Bí thư Đinh La Thăng: Làm sao đạt chất lượng như đại học quốc tế?

21/02/2017 - 10:36

PNO - Sáng 21/2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Đảng ủy khối các trường Đại học, Cao Đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp nhiệm kỳ 2015-2020.

Ông Nguyễn Đông Phong - Bí thư Đảng ủy khối các trường Đại học nêu khó khăn, quỹ đất của các trường thuộc Đảng bộ khối chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển và quy mô đào tạo của trường.

Các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ theo gặp nhiều khó khăn đầu tư phát triển cơ sở vật chất, khó khăn trong cơ chế chủ quản các bộ, ngành.

Bi thu Dinh La Thang: Lam sao dat chat luong nhu dai hoc quoc te?
Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.

Ông Phong cho rằng việc đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội hóa giáo dục phổ thông. Đời sống cán bộ, giảng viên,công nhân trẻ thuộc các trường hiện nay còn nhiều khó khăn trong việc mua nhà ở, đất ở.

Những trường dân lập đang trong quá trình chuyển đổi sang tư thục còn gặp khó khăn do các quy định của Luật Giáo dục không còn loại hình dân lập, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường. Các chế độ đãi ngộ giảng viên, sinh viên các trường ngoài công lập hiện nay còn hạn chế.

Ông Phong kiến nghị Thành ủy tác động đến Ban cán sự các Bộ, ngành có cơ sở đảng trực thuộc có quy định phối hợp làm việc với Đảng ủy khối. Lãnh đạo TP tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học trực thuộc Đảng bộ khối phát triển đất đai, cơ sở vật chất và kết nối hạ tầng. Có cơ chế chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi với các trường đại học được giao thí điểm tự chủ.

Đồng thời tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong việc sử dụng chuyên gia, Việt kiều nước ngoài làm việc tại các trường. Cụ thể khi các trường ký hơp đồng lao động với chuyên gia, Việt kiều thì Sở LĐ-TB-XH cấp phép cho chuyên gia, Việt kiều.

“TP cùng với Bộ Giáo dục - Đào tạo chọn một vài trường đại học có chất lượng tốt, có uy tín trong nước và quốc tế để đầu tư trọng điểm”, ông Phong đề xuất.

Trước kiến nghị của ông Phong, Bí thư Đinh La Thăng yêu cầu nói rõ các trường uy tín trong nước và quốc tế là trường nào? ngành nào? Vấn đề đặt hàng nghiên cứu, các trường đã đặt hàng chưa? hay đặt rồi mà TP chưa chấp nhận. Sự liên kết với doanh nghiệp, ngân hàng các trường đã thực hiện chưa?

Ông Phong trả lời: “Nếu hỏi trường nào ngon lắm tôi không trả lời được, tôi xin mạnh dạn đề xuất Thành ủy, Bộ đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau để phấn đấu. Hiện ĐH Kinh Tế TP.HCM làm được vấn đề Bí thư đặt ra và đang làm được những bước đầu”.

Bà Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng ĐH Luật cho rằng, làm giáo dục thời điểm này rất khó, vì thế sự quan tâm, động viên nâng đỡ của lãnh đạo TP là rất cần thiết. Hiện nay các ĐH rất cố gắng về chuyên môn.

“Về câu hỏi của Bí thư, tôi xin trả lời khối các trường ĐH, theo quyết định của Bộ Giáo dục - Đào tạo ít nhất trong khối có hai trường là trọng điểm quốc gia, đó là ĐH Kinh Tế TP.HCM và Đại học Sư Phạm TP.

Đại học Luật TP cũng được xem là trường trọng điểm nằm trong quyết định xây dựng trường của chúng tôi thành trường trọng điểm. Như vậy nếu về mặt pháp lý thì có 3 cơ sở đào tạo được công nhận đầu tư là trường trọng điểm. Còn trong tương lai, TP xây dựng để hỗ trợ nhiều hơn nữa thì các trường ở đây sẽ có ý kiến”.

Bi thu Dinh La Thang: Lam sao dat chat luong nhu dai hoc quoc te?
Bà Mai Hồng Qùy - Hiệu trưởng Đại học Luật.

Nghe đến đây, Bí thư Thăng hỏi: “Các trường quốc tế thu học phí khác? Vậy các trường này có được xem là trọng điểm không?”. “Dạ thưa không”, bà Quỳ trả lời.

Bí thư Thăng nhận định: “Quan điểm của tôi sản phẩm là số một thị trường là phải khẳng định về chất lượng, còn trọng điểm không quan trọng. Bây giờ chị nói xem các trường cần gì để đạt chất lượng như quốc tế?”. 

Bà Quỳ giải thích thêm: “Tên gọi là trọng điểm, nói về sự đầu tư trọng điểm. Nếu trường tôi là trọng điểm thì được nhà nước đầu tư cở vật chất để trở thành trọng điểm”.

Bí thư Thăng trao đổi lại: “Nếu chị nói như vậy lại đi vào vòng luẩn quẩn, lại đi vào vấn đề ngân sách, và sẽ tắc. Vấn đề là cơ chế gì? Cơ chế là tôi ra sản phẩm như quốc tế thì tôi phải được thu học phí như quốc tế, như thế mới bền vững, lâu dài. Còn chế độ chính sách thì nhà nước phải lo, nhưng đối tượng nào thì TP phải lo, đối tượng khác phải thực hiện theo kinh tế thị trường”.

Bà Quỳ cho biết hoàn toàn đồng ý với Bí thư và khẳng định nếu được như vậy thì quá tốt cho các trường. Mong muốn của Đảng ủy khối là đề nghị Bí thư chọn ra một số trường để đầu tư.

Tại buổi làm việc, ông Đỗ Văn Dũng - Phó bí thư Đảng ủy khối bày tỏ khó khăn lớn nhất của các trường là thiếu quỹ đất. Nghe ông Dũng phân trần, Bí thư hỏi: “Nếu TP quy hoạch ra ngoại thành có ra không?”.

Ông Dũng khẳng định nếu như vậy thì chắc chắn các trường sẽ đồng ý vì hiện nay thiếu rất nhiều khuôn viên phòng học, ký túc xá cho sinh viên. TP cần quan tâm tới đời sống và an ninh cho SV.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI