Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: Có tin tức gì là nhớ đến Báo Phụ Nữ đầu tiên

19/05/2018 - 16:43

PNO - Về hưu đã hơn 10 năm nhưng bác sĩ Phượng vẫn tiếp tục làm công việc chuyên môn ở một bệnh viện tư. Phụ Nữ TP.HCM vẫn luôn là tờ báo được bà theo dõi thường xuyên nhất.

Gọi cho bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, vị bác sĩ có lẽ là nổi tiếng nhất Việt Nam, xin bà một cái hẹn cho cuộc trò chuyện về những hoạt động đồng hành với Báo Phụ Nữ TP.HCM trong suốt nhiều năm, tôi nghe tiếng bà thầm thì vội vàng trong điện thoại: “Cô đang họp… ừ… một giờ con tới cô nhé” mà thấy vừa vui, nhẹ lòng, vừa khâm phục.

Nhẹ lòng vì sợ bác sĩ từ chối với lý do nghỉ hưu lâu rồi, ngại trò chuyện, phát biểu ý kiến; vui vì thấy giọng bà dù rất vội vàng vẫn đầy thân thiết, trìu mến, như người dì, người bà hẹn hò với con cháu và khâm phục vì đến tuổi này, bà vẫn làm việc liên tục, đầy trách nhiệm và nhiệt tình.

Bac si Nguyen Thi Ngoc Phuong: Co tin tuc gi la nho den Bao Phu Nu dau tien
Bác sĩ Ngọc Phượng tại một tọa đàm của Báo Phụ Nữ (tháng 9/2017)

Những cuộc đồng hành xuyên lục địa

Đến gặp bà vào giờ nghỉ trưa, nghe người nhà bảo bác sĩ Phượng mới từ bệnh viện về, đang nghỉ ngơi, tôi hơi e ngại. Nhưng chỉ vài phút sau, bà đã bước ra, áo sơ mi hoa, quần tây giản dị, nụ cười hiền lành, tươi tắn. Nghe tôi nhắc đi nhắc lại lời xin lỗi vì làm phiền bà vào giờ nghỉ trưa, bác sĩ xua tay lia lịa bảo, không có gì.

Cảm động nhất là nghe bà nhắc: “Báo Phụ Nữ mà, xưa giờ nghe tụi con gọi là cô trả lời ngay”. Và bà chia sẻ những kỷ niệm với báo, đúng tác phong của một con người quen làm việc nhanh nhẹn, chính xác từng giờ, từng phút.

“Làm sao nhớ nổi cô bắt đầu đồng hành với Báo Phụ Nữ từ bao giờ. Lâu quá rồi, con à!” - bác sĩ Phượng cười thật hiền - “có bao nhiêu chương trình giáo dục sức khỏe cộng đồng, những hoạt động dành cho phụ nữ mang thai, chương trình nuôi con bằng sữa mẹ, sự phát triển của em bé, thai giáo, chương trình cho phụ nữ mãn kinh…

Công việc của cô là chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nên gắn kết với Báo Phụ Nữ là chuyện đương nhiên. Nhờ báo chí mới có thể tuyên truyền, thông tin giáo dục sức khỏe cho chị em, đó là con đường ngắn nhất, dễ nhất và phổ biến nhất”.

Dù nói không thể nhớ hết và nhớ chi tiết mọi việc nhưng bác sĩ Phượng đã dành nhiều thời gian trò chuyện để kể lại chuyến đi Mỹ năm 2007 dự Đại hội Y tế cộng đồng Hoa kỳ với chủ đề Chất độc da cam. Ngay khi được cử đi dự đại hội này, bà đã đề nghị để phóng viên Báo Phụ Nữ đi cùng, bởi theo bà, chủ đề này gắn chặt với nỗi đau của phụ nữ Việt Nam, nhiều năm sau chiến tranh, những người mẹ Việt Nam vẫn còn sinh ra những đứa trẻ tật nguyền vì ảnh hưởng của chất độc hóa học.

“Hội Y tế cộng đồng Hoa Kỳ có đến 14.000 thành viên, đa số là những nhà dịch tễ học, nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng rất có uy tín của Mỹ, được ngành y tế nhà nước Mỹ lắng nghe. Cho nên chúng ta phải tranh thủ cho được sự ủng hộ của họ đối với bản Dự thảo nghị quyết về vấn đề chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường ở Việt Nam”, bà nhấn mạnh.

Bác sĩ Phượng ở Mỹ một tuần lễ với bốn ngày hoạt động chính, hàng chục cuộc họp rải rác các địa điểm khác nhau. Sáng thức dậy lót dạ bằng bánh mì, ngồi taxi di chuyển hết địa điểm này đến địa điểm khác để kịp giờ được phát biểu ý kiến ở nhiều hội trường.

Có nơi đông người nghe, có nơi chỉ vài người, có nơi họ lắng nghe, có nơi phản bác. Đêm nào cũng về khách sạn rất khuya, có khi 12g đêm, bà và phóng viên đều rã rời, nhưng sáng sớm hôm sau trên Báo Phụ Nữ đã có bài về câu chuyện chất độc da cam.

Một tuần lễ diễn ra đại hội là một tuần Báo Phụ Nữ đồng hành cùng bà trong cuộc chiến ấy, ngày nào báo cũng đưa tin, đến nỗi một đại diện của Thông tấn xã Việt Nam phải thán phục: “Báo Phụ Nữ nhanh, chính xác hơn, chi tiết hơn cả chúng tôi nữa là sao? Sao Báo Phụ Nữ ngon lành quá vậy?”.

Năm 2008, Hạ viện Hoa kỳ đã có buổi điều trần Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta: Phải làm gì để giúp đỡ nạn nhân dioxin. Tiêu đề này có hai điểm đáng lưu ý: lần đầu tiên hai từ “trách nhiệm” và “nạn nhân” được nhắc đến. Trước đó, họ chưa bao giờ thừa nhận trách nhiệm và khi nói đến nạn nhân là phải có thủ phạm.

Trong suốt những năm tháng đấu tranh cho vấn đề này, những chuyến đi Mỹ sau đó (năm 2008 - 2009 - 2010), Báo Phụ Nữ không được tham gia cùng bác sĩ Phượng. Dù vậy, từ Mỹ, bà vẫn đều đặn gửi tin về cho tòa soạn và đó là cuộc đồng hành lớn nhất, nhiều kỷ niệm nhất mà khi kể lại, ánh mắt của vị bác sĩ về hưu vẫn ánh lên niềm tự hào, nhiệt huyết và hạnh phúc.

Bac si Nguyen Thi Ngoc Phuong: Co tin tuc gi la nho den Bao Phu Nu dau tien
 

“A lô, em Báo Phụ Nữ nè chị”

Đang kể về những hoạt động, công việc, bà bất chợt hỏi tôi có còn nhớ những năm Phòng sinh dịch vụ gia đình đầu tiên ở Việt Nam ra đời tại Bệnh viện Từ Dũ hay không. Tôi còn đang cố lục lọi trong trí nhớ sự kiện này thì bà kể tiếp với nụ cười ấm áp: trước đó, phòng sinh là phòng chung cho hàng chục bệnh nhân sinh cùng lúc. Phòng sinh dịch vụ gia đình chỉ có một giường nằm đặc biệt. Khi chưa đến giờ sinh, nó là cái giường bình thường, bệnh nhân nằm như ở nhà, có người nhà bên cạnh chăm sóc. Khi sản phụ sinh mới dựng hai chỗ để chân lên. 

Ngày đó, Thúy Hà, phóng viên y tế của Báo Phụ Nữ, chính là người mở hàng cho Phòng sinh dịch vụ gia đình. “Ngày đó, Hà nằm sinh, cười hỉ hả, vui vẻ. Mẹ Hà nhìn thấy tôi mồ hôi chảy ròng ròng mới nói: trời ơi, hồi tôi sinh nó dưới hầm tránh bom ở Hà Nội, đau muốn chết mà chỉ có mình mình với bác sĩ. Nó bây giờ nằm sinh khỏe quá, chỉ có bác sĩ mệt thôi”. 

Sau này Thúy Hà có viết về kỷ niệm này. Tôi từng “làm bà đỡ” cho nhiều phóng viên Báo Phụ Nữ, rồi cả… vợ của phóng viên Báo Phụ Nữ nữa đó…”, bác sĩ Phượng cười vui. 

Nghe bà kể chuyện có thể cảm nhận được tình cảm ấm áp, dịu dàng dành cho Báo Phụ Nữ. Bà thủ thỉ nhắc nhớ ngày xưa: “Cái tòa soạn nằm ở Lý Chính Thắng nhỏ xíu nhưng ấm cúng và gần gũi biết chừng nào. Hồi đó, cô hay ghé báo, như là đến nhà bạn bè, chị em. Công việc xong, có khi còn được mời ăn món này món kia do chị em chế biến. Nhớ có lần được mời ăn cháo lòng ngon lắm… 

Rồi đến ngày 21/6, dịp lễ nào đó, bệnh viện Từ Dũ cũng mời chị em báo Phụ Nữ đến ăn cơm nói chuyện. Chẳng tiền bạc, quà cáp gì đâu, chỉ là trò chuyện, vui cười thân thiết, đẹp đẽ và trong sáng lắm. Lớp phóng viên, biên tập viên này lớn lên, rồi nghỉ, rồi tới lớp khác thay thế, nhiều đến mức có sự kiện này kia, gắn với tên phóng viên nào cũng không thể nhớ hết, chỉ nhớ chung là Báo Phụ Nữ mà thôi.

Hồi đó, cứ có tin tức gì là cô nhớ tới Báo Phụ Nữ đầu tiên, là alo Thúy Hà ơi, chị Nguyệt ơi… Anh chị em báo cũng thường gọi cho cô. Nhớ câu hay nghe nhất là: “Alo, em báo Phụ Nữ nè chị”. Chỉ cần nghe câu quen thuộc ấy là cô trả lời ngay: “Tới đi em”. 

Bac si Nguyen Thi Ngoc Phuong: Co tin tuc gi la nho den Bao Phu Nu dau tien
Bác sĩ Phượng nói, bà chưa bao giờ có ranh giới nào với chị em Báo Phụ Nữ

Nghe bà kể chuyện tình cảm gắn bó với Báo Phụ Nữ vui quá, tôi buột miệng hỏi: “Bao nhiêu năm làm việc chuyên môn, chắc là cô bị trả lời phỏng vấn của báo Phụ Nữ nhiều lắm?”. Hỏi xong mới biết mình hớ khi cô phản bác ngay: “Không phải “bị” mà là “được” trả lời phỏng vấn chứ. Đó đều là những cuộc trò chuyện thoải mái, thẳng thắn, cởi mở. Cô chưa bao giờ thấy có ranh giới nào với chị em báo mình”. 

Độc giả trung thành của báo

Về hưu đã hơn 10 năm nhưng bác sĩ Phượng vẫn tiếp tục làm công việc chuyên môn ở một bệnh viện tư. Phụ Nữ TP.HCM vẫn luôn là tờ báo được bà theo dõi thường xuyên nhất. Bà bảo: “Cô đọc các thông tin xã hội, sức khỏe, pháp luật của báo mình, để bệnh nhân là phụ nữ có hỏi, mình còn có thông tin mà trả lời. Vừa rồi cô theo dõi chuyên đề về đánh ghen của báo, làm hay lắm. Báo Phụ Nữ phải phục vụ phụ nữ, góp phần định hướng cho chị em cách suy nghĩ, cư xử.

Phải phù hợp với cả phụ nữ già, phụ nữ trẻ. Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng phức tạp, làm phụ nữ ngày càng khó hơn với bao nhiêu tình huống trong nhà, ngoài xã hội. Rồi phải cập nhật chuyện nội trợ, thời trang, làm đẹp… cho chị em”.

Định trả lời bà ấn bản Phụ nữ Chủ nhật có nhiều chuyên mục phụ nữ lắm, thì bà cười nhắc thêm: “Báo nên bình dân một chút, đừng chỉ vẽ những cái cao xa, khó thực hiện. Ví dụ như canh bầu thì nấu với cá là ngon nhất, mà là cá trê mới ngon”. Bà dành 5 phút để hướng dẫn tỉ mỉ cho tôi những điều quan trọng nhất khi nấu canh bầu, từ cách lọc xương cá tới việc khi canh sôi lên là tắt lửa, đậy nắp ra sao để bầu vẫn tiếp tục chín giòn, ngon chứ không chín rục.

Bà say sưa kể thêm về cách làm các loại cá sao cho đừng tanh... Bảo rằng “cô thích nấu ăn lắm. Ngày xưa, dù bận bịu việc bệnh viện và các hoạt động xã hội, cô vẫn mê nấu ăn cho các con”. 

Đang nói chuyện, bà chợt nhìn vào sổ ghi chép của tôi, nhẹ nhàng bảo: “Bây giờ cô phải đi đón cháu đây. Nửa ngày ở bệnh viện là người đi làm; nửa ngày còn lại cô làm mẹ, làm bà bình dị và yêu thương”. Nói vậy chứ đứng lên rồi, bà nhắc nhở tôi: “Đưa vào trong bài ý kiến này của cô nhé: Báo Phụ Nữ nhớ tuyên truyền cho chị em về sức khỏe sinh sản.

Trước khi lập gia đình thì phải khám phụ khoa, có con thì phải khám thai, sinh con thì phải khám hậu sản. Phải tầm soát ung thư cổ tử cung, tử cung nghiêm chỉnh. Có tiêm phòng rồi cũng không được chủ quan, chỉ ngừa được 70% thôi. Rồi phải hết sức chú trọng tình trạng sức khỏe trong thời kỳ mãn kinh, đề phòng những ảnh hưởng tới tim mạch, loãng xương…”.

Sợ làm trễ giờ đón cháu của bà, tôi đề nghị: “Cô ơi, có gì thiếu, con gọi điện thoại cho cô nữa nhé”. Bà cười hiền hậu trả lời: “Ừ, con cứ “Alo, con báo Phụ Nữ nè cô” là được thôi mà”.

 Thúy Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI