu tư không được xây dựng các công trình nhà ở, cơ sở kinh doanh trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch... Và các công trình xây dựng phải đảm bảo độ lùi so với hành lang bảo vệ bờ sông, kênh rạch

Nam Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI