Cát, dòng sông và lời đe dọa

17/03/2017 - 10:23

PNO - Sông Cầu ở Bắc Ninh đã nổi tiếng qua bao thế hệ với khúc hát đầy tình thương mến: “Tình yêu có từ nơi đâu. Êm êm một khúc sông Cầu

Sông Cầu ở Bắc Ninh đã nổi tiếng qua bao thế hệ với khúc hát đầy tình thương mến: “Tình yêu có từ nơi đâu. Êm êm một khúc sông Cầu…”. Nhưng bây giờ, dòng sông êm ả này đang nổi sóng vì lời đe dọa gửi tới chủ tịch tỉnh Bắc Ninh. Lời đe dọa có liên quan đến việc thực hiện dự án khơi thông đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu. “Tận thu sản phẩm”, mô tả một cách gọn ghẽ là hút cát sỏi dưới lòng sông mang bán. 

Cat, dong song va loi de doa
 

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Ninh, đã có các cá nhân từ trung ương tới địa phương đứng sau bảo kê việc khai thác, và đe dọa lãnh đạo tỉnh cũng như cán bộ lãnh đạo các sở, ngành. Các tin nhắn đe dọa xuất hiện sau khi UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dừng triển khai việc thực hiện dự án nạo vét - khơi thông - hút cát nói trên.

Thông tin từ các bên về việc khơi thông đường thủy ở sông Cầu đang có những điểm trái ngược nhau. Phía tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong quá trình triển khai dự án, các đơn vị đảm nhiệm đã lợi dụng để khai thác cát trái phép, gây ra sạt lở khiến tỉnh này đã phải chi 30 tỷ đồng để xử lý sự cố. Ngoài ra, còn có 40 tàu tại nơi nạo vét luồng lạch gây mất an ninh trật tự. Nhưng phía lãnh đạo Cục Đường thủy (Bộ GTVT) lại cho biết đã nhận được đơn kêu cứu của một số chủ phương tiện vận tải đường thủy về việc họ gặp tình trạng mắc cạn tại nhiều vị trí trên sông; do vậy, việc khơi thông luồng lạch và khai thác cát là có cơ sở. 

Từ xưa tới nay, việc đe dọa lãnh đạo các tỉnh thành vẫn được coi là hành động “vuốt râu hùm”. Bởi lẽ, lãnh đạo địa phương có rất nhiều quyền hạn trong việc quản lý tại chỗ và thực thi pháp luật. Phải thật to gan, hoặc phải có thế lực “chống lưng” đầy mình mới dám coi thường lãnh đạo tỉnh. Vậy những kẻ rất to gan “từ trung ương đến địa phương” ấy là ai? 

Thực trạng kéo dài nhiều năm qua trong khai thác tài nguyên là sự lộng hành của các băng nhóm, doanh nghiệp được người có quyền lực bảo kê, che đỡ. Khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, rừng bị phá tan hoang, sông ngòi bị tận thu tàn mạt nhưng lại có rất ít vụ việc mà cơ quan chức năng bắt và quy tội được thủ phạm. Báo cáo hàng năm của các bộ ngành và địa phương khi đề cập đến vấn đề này thường chốt hạ bằng cụm từ “tình hình vẫn còn nhiều phức tạp”.

Chính vì sự lộng hành công khai mà không bị trừng phạt, các nhóm tội phạm nói trên ngày càng tác oai tác quái. Hành động nhắn tin đe dọa tới chủ tịch tỉnh cho thấy những kẻ đe dọa đã rất tự tin về thế lực của mình. Và logic của sự việc đã cho thấy diễn tiến đáng lo ngại về quản lý trong thực tế. Được đằng chân lân đằng đầu, lửa nhỏ không dập sẽ bùng thành đám cháy. Phải chăng ở các địa phương còn có những ai đó “to” hơn lãnh đạo tỉnh và sẵn sàng dọa nạt khi lợi ích không còn được như cũ?

Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, làm rõ những cá nhân đứng sau bảo kê, đe dọa lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các sở ngành, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3/2017. Kẻ to gan đe dọa sẽ phải lộ diện. Có lợi ích nhóm nào đứng sau việc khai thác tài nguyên cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng. Hy vọng kết quả xử lý vụ việc này cũng là tiền lệ cho những vụ việc khác về sau. Nói một cách ví von, nước sông Cầu sẽ ảnh hưởng đến nhiều dòng sông khác. 

Hạt cát thì nhỏ, nhưng tài nguyên quốc gia không bao giờ là chuyện nhỏ. Dòng sông thì ngắn, nhưng lợi ích chung luôn rộng dài. Tin nhắn gửi nặc danh, nhưng lời đe dọa cho sự nghiêm minh của thiết chế luật pháp là cụ thể. Quản lý một đoạn sông mà còn bất ổn, thì khó mong chờ sự rạch ròi, liêm chính ở nhiều chỗ khác. Chính vì thế, làm rõ sự việc cũng là phép thử cho sự nghiêm ngắn trong thực thi kỷ luật hành chính và thực thi pháp luật.

Vũ Thượng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI