Ðã ngưng cơn sóng đọa đày

29/01/2017 - 08:32

PNO - Bà nói không ngừng, nhưng đứt đoạn, không phải trí nhớ đã mòn, cũng không phải tuổi già lắm bệnh tật đang hành hạ, mà có cơn thủy triều xám đen cứ ì oạp vỗ, để lại những vết hằn buốt nhức.

Không than vãn, oán trách, chỉ có tiếng thở dài như nén lại, rơi như mưa dọc suốt con đường đầy bóng tối. Những người đàn bà như bà khiến tôi thu mình lại, để biết rằng sẻ chia ở cõi đời này nhiều khi cũng như cơn gió, bởi chỉ có chết đi rồi con người ta mới thật sự là sống.

Bảy tuổi bà đã đi bụi đời ăn xin, sống nhờ chùa. Năm mười bảy tuổi, trên chuyến xe tình cờ mà định mệnh, bà gặp một người phụ nữ rủ vô rừng chơi, ở đó có người, sinh hoạt vui lắm. Đó là một tổ chức của lực lượng biệt động Sài Gòn.

Ða ngung con song doa day

Nhan sắc hơn người, tổ chức yêu cầu bà xâm nhập vô cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn ở Bình Dương, Bình Phước, cặp bồ với sĩ quan cao cấp. Tuổi hai mươi ngây thơ, biết đi là đi, thân gái giữa chốn hùm beo, thì sao giữ được tiết hạnh. Có thai đứa con trai, mà đến giờ, người con đó vẫn là nỗi đau cứa lòng mẹ.

“Đời cô xấu hổ lắm, quận trưởng, tỉnh trưởng, cặp hết, để lấy cho được tin tức tình báo, đổi lại làm nô lệ xác thân”, mắt bà đỏ hoe.

Lắm lúc tôi muốn dừng lại, bởi cơn đau này lây qua tôi. Nhưng  bà vẫn nói, dẫu tôi biết, giãi bày của bà cũng chỉ là chia sớt, như chuyện bà đi làm thiện nguyện ngày đêm không nề hà, bán cả năm căn nhà ở thành phố này để giúp người nghèo, ủng hộ bộ đội Trường Sa, dân vùng lũ, cốt  là để tảng đá đè ngực vơi đi và chờ ngày giã biệt chính mình.

Rồi theo lệnh của tổ chức, bà lại cặp bồ với một sĩ quan Mỹ, sinh được cô con  gái tên Kiều. Nhờ cái mác vợ viên sĩ quan này, mà thuốc men, thực phẩm, súng đạn, được chuyển cho cách mạng bằng chính xe của Mỹ, do lính Mỹ chở, và ròng rã 11 năm 7 tháng.

Mang danh là vợ bé, là bồ của ông này ông kia, tấm áo hợp pháp đó không hề lộ ra chân dung một nữ tình báo, thậm chí cách đây ba năm, quận trưởng An Lộc ở Bình Dương thuở đó, hiện đang ở Mỹ, nói với con gái bà rằng, ông không ngờ đã chung sống nhiều năm với một Việt cộng, may mà ông không bị giết.

Cơn sóng hân hoan của ngày 30/4/1975 ùa về thành phố, cũng là lúc bà bị nhấn chìm trong tấn bi kịch gia đình, hàng xóm, khi ôm đứa con gái lai và đứa con trai không rõ cha của chúng là ai, về ngôi nhà cũ mà bây giờ bà đang ở, tại một con hẻm trên đường Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh.

Bao nhiêu cha mẹ anh em hàng xóm biệt tăm bà, bây giờ  họ ngã ngửa vì bà theo giặc. Mẹ bà vào chùa ở vì quá buồn, cha thuộc  lứa “tầm vông ngọn” đánh Tây thuở Nam kỳ khởi nghĩa, đâu chịu nổi được sự nhục nhã này, sau những đay nghiến là im lặng, im đến khi ông mất, năm 1991.

Sống giữa dị nghị, khinh thường, xua đuổi, truy bức khôn cùng, dội đêm thâu ngày dài trong tâm can, để rồi bà đành phải làm hồ sơ theo diện con lai mà đi Mỹ, vì không chịu nổi nữa.

Số phận như đùa cợt, khi người giao nhiệm vụ, anh em trong đường dây ngày nào, giờ thất lạc, hy sinh hết rồi, còn ai nữa mà xác nhận, ngay cả lúc đó bà có nhận một tờ chứng thực của Bộ tư lệnh đặc công - biệt động Sài Gòn. Rằng, Nguyễn Thị Hộ (Sáu Hộ), tức Tư Sương là người của tổ chức, được cài cắm bí mật thu thập thông tin, nhưng bà nhớ như in, là người trao giấy này có nói một câu: “Mày có con lai, tao sợ mày sẽ khổ!”.

Khổ bởi chính quyền sẽ đưa mắt dò xét, rồi… để đó tính sau… Tất cả khiến bà cuồng quay trong bế tắc, để rồi sau mấy năm làm hồ sơ xuất cảnh, bà sang Mỹ. “Cô qua đó đi làm thuê làm mướn, chịu cực khổ biết mấy, dồn tiền lại về nước làm từ thiện…”.

Từ năm 1991 trở đi, bà đã đi về không biết bao lần ở vùng sâu vùng xa để chia sẻ gian khó với bà con (mà bà nói bằng khen giấy khen từ thiện của cô giờ đến hàng trăm cái). Và

vào buổi sáng của năm 2013, khi xe cứu trợ  dừng lại tại sân của UBND xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh để phát quà, có mấy cựu chiến binh từ thành phố xuống, cũng đi cứu trợ, khi nghe bà nói mục đích chuyến đi, thì một người đàn ông mặc quân phục bước đến: “Anh thấy em quen quen”. “Em cũng thấy anh quen quen”.

“Ngoài tên Nguyễn Thị Hộ, em còn có tên khác không?”. “Dạ, Sương”. Ông đưa tay nâng cằm bà lên, ở đó có một nốt ruồi, rồi la to: “Sương ơi, anh nè, Tư Yên nè, cái nốt ruồi này là của Tư Sương! Trời ơi, bao nhiêu năm anh đi tìm em”. Ông Tư Yên chính là thủ trưởng của bà, cùng với ông Năm Du, những người thường xuyên nhận tiếp tế, tài liệu.

Họ ôm nhau khóc trong ngỡ ngàng của đám đông. Đoạn trường cay đắng được bà tải ra hết cho ông nghe. Nghe đến đâu, nước mắt vị cựu binh biệt động thành chảy đến đó, để cuối cùng ông đứng lên: “Có chết anh cũng tìm mọi cách phục hồi cho em”. “Sao cô lại nhớ ngay ông Tư Yên?”. “Ai có thể quên chứ ông này là phải nhớ.

Cô nhớ lần đó, khi đã làm vợ bé của quận trưởng An Lộc, một bữa cô bồng thằng con ra gặp ổng và ông Năm Du ở Lái Thiêu. Tối đó, hai ông nói em phải bỏ con đi, để xâm nhập vào lực lượng của Mỹ”. Làm điệp báo, không có chuyện từ chối lệnh của tổ chức.

Ða ngung con song doa day

Đứa con mới chưa đầy một tuổi, người mẹ trẻ 24 tuổi sống giữa bao tủi nhục, chỉ có con là niềm an ủi lớn nhất, bỏ con đi sao đành, nhưng không thể chống lệnh. Cú rẽ định mệnh từ đây, bởi bà cắn răng bán con cho một gia đình có chồng đăng lính, và trong một phút không thể cầm lòng với nỗi đau của người mẹ trẻ, họ hứa khi nào bà có tiền, sẽ cho chuộc con.

Năm năm sau, bà chuộc con về, để rồi sau 1975, tiếp mãi đến bây giờ, người con đó không ngừng đay nghiến mẹ theo trai mà cho con. Nước mắt không ngừng cuốn bà, dìm bà trong quằn quại.

“Con không hiểu được nỗi đau của mẹ, thì lỗi tại mẹ chứ không phải con, em gái con có tên Kiều, bởi mẹ nghĩ Thúy Kiều bán mình chuộc cha, còn mẹ “bán mình” cho tổ quốc, giờ mẹ chịu hết, chỉ mong có ngày nằm xuống, ai đó thương tình thì hỏa thiêu, đem rải trên sông Sài Gòn”…

Nghe bà nói đến đây, chiếc ly trên tay tôi suýt rơi. Ngột ngạt. Tức thở. Bao chiến sĩ tình báo là đàn ông, công trạng hiển hách, người đời vinh danh, có thể bị tù đày, đánh đập, nhưng ô nhục ê chề thân xác, cắn răng đóng giả vai vợ vai bồ nhí đổi lấy tin tức, để khi hòa bình lập lại, phải tiếp tục ôm niềm riêng câm nín mà đi trong đau đớn,  bị hiểu sai mà không thể lên tiếng minh oan cho chính mình, như bà, thì có mấy người.

Phận người đàn bà trong cuộc chiến như chiếc lá đã đành, đời nữ điệp báo như bà là chiếc lá rách tả tơi, xót đắng. Cái giá của hòa bình quá đắt, ít ra nhìn ở thân phận người. Đó là vết nhơ cuộc đời mà bà nói rằng, nước có rửa mấy cũng không thể sạch, khi trái tim đã bị bằm nát.

Bà cắt ngang: “Cô từ Mỹ về, có biết gì giấy tờ, anh Tư Yên, Năm Du làm hết, đưa anh Tư Cang trùm biệt động xác nhận, để rồi năm 2015, cô được nhận huân chương kháng chiến hạng 3. Anh em một thời sống chết, cái tình với nhau nặng lắm. Tư Yên mất rồi, cô buồn biết mấy. Anh Năm Du thì 94 tuổi, gần đất xa trời rồi”.

Gió đọa đày ngưng thổi từ đó. Bà nói, số cô thiệt là nát, lẽ ra nỗi khổ sẽ bớt hơn từ năm 1991, khi cô gặp nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở chùa Nghệ sĩ lúc ông đi thăm NSND Phùng Há. Lúc đó cô nói anh Sáu còn nhớ con nhỏ Tư Sương hay đi với chị Hồng chị Loan tiếp tế lương thực ở Trà Nóc không?

Ông Kiệt à lên, và khi biết bà đang ở Mỹ, ông kéo tay: “Về đi em, anh sẽ lo cho”.  Chưa kịp làm gì hết, thì ông mất. Thôi thì phúc phận cũng có khúc quanh vui chút rồi. Bà gật, rằng thấy đời mình còn hơn bao anh em đã mất, bao bà con đang chịu cực khổ.

Nhưng niềm vui đó như con sóng nhỏ nhoi trước triều buồn đen xám dâng không ngừng lên tâm trí. Làm sao mà vui trọn vẹn được, bởi sau những chuyến đi từ thiện để thấy đời sống còn bao điều ngổn ngang mà làm người có lương tâm thì phải gánh vác, bà lại trở về với nỗi buồn sinh ra làm đàn bà mà không được làm vợ làm dâu.

Cô con gái ở Mỹ hiếu thảo lắm, nhưng cô còn có gia đình, bà thì không quay lại Mỹ nữa... Hồ sơ thế hệ ngày đó, những lật giở chưa hết. Có thể lãng quên, có thể tôn vinh, nhưng vết bầm tím, co thắt, căng phồng vò nát tâm trí họ, sách vở nào chép được, liệu pháp nào xoa dịu được. Mất mát đời bà như những trang nhật ký hằn vết máu, hoen ố màu thời gian nhưng không ngừng những tiếng hú dài trong bặt thanh.

Tôi hình dung một người đàn bà đi lặng lẽ đường khuya, máu từ tim không ngừng chảy rồi cô đặc lại ở đôi mắt đục màu mưa gió, ngước nhìn trời câm bặt. Hàng chục năm bà như thế, cam chịu, nhẫn nhục trong cay đắng. 

Bà không bị lộ, nhưng án tử hình thể xác đã tuyên từ thuở bà giã từ tuổi xuân không tình yêu, không hôn nhân bước vào chốn không tiếng súng; bản án chung thẩm không gỡ bỏ trong trái tim những ngày tháng khải hoàn, nát tan đeo bám như con tàu chết buông neo dập dềnh.

“Thôi thì 77 tuổi rồi, cô sống an phận, coi như đời mình là vậy”. Lời bà vẳng bên tai như gió thoảng, khi bao tôn vinh, xiển dương, huân chương lấp lánh cũng chỉ là vỏ ngôn ngữ, nào có thay thế được cái chớp mắt mà tôi thấy ở đó mây u ám ngự trị phủ kín, khi  tôi nhìn theo dáng bà  như lảo đảo vừa tiễn khách vừa xếp những thùng mì gói choán hết nửa căn phòng, chuẩn bị cho một chuyến đi từ thiện… 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI