8 nữ lao động Việt Nam đang kêu cứu từ Ả-Rập Xê-Út

03/01/2018 - 09:49

PNO - Được các công ty môi giới lao động Việt Nam đưa sang Ả-rập xê-út giúp việc nhà, trong khi làm việc họ bị đánh đập, quỵt lương, bị bỏ đói, bệnh tật, thậm chí bị xâm hại tình dục… nên đã cầu cứu các công ty môi giới.

Nhưng sau đó, họ tiếp tục bị Văn phòng môi giới lao động Việt Nam tại Ả-rập xê-út… giam lỏng và ngược đãi. Từ Ả-rập xê-út, tám lao động nữ Việt Nam, có người đang mang thai, đã kêu cứu. 

8 nũ lao dọng Viẹt Nam dang keu cúu tù Ả-Rạp Xe-Út
Tám chị em nằm xếp lớp ở Riyadh, Ả-rập xê-út

Bị bỏ đói và bị xâm hại

Ngày 29/12/2017, bà Võ Thị Thanh Loan - ngụ số 28/12A, ấp Bàu Sim, xã Tân Thông Hội, H. Củ Chi, TP.HCM - đã tìm đến báo Phụ nữ nhờ giải cứu cho con gái mình là chị Nguyễn Thị Kiều Khanh, sinh năm 1989, đang bị giam lỏng ở Ả-rập xê-út.

Theo trình bày của bà Loan, tháng 10/2016, chị Khanh và một người bạn tên Ngô Thị Diễm, sinh năm 1984, quê An Giang, được công ty cổ phần TRAENCO (địa chỉ 46 Võ Thị Sáu, P. Thanh Nhàn, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội; văn phòng đại diện tại 175 Thành Công, Q. Tân Phú, TP.HCM) đưa đi Ả-rập xê-út lao động giúp việc nhà với mức lương 1.500 ria. Sang nước bạn, Khanh được giới thiệu vào làm việc tại một gia đình có hai vợ chồng và 7 người con. 

Làm việc cực nhọc suốt ngày đêm mà không được cho ăn đầy đủ, Khanh đuối sức và phát bệnh. Ngày 21/12/2017 vừa qua, chủ nhà đưa Khanh ra Văn phòng môi giới lao động Việt Nam tại Ả rập, nhưng văn phòng không đồng ý cho Khanh về và buộc Khanh phải đóng 120 triệu đồng bồi thường hợp đồng.

Tại đây, ngoài Khanh còn có 7 lao động nữ do các công ty môi giới lao động khác nhau ở Việt Nam đưa sang. Các cô hoặc bị bệnh, bị đánh đập, bị bỏ đói, bị quỵt lương, thậm chí bị xâm hại tình dục, nên đã cầu cứu về các công ty môi giới đưa mình đi tại Việt Nam và kết quả là bị giam lỏng tại văn phòng này.

Người của văn phòng ra điều kiện: nếu muốn về nước phải đóng tiền chuộc 120 triệu đồng; còn không thì tiếp tục phải đi giúp việc cho các gia đình khác cho đủ thời hạn hai năm.

Bà Loan cho biết, mấy tháng đầu ra nước ngoài, Khanh còn gửi tiền về cho mẹ. Từ tháng 10/2017 đến giờ, Khanh không được lãnh lương mà còn bị bắt “giam lỏng”.

Bà Loan uất ức: “Hợp đồng bắt buộc người lao động phải làm việc suốt 6 tháng đầu tiên, nếu không phải bồi thường 60 triệu đồng. Trong khi Khanh đã làm việc suốt hơn một năm, bị bệnh xin nghỉ mà vẫn bị bắt bồi thường đến 120 triệu đồng là hết sức vô lý”. 

8 nũ lao dọng Viẹt Nam dang keu cúu tù Ả-Rạp Xe-Út
 

Tương tự, khoảng một tháng nay, qua Zalo, chị Ngô Thị Diễm (giúp việc cho một gia đình khác) cũng gọi điện về cầu cứu bà Loan, rằng chị bị ông chủ cùng người con trai thay nhau xâm hại.

Bà Loan nói: “Cứ tối đến, Diễm lại gọi điện khóc với tôi, đề nghị giúp cháu trở về. Đêm 28/12, Diễm cho biết cháu lại bị xâm hại và chỉ muốn chết. Hoàn cảnh gia đình tôi cũng như nhà cháu Diễm đều rất khó khăn, không thể có tiền chuộc con gái về”.

Bị bắt làm “con tin”

Ngày 29/12, liên lạc với chị Khanh qua tin nhắn trên tài khoản facebook, chúng tôi được biết, hiện Khanh đang bị nhốt chung với 7 người khác. Trong đó có một chị tên Ngô Thị Thúy Hạnh (ở Đan Phượng, Hà Nội) bị đánh đến chảy máu mũi vì tội đăng clip trên Facebook.

Khanh gửi cho chúng tôi hình ảnh 8 chị em nằm xếp cá mòi trong căn phòng lạnh lẽo, chị Thúy Hạnh với chiếc mũi đỏ lừ, cục bông gòn trên tay vẫn còn đầy máu. Ngoài ra, các chị còn bị dọa bắt đầu từ ngày 30/12/2017 sẽ cho nhịn đói để gia đinh phải gửi tiền sang.

Thông qua những dòng tin nhắn kêu cứu, chúng tôi liên lạc với chị Mộng Yến, ở xã Suối Ngô, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, là người nhà của chị Ngọc Thanh - một trong 8 nữ lao động đang bị nhốt. Nghe tin em gái bị nhốt, chị Yến như nghẹn lời: “Hèn gì cả mười ngày nay nó không gọi về, mà tôi cũng không gọi được nó. Hai đứa con cứ khóc ngằn ngặt đòi mẹ. Tôi không biết chữ nghĩa gì, làm sao cứu em gái tôi đây?”.

Chị Thanh là mẹ đơn thân có hai con nhỏ. Vì mưu sinh, chị phải gửi hai con cho chị gái Mộng Yến để đi làm thuê. Chị đã từng hết hợp đồng hai năm ở Ả-rập xê-út trở về và lần này đi tiếp theo hợp đồng khác. Thế nhưng, lần xuất ngoại này không hề suôn sẻ. Chị bị sang tay hết chủ nhà này đến chủ nhà khác. Cuối cùng, ngày 18/12 chị Thanh bị nhốt luôn ở chỗ tập trung này.

Cũng rơi vào hoàn cảnh nên ngày 1/8/2017, chị Lưu Thị Thục, sinh năm 1974, ở Con Cuông, Nghệ An, quyết định đăng ký với Công ty TNHH một thành viên Đào tạo và cung ứng nhân lực - HaUi (LETCO), P. Minh Khai, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội sang Ả-rập xê-út giúp việc nhà. Thế nhưng, làm chưa đầy bốn tháng, thì chị đã bị chủ xịt nước vào người, bị bỏ đói. Khi chị Thục cầu cứu thì lại bị giam lỏng, đòi tiền chuộc mới cho về.

Theo lời chị Khanh, trong 8 chị đang bị giam lỏng đòi tiền chuộc có Nguyễn Thị Kiều Nhung, sinh năm 1986, quê ở Đồng Hới, Quảng Bình đang có thai. Hiện toàn bộ điện thoại của các chị đã bị tịch thu, các chị phải mượn điện thoại của một lao động Campuchia để gửi tin nhắn qua facebook kêu cứu”.

Các cơ quan chức năng ở đâu? 

Ngày 31/12, các chị bị bỏ đói. Chị Thục cho biết: “8 người mỗi ngày được cho 8 chén gạo, chúng tôi tự nấu ăn. Nhưng hôm 31/12, phải đến 16h họ mới mang gạo đến. Trời rất lạnh, cả nhóm đói run. Kiều Nhung đang có bầu cũng chịu chung số phận. Chúng tôi phản đối nên họ hứa tuần sau sẽ trả Nhung về nước. Riêng 7 người còn lại chưa biết số phận ra sao”. 

Hiện tại, cả 8 nữ lao động hoàn toàn không biết mình đang ở chỗ nào để kêu cứu tới các cơ quan chức năng…

Trước đó, vào ngày 30/1, chúng tôi đã giúp bà Thanh Loan thảo đơn gửi phát nhanh đến Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập xê-út, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục lãnh sự - Bảo hộ công dân - Bộ Ngoại giao, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ TP.HCM. Đồng thời, chúng tôi cũng đã gửi email liên lạc đến những nơi này, nhưng chỉ nhận được phản hồi từ Cục lãnh sự (!?). 

Theo hướng dẫn của chúng tôi, ngày 1/1/2018, các chị liên lạc được với ông Đoàn Kiến Trung, người trực đường dây nóng bảo hộ công dân tại Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập xê-út. Nhưng ông Trung cho biết các chị phải gửi đơn mới được giải quyết. Chị Thúy Hạnh than: “Chúng tôi bị nhốt, tịch thu hết điện thoại làm sao làm đơn kêu cứu đây?”.

Sáng 2/1, cuối cùng phóng viên báo Phụ nữ cũng liên lạc được với ông Vũ Hải Nam - Phó cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Nhưng ông Nam nói rằng lĩnh vực này ông không quản lý và đề nghị chúng tôi gặp Phó cục trưởng Đặng Sĩ Dũng. Nhưng chúng tôi không liên lạc được. 

Trong khi chờ đợi sự phản hồi của các cơ quan chức năng, chúng tôi tìm đến địa chỉ 175 Thành Công, Q. Tân Phú, TP.HCM, nhưng nơi đây đóng cửa, Công ty TRAENCO dời đi đâu không rõ. Liên lạc với công ty ở Hà Nội thì được hẹn gọi lại sau! Chúng tôi gọi cho công ty HaUi (LETCO), cũng không có người trả lời. 

Trong 8 nữ lao động đang bị giam lỏng, có thể có người vi phạm do chưa đủ thời gian lao động như thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng theo phản ánh từ các chị thì hầu hết họ đang bị bệnh tật, bị đánh đập, bị bỏ đói, bị quỵt lương, thậm chí bị xâm hại tình dục. Họ đang bơ vơ và rất cần được sự can thiệp, giúp đỡ và bảo vệ kịp thời của các cơ quan chức năng.

Chiều 2/1, bà Võ Thị Thanh Loan đến Sở Ngoại vụ TP.HCM để kêu cứu cho con gái và các bạn đồng cảnh ngộ. Tại đây, chuyên viên Phòng Lãnh sự của sở đã hướng dẫn bà làm đơn, bổ sung các giấy tờ cần thiết, tiếp nhận vụ việc và hứa sẽ hỗ trợ các gia đình kêu cứu đến Cục Lãnh sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập xê-út trong thời gian sớm nhất.

14h45 cùng ngày, chúng tôi liên lạc được với ông Lê Quang Vinh - người cùng giữ đường dây nóng bảo hộ công dân với ông Đoàn Kiến Trung tại Ả-rập xê-út để trao đổi thông tin về việc chị Khanh và các lao động nữ Việt Nam đang bị “giam lỏng” ở Riyadh thì ông này cho biết chưa tiếp nhận thông tin này(?) nên không thể trả lời gì hơn. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI