Bóc lột lao động trẻ em vẫn diễn ra từng ngày: Xóm lao động 'nhí' giữa Sài Gòn

05/05/2017 - 12:23

PNO - Trong những nhà xưởng chật hẹp ở P.Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM), chúng tôi đã tìm thấy hàng trăm lao động trẻ em (LĐTE) thân hình gầy yếu, đang vật vờ bên những kiện hàng to tướng.

Những đứa trẻ mới 12-14 tuổi đó phải làm việc trong cảnh mồ hôi trộn nước mắt, trở thành “cỗ máy hái ra tiền” cho chủ xưởng. 

Boc lot lao dong tre em van dien ra tung ngay: Xom lao dong 'nhi' giua Sai Gon
Lao động "nhí" tại cơ sở sản xuất 557/60/47 Hương Lộ 3 kể về công việc đầy nặng nhọc của mình.

Những “cỗ máy” bằng xương bằng thịt

6 giờ sáng, thời điểm mà những đứa trẻ bình thường đang chuẩn bị để đến trường thì cô bé H’Lý (khoảng 14 tuổi, quê Đăk Lăk) lại phải bắt đầu một ngày làm việc trong một nhà xưởng xa lạ ở TP.HCM.

Như hàng trăm LĐ “nhí” khác đang làm thuê cho các xưởng may tại khu vực P.Bình Hưng Hòa, một ngày làm việc của H’Lý bắt đầu từ lúc sáng sớm và chỉ kết thúc khi trời đã về khuya. Bằng giọng lơ lớ tiếng Kinh, H’Lý cho biết, quê em ở huyện Krông Bông (tỉnh Đăk Lăk), do hoàn cảnh khó khăn em phải nghỉ học từ sớm để phụ giúp gia đình.

Sau tết Nguyên đán vừa rồi, có một người phụ nữ đến buôn H’Lý đang sống, dụ dỗ gia đình cho em đi học nghề may ở TP.HCM. “Sau khi em và mẹ ký tên vào một tờ giấy, người phụ nữ đó dẫn em cùng nhiều đứa khác xuống Sài Gòn; rồi có một ông chủ đến đón về làm việc. Từ đó em không gặp lại bà ấy nữa”, H’Lý kể.

Boc lot lao dong tre em van dien ra tung ngay: Xom lao dong 'nhi' giua Sai Gon
Một nhóm LĐ “nhí” vật vờ trong cơ sở số 52/2 đường số 15.

Hiện H’Lý đang làm việc tại cơ sở may quần áo TE ở địa chỉ 557/60/47 Hương lộ 3 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) với gần 10 em khác. Không như thỏa thuận “đi học nghề”, các LĐ “nhí” ở đây phải làm việc như một “cỗ máy” với cường độ ngày ba ca, từ sáng sớm đến khuya.

“Em và mấy bạn được chia ra làm nhiều công việc khác nhau. Đứa ngồi máy may, đứa cắt vải, sắp xếp đồ… việc nào cũng cực. Em ngồi máy may, làm liên tục từ sáng đến nửa đêm, mỗi khi đứng dậy phải khom lưng vì không thể đứng thẳng lên ngay được”, H’Lý cho biết.

Một cậu bé người dân tộc có thân hình gầy gò, da đen, tóc vàng hoe, cho biết em tên Gióng, cùng quê, được đưa xuống TP.HCM cùng đợt và làm chung với H’Lý. Gióng than, rất nhớ nhà! “Nhớ sao không xin ông chủ cho về?”. Cậu bé đưa ánh mắt đờ đẫn nhìn xa xăm, lắc đầu: “Không về được đâu. Chưa làm đủ năm chủ nhà bắt ở lại không cho về”. Nói dứt câu, cậu đưa tay quẹt nước mắt rồi chạy ngay vào trong xưởng để tránh bị chủ xưởng bắt gặp nói chuyện với người lạ.

Khu vực Hương lộ 3 và đường số 15 (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) vốn được người dân ở đây quen gọi là “xóm LĐ nhí” vì hàng chục cơ sở may đang sử dụng hàng trăm LĐ tuổi từ 12-16 tuổi. Núp dưới danh nghĩa tuyển người “học nghề”, các xưởng may này đã ép các em làm việc kiệt sức.

Chiều ngày 2/5, đến cơ sở may mặc ở địa chỉ 52/2 đường số 15 do bà Linh làm chủ, chúng tôi bắt gặp nhiều LĐ “nhí” khoảng 14-15 tuổi đang làm việc. Hỏi về những LĐ nhỏ tuổi này, bà Linh nói: “Mấy đứa nhỏ là do người quen gửi đến học nghề, toàn làm những việc nhẹ nhàng, đâu có làm việc gì nặng nhọc…”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Linh có hai cơ sở liền kề, chuyên sản xuất quần áo TE. Một phân xưởng chuyên gia công, một xử lý thành phẩm. “Công việc nhẹ” mà bà Linh nói, là các LĐ ở đây phải làm việc liên tục ba ca: sáng, trưa, tối. Vào những thời điểm nhiều đơn hàng, phải làm liên tục từ sáng sớm đến khuya; trung bình khoảng hơn 10 tiếng/ngày.

Nhiều khâu trong quá trình sản xuất có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng các LĐ “nhí” không được dùng khẩu trang hay bất cứ đồ bảo hộ nào. Y Liêm (quê Đăk Lăk, đang làm việc tại cơ sở số 52/2) cho hay: “Trong các công việc ở đây, cắt vải là nhẹ nhàng nhất, thường dành cho mấy đứa nhỏ tuổi. Do không có khẩu trang nên sau một ngày làm việc là mũi hít đầy bụi vải. Tối trước khi ngủ, đứa nào cũng khạc ra toàn bụi vải đen sì, có khi lẫn với máu”.

Không chỉ cơ sở của bà Linh, trong các cơ sở số 40/2a, 40/3, 81/17b, 208/187, 208/189… đường số 15 đều có sử dụng LĐTE. Khoảng 21h ngày 3/5, chúng tôi quay lại khu vực đường số 15 và phát hiện các cơ sở trên vẫn đang rầm rộ hoạt động. Bên cạnh những chiếc máy may chạy rào rào là những đứa trẻ đang cắm cúi vật lộn với những đống hàng to tướng để chủ hàng kịp giao ngày mai.

Thỉnh thoảng, lại thấy những đứa trẻ ấy ngước lên, ném cái nhìn xa xăm về phía những ngọn đèn le lói xa xa như muốn phát ra một lời cầu cứu. Những ánh mắt u buồn của H’Lý, Gióng,Y Liêm… mãi ám ảnh tôi trên đường về. Ai đã đẩy các em vào nghịch cảnh?

Những tên “thợ săn” lao động “nhí”

Một đầu nậu chuyên truy tìm các LĐ “nhí” làm việc cho xưởng may ở P.Bình Hưng Hòa là Nguyễn Thị Khang (SN 1958, quê Bắc Ninh, trú tại 77/29 đường số 9, KP.12, P.Bình Hưng Hòa). Vài năm nay, bà Khang chuyên cung cấp TE người dân tộc thiểu số ở tỉnh Đăk Lăk và một số tỉnh Tây Nguyên cho các cơ sở sản xuất tại TP.HCM.

Ông V.V.H. (chủ một xưởng may ở P.Bình Hưng Hòa) tiết lộ: “Các xưởng may ở đây ai cần tìm LĐ, liên hệ với bà Khang thì bao nhiêu cũng có. Khi nhận LĐTE vào làm, chủ xưởng chỉ trả tiền công rẻ mạt, khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng; nhưng phải trả một khoản tiền khá cao cho bà Khang”.

Thủ đoạn tuyển dụng LĐ “nhí’ của bà Khang thật ra cũng không mới: đến các buôn làng còn khó khăn để dụ dỗ, lôi kéo cha mẹ và các em xuống TP.HCM làm việc. Thay vì làm hợp đồng để đưa các LĐ “nhí” đi làm, bà Khang cho cha mẹ các LĐ viết một “giấy thỏa thuận cho con đi học nghề may ở TP.HCM”, cả trẻ và người thân đều vào, nhưng bà Khang không ký.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, chỉ trong tháng 2/2017, bà Khang đã ký đưa được hàng chục LĐ từ 11-15 tuổi ở buôn H’Ngô A (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông, tỉnh Đăk Lăk) đi làm việc. Để “giữ chân” các LĐ “nhí”, bà Khang ra quy định là chỉ trả lương với giá 15 triệu đồng/năm khi LĐ làm việc đủ một năm. Nếu LĐ “nhí” bỏ việc hoặc chuyển đi nơi khác mà không làm đủ năm thì phải bồi thường toàn bộ tiền xe, tiền công dạy nghề và tiền ăn ở tính từ ngày làm hợp đồng. 

H’Đen Êban (SN 2004, từng làm việc cho bà Khang) cho biết: “Ban đầu bà Khang chỉ thỏa thuận tiền công và nói là đi học nghề; nhưng đến TP.HCM thì tụi em phải làm việc mỗi ngày ba ca với thời gian lên đến trên 15 giờ/ngày. Những em nhỏ 12-13 tuổi làm vài ngày là nhớ nhà đòi về, bà Khang bắt phải bồi thường. Không có tiền đền nên đứa nào cũng phải ráng ở lại làm, dù rất khổ”.

Hiện số LĐ “nhí” bà Khang đưa xuống cơ sở số 77/29 đường số 9, KP.19, P.Bình Hưng Hòa, do ông Trịnh Đức Minh (SN 1981, con trai bà Khang, làm chủ) để “học nghề” đã lên đến vài chục em. Tuy nhiên, đến giữa tháng 4/2017, tại cơ sở này chỉ có bốn em đang làm việc gồm: H’Thủy Niê, H’Xuân Niê, H’Diêng và Y Biôn Byă. Những đứa trẻ khác đã bị bà Khang “sang tay” hoặc đưa đi đâu thì gia đình và chính quyền địa phương cũng không rõ.

Theo ông Huỳnh Thanh Tới, Trưởng phòng LĐ-TB-XH Q.Bình Tân, đầu tháng 4/2017, đoàn kiểm tra việc thực hiện pháp luật LĐ của quận đã kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Trịnh Đức do ông Trịnh Đức Minh làm chủ, phát hiện có sử dụng 7 LĐ, trong đó có hai LĐ dưới 15 tuổi và hai LĐ dưới 18 tuổi. Chủ cơ sở có xuất trình một số giấy thỏa thuận học nghề thay cho hợp đồng LĐ của các LĐ “nhí”, nhưng theo tường trình của các em thì các em không được học nghề may mà đang làm việc cho cơ sở.

“Bà Khang và ông Minh đều không thừa nhận vi phạm sử dụng LĐ dưới 15 tuổi không có hợp đồng; nhưng dựa vào tường trình của các nhân chứng, chúng tôi xác định họ đang sử dụng LĐ trái quy định chứ không phải dạy nghề”, ông Tới nói. Được biết, sau buổi kiểm tra, UBND Q.Bình Tân đã ban hành quyết định xử phạt cơ sở Trịnh Đức 12,5 triệu đồng do vi phạm về sử dụng LĐ, nhưng vẫn chưa thực sự có biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng LĐ trái quy định ở cơ sở này.

Theo điều tra của chúng tôi, chỉ riêng ở P.Bình Hưng Hòa đã có đến hàng chục cơ sở sử dụng LĐTE nhưng việc kiểm tra, xử phạt chỉ mới thực hiện với cơ sở Trịnh Đức. Ai sẽ bảo vệ cho hàng trăm đứa trẻ vẫn đang bị vắt kiệt sức ngày này sang ngày khác trong các nhà xưởng ở P.Bình Hưng Hòa với tiền công rẻ mạt.

Sơn Vinh
(Còn tiếp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI