PNO - Trận lũ quét kinh hoàng vừa xảy ra tại Yên Bái, Sơn La, Lai Châu... khiến 26 người chết, 16 người mất tích, hàng trăm nhà bị cuốn trôi. Nguyên nhân chính của cơn lũ chưa từng thấy này là do nạn phá rừng.
Tại khu vực Tây Nguyên, hơn một năm sau ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố lệnh đóng cửa tất cả rừng tự nhiên, nhiều khu rừng phòng hộ vẫn tiếp tục bị “xẻ thịt” tan hoang.
Vào hang ổ lâm tặc
Ngày 3/8, từ Quốc lộ 29 (nối giữa hai huyện Buôn Đôn và Cư M'gar), chúng tôi lần theo những con đường mòn dẫn vào rừng phòng hộ, ngỡ ngàng bắt gặp hình ảnh gỗ rừng bị chặt hạ tràn lan. Cách Quốc lộ 29 chưa đầy 200m, hàng chục cây gỗ có đường kính từ 30-60cm bị xẻ hộp chỉ còn lại những tấm bìa, gốc, ngọn, cành cây nằm ngổn ngang. Trên các con đường mòn dẫn vào rừng phòng hộ có nhiều dấu vết đường bị cày xới thành hào sâu do các phương tiện vận chuyển gỗ để lại.
Rừng tự nhiên tại xã Krông Á bị “xẻ thịt” tan hoang
Tại Km227 Quốc lộ 29, chúng tôi theo đường mòn khoảng 200m vào rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn, bất ngờ phát hiện một bãi tập kết gỗ. Nhẩm đếm, có 13 khúc gỗ tròn (không rõ loại) đường kính từ 25-50cm, dài từ 4-6m xếp thành đống sẵn sàng chờ tới lượt rời khỏi rừng. Từ bãi tập kết này, chúng tôi tản ra xung quanh, phát hiện dấu vết nhiều cây gỗ mới bị đốn hạ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu vực gỗ bị đốn hạ nói trên thuộc tiểu khu 453, 454 rừng phòng hộ huyện Buôn Đôn (nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn). Đáng nói, từ khu vực này đi về hướng huyện Cư M’gar khoảng hơn 2km là trụ sở Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn, nhưng không có bóng dáng cán bộ nào.
Từ Quốc lộ 29, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghe tiếng máy cưa nổ vang trời phát ra từ trên rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 436. Lần theo những dấu vết bánh xe cày xới đường mòn, chúng tôi đi vào chưa được 30m thì bắt gặp hình ảnh gỗ bị đốn hạ nằm la liệt trên đường.
Chiều ngày 3/8, sau thời gian dài vất vả băng qua một đoạn đường rừng rậm rạp, gai góc, chúng tôi tận mục sở thị “hang ổ” của lâm tặc. Trước mắt chúng tôi là bốn người đàn ông đang hì hục bốc gỗ lên xe. Hoạt động khuân vác gỗ tại đây diễn ra nhộn nhịp, công khai suốt nhiều giờ đồng hồ. Khoảng 17 giờ ngày 3/8, chiếc xe chất đầy gỗ ì ạch lăn bánh.
Sáng 4/8, chúng tôi liên hệ với ông Lê Danh Khởi, Giám đốc Ban quản lý bảo vệ (BQLBV) rừng phòng hộ. Ông Khởi cho hay: “BQLBV quản lý tổng cộng 10.229 ha rừng phòng hộ, bao gồm 10 tiểu khu nằm trọn trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn). Do khu vực rừng phòng hộ giáp ranh với huyện Ea Súp, Cư M’gar nên việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.
Xe chở gỗ ra khỏi rừng phòng hộ Buôn Đôn
Các trạm được phân công phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn nhưng vẫn xảy ra tình trạng đốn gỗ. Từ đầu năm đến nay, BQLBV đã bắt bốn vụ khai thác gỗ giao cho hạt kiểm lâm xử lý với khối lượng 5,29m3 và hai vụ phá rừng làm nương rẫy với diện tích 3,02ha”.
Khi chúng tôi đưa ra một số bằng chứng về việc khai thác, vận chuyển gỗ tại rừng phòng hộ trong những ngày gần đây, ông Khởi khẳng định sẽ ghi nhận và cho lực lượng kiểm tra lại. Chiều cùng ngày, ông Khởi liên hệ với chúng tôi và xác nhận: “Có xảy ra tình trạng khai thác gỗ củi trên rừng và đang tiếp tục cho lực lượng tiếp tục xác minh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, xác định trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng này”.
Xe chở gỗ ngang nhiên đi qua UBND xã
Trước đó, vào giữa tháng 7/2017, chúng tôi thâm nhập khu vực rừng tự nhiên xã Krông Á (huyện M’đrắk, tỉnh Đăk Lăk). Từ thôn 7 (xã Krông Á), chúng tôi di chuyển chưa đầy 200m vào cửa rừng tự nhiên thì bắt gặp hai chiếc “xe cày” chở hàng chục khối gỗ xẻ hộp vuông vắn, các đoạn gỗ dài khoảng 3-3,5m, dày khoảng 30-40cm.
Tiếp cận bãi tập kết gỗ của lâm tặc, chúng tôi phát hiện hàng chục khúc gỗ với chiều dài từ 3-5m đã được cưa xẻ thành hộp và xếp gọn gàng ngay bên cạnh đường mòn. Xung quanh bãi tập kết này, vết mùn cưa vẫn còn mới tinh, nhiều khúc gỗ chưa kịp cưa xẻ có đường kính từ 50-60cm nằm lăn lóc.
Trong lúc chúng tôi thở dài ngao ngán, tiếc nuối trước cảnh tượng tang thương giữa rừng thì tiếng cưa máy vang lên khắp các quả đồi, tiếng công nông tời gỗ, ra vào rừng nhộn nhịp. Tất cả những hình ảnh ấy cho thấy, nơi đây là tụ điểm khai thác gỗ rầm rộ, công khai, dù trụ sở UBND xã Krông Á chỉ cách đó hơn 10km. Đáng nói, trên nhiều thân cây có đóng tấm bảng ghi rõ dòng chữ: “Cấm chặt phá rừng làm nương rẫy”, nhưng ở giữa thung lũng của các quả đồi, nhiều người dân vẫn đốt rừng không thương tiếc.
Tại thôn 7 (xã Krông Á) vào khoảng 16g ngày 18/7, chúng tôi không khỏi bất ngờ chứng kiến ba-bốn chiếc công nông lần lượt chở gỗ rời khỏi cửa rừng, chạy ngang qua trụ sở UBND xã Krông Á, nhưng không có bất cứ bóng dáng cán bộ nào ra ngăn chặn. Theo sát những chiếc xe công nông chở gỗ này có rất nhiều “chim xanh” được bố trí khắp nơi trên tuyến đường liên xã để làm nhiệm vụ cảnh giới. cơ quan chức năng làm ngơ
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân làm nương rẫy tại khu vực đập chứa nước thôn 13 (xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, ngày nào cũng có người mang cưa máy, xe lên rừng khai thác gỗ. Thật vậy, giữa tháng 7/2017, dọc con đường mòn dẫn vào rừng, chỉ còn trơ trọi những gốc cây với đường kính lớn.
Theo báo cáo xác minh số 725, ngày 31/7, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk khẳng định thông tin phóng viên phản ánh về tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép xảy ra trên địa huyện Ea Kar và M’đrắk là đúng. Tại huyện Ea Kar, rừng bị phá tại thôn 13 (xã Cư Yang) thuộc tiểu khu 692 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Diện tích rừng bị phá làm nương rẫy là 1,6ha, thời điểm phá trước năm 2016.
Cũng tại tiểu khu này, cơ quan chức năng còn phát hiện 14 cây gỗ bị chặt hạ trái phép (tại 13 điểm), phân bố rải rác dọc hai bên đường. Trong đó, có sáu cây gỗ đã bị cưa xẻ và lấy đi phần thân, tại hiện trường còn lại bìa gỗ và phần cành ngọn. Bên cạnh đó, có tám cây đã bị chặt hạ, chưa bị cưa xẻ, tổng khối lượng còn lại tại hiện trường 7,434m3. Theo báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk ngày 18/7, việc khai thác gỗ nói trên đã được Hạt Kiểm lâm huyện Ea Kar, Đội Kiểm lâm cơ động số 2, UBND xã Cư Yang và Công ty lâm nghiệp Ea Kar tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm.
Tại huyện M’đrắk, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk cũng khẳng định, hình ảnh xe công nông chở gỗ khai thác trái phép tại khu vực cửa rừng tự nhiên (thuộc thôn 7, xã Krông Á, huyện M’đrắk) mà phóng viên phản ánh là đúng. Sau khi nhận được thông tin trên, Hạt Kiểm lâm huyện M’đrắk đã tổ chức kiểm tra xác minh thông tin. Trong quá trình kiểm tra, xác định có ba xe công nông của người đồng bào dân tộc Ê Đê điều khiển chở gỗ trong đêm 18/7 từ xã Krông Á về tập kết tại buôn Trưng (xã Krông Jing, huyện M’đrắk).
Sáng 19/7, các cơ quan chức năng đã lập biên bản thu giữ 6,166m3 gỗ xẻ hộp thông thường. Hiện các cơ quan chức năng đang tiếp tục xác định vị trí khai thác gỗ trái phép trên rừng tự nhiên xã Krông Á và chủ sở hữu của số gỗ tang vật trên.
Điều đáng nói, trụ sở làm việc cách khu vực rừng tự nhiên bị tàn phá chưa đầy 3km, nhưng khi phóng viên phản ánh thì ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Cư Yang và ông Quách Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Yang vẫn khẳng định không có tình trạng khai thác gỗ trái phép trên rừng. Câu hỏi được đặt ra, có hay không sự “tiếp tay” của lực lượng chức năng trước tình trạng khai thác gỗ trái phép?
Đề cập tình trạng khai thác gỗ trái phép tại huyện M’đrắk và Ea Kar, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk cho rằng, trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Ea Kar,Công ty lâm nghiệp M’đrắk và các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê rừng và đất rừng để lập dự án.
Các đơn vị này thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý, do đó việc bảo vệ rừng kém hiệu quả. Ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Lăk cho biết, đơn vị đang tiếp tục xác minh và chỉ đạo hạt kiểm lâm cơ sở có hướng xử lý đối với những cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm trong việc quản lý, bảo vệ rừng.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.