|
Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) đã xuống cấp và không thể đáp ứng nhu cầu học hành của hàng ngàn học sinh |
Năm học 2018-2019 sắp tới, tại P.Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM, sẽ có gần 1.000 học sinh (HS) từ lớp Năm lên lớp Sáu. Tại phường này, hiện có Trường THCS Nguyễn Vĩnh Nghiệp nhận 400 HS, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ nhận 350 HS, còn lại hơn 200 HS phải chuyển qua học tại Trường THCS Hà Huy Tập thuộc P.Đông Hưng Thuận.
“Học ké”, chờ xây trường
Xót xa hơn, dù “căng mình” nhận 350 HS đầu cấp, nhưng bản thân Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ năm nào cũng phải đi mượn phòng của một trường tiểu học để HS của mình “học đậu”, chờ nhà nước xây trường.
Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng Giáo dục Q.12 - cho biết, năm học qua, cả trường có 1.148 HS nhưng chỉ có 750 em được học tại 9 phòng học xiêu vẹo của trường, 398 em phải qua học tại Trường tiểu học Nguyễn Thị Định. Việc mượn 5 phòng học để cả khối Sáu (gồm 7 lớp) và 3 lớp Bảy học tại trường tiểu học đã kéo dài 3 năm nay.
Do được xây dựng từ trước năm 1975, Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ với diện tích 1.760m2 đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu dạy và học hiện thời khi số dân nhập cư ngày càng đông. “Ngoài việc chỉ được học một buổi tại trường, phòng ốc thì chật chội, cũ kỹ, HS ở đây còn không có khu vực thí nghiệm thực hành, phòng bộ môn. Tất cả phải thực hiện ngay tại lớp” - ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Minh Chánh - Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình Q.12, nắm bắt nhu cầu bức thiết này, từ năm 2008, dự án xây dựng mới trường đã được phê duyệt. Quy mô của trường mới gồm 30 phòng học, 16 phòng bộ môn và hội trường 300 chỗ ngồi, diện tích sàn xây dựng hơn 9.000m2 gồm 4 khối nhà hành chính, phòng học, thực hành và thể dục thể thao trải rộng trên diện tích đất được quy hoạch cho trường là 11.097m2.
Tất cả từ kinh phí đầu tư cho đến nguồn nhân lực của Q.12 đã sẵn sàng để ngôi trường mới được hoàn thành. Tuy nhiên, 10 năm nay, từ thầy cô cho đến HS, phụ huynh đều phải mỏi mòn chờ đợi. Theo ông Chánh, dự án đình trệ từ bấy đến nay chỉ vì vướng khu đất hơn 1ha tại số 75/4 Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, do Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM (thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế) quản lý, chưa chịu di dời.
Đề xuất “không tưởng”: đòi 10 ha đất hoán đổi
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2002, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi phần đất nói trên để giao cho UBND Q.12 xây trường học. Trước đó, khi đã hết thời hạn giao đất theo quy định, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM không còn sử dụng đất theo mục đích ban đầu, nhà đất bị bỏ hoang, trồng một số loại cây không đúng mục đích được giao.
UBND TP.HCM và Q.12 đã có nhiều văn bản gửi Viện Dược liệu, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM, khẳng định việc thu hồi khu đất là đúng quy định; trung tâm sử dụng không hiệu quả, chủ yếu cho doanh nghiệp không có chức năng liên quan sản xuất dược liệu thuê lại, phần đất còn lại trồng một số loại cây dược liệu thông thường và cho một số hộ dân sử dụng bất hợp pháp để xây nhà ở.
Năm 2012, Bộ Y tế có văn bản kiến nghị không thực hiện việc thu hồi vì đây là “vườn cây dược liệu quý”. Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM cũng không hợp tác trong việc định giá hoa màu, cây trồng để bồi thường giải phóng mặt bằng, nên dự án xây dựng và mở rộng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ vẫn cứ nằm trên giấy.
Mãi đến năm 2014, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Y tế làm việc với UBND TP.HCM để bố trí vị trí đất mới phù hợp với công tác duy trì, phát triển vườn dược liệu và thực hiện lộ trình di dời, bàn giao cơ sở nhà, đất số 75/4 Phan Văn Hớn cho TP.HCM xây trường học.
Liên quan đến việc hoán đổi đất, ngày 23/11/2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có công văn giới thiệu hai địa điểm thuộc xã Vĩnh Lộc và Phạm Văn Hai, H.Bình Chánh cho Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM. Tháng 2/2017, UBND TP.HCM tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM khẩn trương phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.HCM khảo sát thực địa các khu đất và chọn địa điểm di dời, sớm bàn giao mặt bằng số 75/4 Phan Văn Hớn để triển khai dự án mở rộng Trường THCS Nguyễn Ảnh Thủ.
Tháng 8/2017, UBND Q.12 có giấy mời Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM làm việc về vấn đề thu hồi khu đất. Tuy nhiên, trung tâm không tham dự mà gửi công văn phúc đáp kèm công văn số 1373/VDL-QTVT ngày 30/12/2016 của Viện Dược liệu gửi Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM với đề xuất “không tưởng”: đề nghị chọn một khu đất có diện tích khoảng 10ha tại Q.9 (TP.HCM) để di dời cái gọi là “Vườn bảo tồn gen và giống cây thuốc” (tức mặt bằng số 75/4 Phan Văn Hớn) - nơi mà trước đó, cơ quan chức năng đã xác định sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, làm nhà bầy hầy trên đó.
Quốc Ngọc