Các phòng khám Trung Quốc đang được 'ai đó' bảo kê?

10/04/2017 - 09:53

PNO - Báo Phụ Nữ đã đăng loạt bài “Bó tay hay làm ngơ trước sai phạm của các phòng khám Trung Quốc (PKTQ)?”đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc với rất nhiều ý kiến phản hồi.

Trong ba số báo ra ngày 3, 5 và 7/4, báo Phụ Nữ đã đăng loạt bài “Bó tay hay làm ngơ trước sai phạm của các phòng khám Trung Quốc (PKTQ)?”. Những vấn đề mà loạt bài đặt ra đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc với rất nhiều ý kiến phản hồi, cho rằng đây là vấn đề nhức nhối của xã hội.

Một số bạn đọc đặt câu hỏi: tại sao các PKTQ hoạt động thiếu y đức, thiếu chuyên môn, thường xuyên lừa đảo, “cắt cổ” người bệnh… mà không bị các cơ quan chức năng xử lý đến nơi đến chốn? Liệu các PKTQ có được ai đó “bảo kê”? Báo Phụ Nữ trích đăng một số ý kiến nhằm góp thêm tiếng nói với các cơ quan quản lý y tế.

Bộ y tế nghĩ gì khi cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ Trung Quốc?

PKTQ đã xuất hiện và gây ra không biết bao nhiêu tai họa cho người dân từ hàng chục năm nay. Chính gia đình tôi cũng có người thân là nạn nhân của những PK làm ăn bất chấp sức khỏe, thậm chí tính mạng này. 

Cac phong kham Trung Quoc dang duoc 'ai do' bao ke?
Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội, nơi khiến một thai phụ tử vong sau khi khám phụ khoa vào đầu tháng 3/2017.

Báo chí cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực vạch trần chiêu trò của họ. Người dân hết sức bất bình và lên tiếng tố cáo. Thế nhưng, hết lần này đến lần khác, sau những cơn bão của dư luận, PKTQ vẫn hoạt động với những cái tên mới, cơ sở mới nhưng vẫn tiếp tục lặp lại những mánh khóe, thủ đoạn cũ. Người thân chúng tôi từng bị họ “moi” đến hơn 100 triệu đồng, gia đình mới phát hiện.

Tương tự, nhiều nạn nhân khác sau khi biết mình bị lừa - từ bình thường thành có bệnh, từ bệnh nhẹ thành ra bệnh nặng, bị nợ nần bủa vây - lúc đó mới tỉnh ngộ. Chúng tôi tự hỏi: sao những phòng khám với quy mô hoành tráng như thế lại có thể “qua mặt” được các nhà quản lý ngay giữa những thành phố lớn? Tại sao phạt xong, đâu lại vào đấy? Tại sao dẹp nơi này, lại mọc nơi khác?

Qua báo chí, tôi được biết, sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, bác sĩ (BS) Việt Nam phải có 18 tháng thực hành tại bệnh viện, mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Chưa kể, hàng năm, muốn tiếp tục được làm việc, các BS phải hội đủ 24 tiết đào tạo liên tục. Còn đối với BS nước ngoài, đặc biệt là BS TQ, Bộ Y tế thẩm định như thế nào trước khi cấp chứng chỉ hành nghề cho họ? 

Sau khi có chứng chỉ, họ có phải tuân thủ thêm những điều kiện nào nữa hay không để có thể hoạt động thường xuyên, tràn làn trên cả nước như hiện nay? Đối chiếu với những gì đang xảy ra trong thực tế, Bộ Y tế cảm thấy thế nào khi những BS có đầy đủ chứng chỉ hành nghề do Bộ cấp, lại có thể khám chữa bệnh bậy bạ như vậy? 

Hiện nay, PKTQ mọc “như nấm sau mưa”, không chỉ ở TP.HCM và Hà Nội, mà “vươn vòi” ra những tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Cần Thơ... Đã đến lúc, cần có sự vào cuộc - của cấp bộ, ngành để ngăn chặn ung nhọt này.

Đặng Thanh Tâm 
(Bà Rịa - Vũng Tàu)

Phòng khám “hùm beo”

Cách hoạt động của các PKTQ mang đậm chất lừa đảo. Họ thường dọa dẫm bệnh nhân về tình trạng bệnh nhằm dụ dỗ, dẫn dắt, ép buộc bệnh nhân vào cái “bẫy” mà họ đã giăng ra. Nguy hiểm là mọi chẩn đoán và sự can thiệp lên bệnh nhân, kể cả thuốc, đều chỉ nhằm moi tiền chứ không vì sự hợp lý, cần thiết. 

Cách thức kiếm tiền trên người bệnh (và cả người mạnh khỏe) này đã làm nhiều người hao tốn rất nhiều tiền mà không hết bệnh, hao tổn sức khỏe; thậm chí còn rước họa vào thân, có người đã mất mạng. 

Theo dõi báo chí nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy các PKTQ cứ lặp đi lặp lại những chiêu lừa bịp rất giống nhau. Hễ cứ “bệnh đàn ông” thì họ đề nghị cắt bao quy đầu, “bệnh phụ nữ” thì họ “đốt”. Khi đã đưa “con mồi” lên “thớt”, họ nại thêm bệnh và tìm cách móc thêm tiền, bất chấp hậu quả. 

Cac phong kham Trung Quoc dang duoc 'ai do' bao ke?
Nhiều phòng khám Trung Quốc vẫn hoạt động nhởn nhơ dù có nhiều sai phạm.

“Liều mạng” và “vô đạo đức” là những từ không thể thay thế khi nói về cách thức làm ăn của những PKTQ hiện nay. Rất lạ là những sai phạm ấy chỉ bị xử phạt hành chính, để rồi sau đó lại tái diễn. Có thể xem hệ thống các PKTQ như những hang hùm, hang sói, còn bệnh nhân của họ chỉ là những con nai ngơ ngác sa chân vào. 

Hệ thống PK kiểu này đã hoành hành từ nhiều năm, nhưng công tác kiểm tra của ngành y tế không đủ buộc họ phải thay đổi, khiến người bệnh vẫn tiếp tục trở thành những “con mồi” béo bở. Nếu không dám mạnh tay xử lý thì không chỉ hôm nay mà sang năm, hay năm sau nữa, người dân sẽ vẫn còn tiếp tục là nạn nhân của các PK này.

Nguyễn Hoàng Minh

(Q.9, TP.HCM)

Luật đã có nhưng xử lý chưa nghiêm

Tôi cho rằng hành lang pháp lý trong công tác quản lý hành nghề y tế tư nhân như luật Khám chữa bệnh cùng nhiều các văn bản pháp luật khác với phạm vi điều chỉnh thuộc công tác quản lý nhà nước về y tế đã khá hoàn thiện về mặt pháp lý. Đây là công cụ thiết yếu để xử lý triệt để những PKTQ lợi dụng màu blouse trắng để trục lợi từ người bệnh.

Trách nhiệm còn lại thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước về y tế cũng như các cán bộ thanh tra chuyên ngành. Cơ quan quản lý không thể nại ra lý do “tại, bởi...” để thoái thác trách nhiệm xử lý khiếu nại, tố cáo của người dân về sai phạm của các PKTQ. Nhiều PKTQ bị tố cáo là gây hậu quả rất nặng nề cho người dân về mặt sức khỏe, tinh thần, tài chính… trong khi cơ quan chức năng chỉ xử lý sai phạm qua loa, chiếu lệ. 

Một PKTQ “chặt chém” bệnh nhân hàng trăm triệu đồng, nhưng khi kiểm tra thì chỉ phát hiện những lỗi nhỏ và xử phạt vài triệu đồng, thậm chí có PKTQ liên tục bị tố cáo sai phạm, nhưng vẫn nhởn nhơ hoạt động. Theo tôi, trường hợp bị tố cáo nhiều như vậy thì Sở Y tế phải xem xét, tạm đình chỉ hoạt động để kiểm tra, giải quyết theo đúng “Quy định về giải quyết khiếu nại trong lĩnh vực y tế” một cách thấu đáo và triệt để.

Theo dõi phản hồi của các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế trên báo chí về những sai phạm chuyên môn của các PKTQ, tôi thấy chưa có vị nào thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, thiếu sót, dẫn đến việc các PKTQ lộng hành. 

Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước về y tế cần thực hiện các biện pháp xử lý mạnh hơn, thậm chí là mạnh tay xóa bỏ, loại trừ các cơ sở y tế hoạt động thiếu năng lực chuyên môn, y đức như tình trạng các PKTQ đã gây ra, nhằm loại trừ những hậu quả đáng tiếc cho người dân.

Về góc độ pháp lý, tôi cho rằng, “chứng chỉ hành nghề” của các BS TQ được Bộ Y tế cấp và “giấy phép hoạt động” của các PKTQ không phải là “kim bài miễn tử”. Việc cơ quan quản lý nhà nước về y tế địa phương cứ nại lý do “do cơ quan cấp trên cấp chứng chỉ hành nghề cho BS TQ nên địa phương không xử lý được” là điều không thể chấp nhận được.

Tôi được biết, “Hội đồng Quản lý chất lượng khám chữa bệnh” của Sở Y tế TP.HCM đã xây dựng 21 “Chuẩn thiết yếu cho hoạt động của PK đa khoa”. Về mặt nội dung, thì các quy chuẩn nói trên hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế, cơ quan quản lý không thường xuyên rà soát quy chuẩn này đối với các PK đa khoa. 

Chỉ khi PK xảy ra sai phạm, bị tố cáo thì Thanh tra Sở Y tế mới yêu cầu PKTQ cung cấp các “danh mục kỹ thuật” - một trong 21 quy chuẩn - để chứng minh một cách đối phó. Tôi khẳng định đây là một sai phạm, hay nói đúng hơn là sự tắc trách trong công tác quản lý của Sở Y tế.

Theo tôi, đối với bệnh nhân là nạn nhân của các PKTQ, khi điều trị bệnh bị “chặt chém”, “vẽ bệnh” hay phát hiện sai phạm của PKTQ thì nên mạnh dạn tố cáo với cơ quan thanh tra y tế. Việc xử lý sai phạm của PKTQ theo đơn thư của người dân cần phải được Sở Y tế tiếp nhận trong mọi trường hợp. 

Với trường hợp các PKTQ gây thiệt hại nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe, nhân phẩm, tính mạng con người, nếu có dấu hiệu cấu thành tội phạm, Sở Y tế nhất thiết phải chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý hình sự theo luật định.

Luật sư Nguyễn Tri Đức 
(Giám đốc Công ty Luật 360 - Đoàn Luật sư TP.HCM)

Phòng khám nước ngoài càng phải đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu

Tôi nghĩ PK nào cũng đều phải hoạt động theo đúng pháp luật. Kế đến, hễ cái gì liên quan đến vấn đề sức khỏe, thì chuyện quảng cáo phải được quản lý hết sức chặt chẽ. Các mẩu quảng cáo hiện nay, nhất là trên truyền hình, của các PKTQ thường hay nói quá khả năng mà cơ sở có thể làm được.

Đa số nạn nhân thường nghe theo lời quảng cáo “có cánh” trên truyền hình để rồi rước họa vào thân. Cơ quan quản lý không thể buông lỏng giám sát vấn đề hệ trọng này. Tôi cho rằng, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các PK này, xem họ có làm đúng như thẩm định ban đầu hay không, đúng với khả năng chuyên môn của từng cá nhân đang làm việc tại đó hay không.

Đồng ý rằng, với xu thế hội nhập, chúng ta cần nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, đó là việc các cá nhân, đơn vị khám chữa bệnh nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp tăng tính cạnh tranh cho môi trường chăm sóc sức khỏe trong nước. Và xin nhớ rằng, PK nào cũng phải đặt lợi ích của bệnh nhân lên hàng đầu, PK có yếu tố nước ngoài lại càng phải quán triệt điều này.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là hiện nay, các PK có BS TQ lại thường xuyên để xảy ra sai sót về chuyên môn, chẩn đoán sai hoặc cố tình chẩn đoán sai liên tục, thực hiện không đúng chỉ định, tỷ lệ tai biến cao và thu tiền cũng rất cao… Tôi không hiểu tại sao các sai phạm cứ lặp đi, lặp lại mà PK không bị đóng cửa?

Cuối cùng, tôi xin nhắc lại, nếu không đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu, thì cộng với chính sách quản lý đang rất chồng chéo, thiếu nhất quán, nhiều kẽ hở, chế tài không đủ sức răn đe, chúng ta sẽ tiếp tục nhận thêm những hậu quả đau lòng từ kiểu khám chữa bệnh của các PK có BS TQ. 

BS Phan Văn Hoàng (khoa Niệu B, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI