Cần quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội độc lập trong Bộ luật Hình sự

15/03/2017 - 12:32

PNO - Vì sao hàng loạt vụ án xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) chậm khởi tố khiến dư luận bức xúc, nạn nhân bị tổn thương kéo dài?

Ông Đoàn Tạ Cửu Long, Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP.HCM đã trao đổi với báo Phụ Nữ về vấn đề này. 

Thưa ông, vì sao có nhiều nghi án XHTDTE bị kéo dài thời gian điều tra, không khởi tố được? 

- Ông Đoàn Tạ Cửu Long: Trong quá trình tố tụng, vì nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt do thiếu chứng cứ vật chất, đã có không ít vụ án XHTDTE bị kéo dài. Nhiều vụ cũng được khởi tố nhưng không thể truy tố hay đưa ra xét xử. Điều này cũng khiến cơ quan chức năng rất đau đầu. Quan điểm của chúng tôi đối với tội phạm XHTDTE là kiên quyết không khoan nhượng, không bỏ lọt tội phạm.

- Kết quả giám định pháp y có phải là căn cứ duy nhất để chứng minh tội phạm? 

- Ông Đoàn Tạ Cửu Long: Khi quyết định khởi tố tội phạm, điều cần nhất là chứng cứ vật chất khách quan. Theo quy định tố tụng hình sự hiện nay, bên cạnh lời khai của bị hại, lời nhận tội của bị can, người làm chứng, hiện trường vụ án thì kết quả giám định pháp y là chứng cứ vật chất thuyết phục nhất để chứng minh tội phạm.

Kết quả giám định pháp y không đơn thuần là kết quả giám định về màng trinh mà còn là dấu vết của tế bào nam, tinh trùng, ADN, là tỷ lệ tổn thương ở các vùng cơ thể khác… Giám định pháp y là việc phải làm, càng sớm càng tốt, nhưng chỉ có cơ quan chức năng mới có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định.

Vì thế, ngay khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, người thân phải đến cơ quan y tế gần nhất (trung tâm y tế tuyến huyện trở lên) thăm khám và lưu giữ toàn bộ những chứng từ để cung cấp cho cơ quan điều tra. Vật chứng còn là cả quần áo, đồ dùng của trẻ, đồ vật liên quan quanh nơi xảy ra vụ xâm hại…

- Nhiều vụ XHTDTE, nếu gia đình nạn nhân chậm tố cáo, nhưng nghi can chịu nhận tội, bồi thường, xin lỗi, hoặc thách thức (có chứng cứ được ghi âm, các tin nhắn được lưu…) thì tại sao khi tố giác, cơ quan điều tra vẫn kết luận không đủ chứng cứ để khởi tố? 

- Ông Đoàn Tạ Cửu Long: Những chứng cứ ghi âm, ghi hình… sẽ có giá trị như một chứng cứ vật chất trong một vụ án khi được giám định. Tuy nhiên, rất khó để các chứng cứ này trở thành vật chứng của vụ án.

Thông thường, tin nhắn hay giọng nói làm chứng cứ phải thể hiện nội dung mình muốn chứng minh. Những từ nhiều nghĩa, từ viết tắt… sẽ khó xác định. Điều đó giải thích vì sao trong nhiều vụ việc, gia đình người bị hại cho là “có chứng cứ”, hay nghi can “đã nhận tội” nhưng vẫn không thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hơn nữa, hiện cả nước chỉ có một cơ quan giám định những vật chứng như băng ghi âm, ghi hình, giọng nói, chữ viết là Viện Khoa học hình sự, thuộc Tổng cục Cảnh sát tại Hà Nội. Mọi trưng cầu giám định liên quan phải gửi đến đây nên kết quả trả về không thể nhanh như mong đợi. 

- Thực tế, cơ quan tố tụng cũng đã quá thận trọng trong quá trình thụ lý nhiều vụ án, theo ông, đâu là nguyên nhân?

 Ông Đoàn Tạ Cửu Long: Chúng tôi sợ oan sai. Chúng ta bảo vệ bị hại nhưng cũng phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Khi oan sai, cơ quan tố tụng, cụ thể là VKS, cơ quan cảnh sát điều tra… phải bồi thường thiệt hại. Ai cũng biết quá trình đấu tranh, chứng minh tội phạm rất khó khăn, phải theo quy trình chặt chẽ. Những vụ XHTDTE đa phần phát hiện muộn, không nhân chứng... nên việc chứng minh tội phạm rất khó. 

- Ông có đề xuất gì trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội XHTDTE?  

- Ông Đoàn Tạ Cửu Long:  Đối với cơ quan lập pháp, VKSND TP kiến nghị bổ sung vào Bộ luật Hình sự quy định hành vi quấy rối tình dục là một tội độc lập, nhằm ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ phát triển thành hành vi vi phạm vào các tội có tính chất nguy hiểm, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.

Hành vi quấy rối tình dục nói chung và hành vi quấy rối tình dục trẻ em nói riêng tuy thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa được quy định trong dự thảo Bộ luật Hình sự 2015. Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng thì cần đào tạo chuyên sâu một nhóm điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán chuyên về các tội xâm phạm tình dục nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với loại tội phạm này. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI