Xe tải nhỏ bị cấm: Lấy xe giám đốc chở... rau

13/08/2017 - 11:00

PNO - Trước thông tin để điều tiết tình hình kẹt xe hiện nay TP.HCM đang xem xét tiếp tục cấm xe tải nhỏ vào nội đô từ 6g đến sau 20g khiến nhiều doanh nghiệp như "ngồi trên lửa".

Trước đó, lệnh cấm xe tải van lưu thông vào nội đô TP vào giờ cao điểm sáng và chiều khiến nhiều doanh nghiệp xáo trộn vì thay đổi thời gian, phương thức giao hàng.

Lấy xe giám đốc chở rau

Ông Kao Siêu Lực, Giám đốc Công ty TNHH Bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery) cho biết, nỗi khổ lớn nhất của công ty hiện nay là chuyện giao hàng, bởi sau khi TP gắn biển báo cấm xe tải van (dạng xe bán tải, dưới 1.500kg) vào hai giờ cao điểm sáng từ 6g đến 8g và chiều từ 16g đến 20g, từ tháng 3/2017 đã khiến việc vận chuyển hàng hóa bị xáo trộn. 

Xe tai nho bi cam: Lay xe giam doc cho... rau
Xe tải là phương tiện vận chuyển hàng hóa cho các kênh phân phối nhỏ trong nội đô


Trước đây, công ty sử dụng xe tải nhỏ, sau đó chuyển sang bán tải nhưng mấy tháng nay phải sử dụng cả xe giám đốc, xe gắn máy để giao hàng. Vấn đề đau đầu là bánh cần được bảo quản bằng xe đông lạnh đảm bảo nhiệt độ -5 độ C mà xe giám đốc hay xe gắn máy đều không đạt yêu cầu. 

Vì vậy, theo ông Lực, thời gian qua, nhiều đơn hàng của công ty đành tạm ngưng phục vụ vì không đảm bảo thời gian giao hàng. Những hợp đồng giao hàng sáng từ 7-8g hoặc chiều từ 17g đến 20g cho các hội nghị, hội thảo đều phải hủy bỏ. 

“Thông tin  TP tiếp tục xem xét cấm ô tô tải nhỏ vào nội đô ban ngày càng khiến chúng tôi lo lắng, bởi chắc chắn hoạt động sản xuất, vận chuyển, giao nhận hàng của công ty sẽ xáo trộn. Và nếu không được dùng xe tải van chở hàng thì công ty phải đầu tư thêm phương tiện khác như ô tô con, xe gắn máy khiến chi phí sản xuất sẽ tăng, giá bánh tăng hơn, người tiêu dùng thiệt thòi hơn và đường phố thì có thêm nhiều phương tiện tham gia giao thông hơn”, ông Lực cho biết. 

Đau đầu hơn là các doanh nghiệp sản xuất rau củ quả, chịu áp lực tiêu thụ nhanh trong ngày bởi giá 1kg rau buổi sáng có thể 20.000 đồng nhưng chỉ cần "né" giờ cấm thì buổi chiều có thể "vứt" cả xe rau do không còn tươi ngon.

"Cấm xe tải nhỏ để giảm áp lực giao thông là điều cần thiết nhưng phải xét trên diện rộng, bởi xe tải nhỏ thì diện tích chiếm đường cũng như xe du lịch, nếu TP ban hành lệnh cấm thì nên cấm theo giờ và theo tải trọng phương tiện"

Ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Pan kiến nghị.

Ông Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Kỹ thuật Việt, đơn vị cung cấp rau sạch theo tiêu chuẩn Global Gap, VietGap chia sẻ: "Ngay sau khi TP cấm xe tải van lưu thông vào hai giờ cao điểm thì công ty đã mất 20% đơn hàng bởi không thể cung cấp cho các bếp ăn trường mầm non vào buổi sáng và cho các nhà hàng, khách sạn vào buổi chiều theo yêu cầu. Công ty có 3 xe tải van, mỗi xe cung cấp rau cho 7-8 khách hàng. Vì lệnh cấm, công ty phải sắm thêm 7 xe gắn máy để vận chuyển rau, thế nhưng vận chuyển bằng xe máy thì chi phí cao, số lượng ít lại không đảm bảo nhiệt độ bảo quản, ảnh hưởng uy tín của công ty. Chưa kể, xe tải chở hàng vào nội đô phải đi từ sớm, giao hàng xong lại “nằm” đâu đó chờ hết giờ cấm mới quay về trang trại lấy hàng tiếp, rất lãng phí. Chúng tôi chấp hành sự điều tiết chung của TP trước tình hình kẹt xe hiện nay, nhưng TP cần xem xét ở bình diện rộng, khách quan, công bằng bởi không chỉ xe tải nhỏ mà xe taxi, xe uber, grab, xe cá nhân… cũng chiếm phần lớn diện tích đường, gây ách tắc giao thông”. 

Cũng là đơn vị chịu nhiều xáo trộn khi phải thay đổi cách thức giao hàng, ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Pan cho rằng, đặc thù kinh tế của TP.HCM với nhiều cửa hàng, đại lý buôn bán nhỏ nằm rải rác khắp nội đô, việc phân phối hàng hóa phải sử dụng xe tải nhỏ là nhu cầu chính đáng của DN, người dân mà TP phải nhìn nhận. “Cấm xe tải nhỏ để giảm áp lực giao thông là điều cần thiết nhưng phải xét trên diện rộng, bởi xe tải nhỏ thì diện tích chiếm đường cũng như xe du lịch, nếu TP ban hành lệnh cấm thì nên cấm theo giờ và theo tải trọng phương tiện”, ông Hoàng kiến nghị. 

Nếu cấm thì phải công bằng

Xuất phát từ tình trạng ùn tắc giao thông đang báo động đỏ, tại cuộc họp sơ kết tình hình trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2017 (ngày 4-8), chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Sở GTVT phải xem xét, cấm tất cả xe tải nhỏ lưu thông vào nội đô vào ban ngày (từ 6g sáng đến sau 20g).

Xe tai nho bi cam: Lay xe giam doc cho... rau
Việc xe tải nhỏ tăng nhanh trong thời gian qua là do chủ trương siết tải trọng xe của TP đạt hiệu quả cao, nhiều DN đã đầu tư thêm xe tải nhẹ để vận chuyển hàng thay vì cố tình chở quá tải như trước. 

Cho rằng xe tải nhỏ là nguyên nhân gây kẹt xe thời gian qua, trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT ĐB- ĐS Công an TP dẫn chứng, trung bình mỗi tháng TP có thêm 30.000 phương tiện đăng ký mới, trong đó nhiều nhất là ô tô tải, tính đến nay TP đang quản lý 210.000 ô tô tải, gây cản trở lớn cho trật tự ATGT. Hầu hết những phương tiện này sau giờ cấm sáng và chiều sẽ ồ ạt đổ vào nội đô, gây ùn ứ giao thông. 

Trước yêu cầu này, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT cho rằng, nội thành TP vẫn tập trung nhiều cơ sở sản xuất nhỏ, các nhà hàng, quán ăn cần cung cấp hàng hóa thường xuyên, do đó việc cấm xe tải từ 6g đến sau 20g sẽ được sở này nghiên cứu thận trọng và giao các phòng chức năng, Khu quản lý giao thông đô thị số 1 khảo sát.

Theo ông Cường, trước mắt, việc cấm xe không làm tràn lan mà có trọng tâm, trọng điểm, áp dụng trên những trục đường chính thường xuyên ùn tắc giao thông và có khu vực phụ cận, tránh làm ảnh hưởng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của TP vào giờ cao điểm. Với những tuyến đường cấm, DN cũng cần thay đổi dần thói quen sản xuất để hạn chế ảnh hưởng theo yêu cầu phát triển của TP. 

Thay vì cấm gây ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa, kinh doanh của DN, doanh nghiệp cho rằng TP nên thu phí xe ra vào trung tâm kể cả xe gắn máy nhằm tạo sự công bằng với tất cả các phương tiện. 

Đại diện Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng, việc xe tải nhỏ tăng nhanh trong thời gian qua là do chủ trương siết tải trọng xe của TP đạt hiệu quả cao, nhiều DN đã đầu tư thêm xe tải nhẹ để vận chuyển hàng thay vì cố tình chở quá tải như trước. Do đó, nhiều DN vận tải cũng băn khoăn khi TP cho biết sẽ cấm xe tải nhỏ, nên chăng quy định cấm xe tải với tải trọng cụ thể, ví dụ từ 2.000kg trở lên, bởi xe dưới 1.500kg thì như một chiếc taxi chạy trên đường.

Thay vì cấm gây ảnh hưởng việc vận chuyển hàng hóa, kinh doanh của DN, ông Kao Siêu Lực cho rằng TP nên thu phí xe ra vào trung tâm kể cả xe gắn máy nhằm tạo sự công bằng với tất cả các phương tiện. Các nước như Malaysia, Singapore họ cũng kẹt xe kinh khủng nhưng lại không cấm mà thu phí phương tiện, vừa tạo sự công bằng, vừa dùng số tiền đó để đầu tư phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm…

Việc nghiên cứu, tìm các giải pháp để hạn chế tình trạng ách tắc giao thông cho TP là chủ trương đúng, cần thiết. Song, ai là thủ phạm gây kẹt xe,  là xe tải, taxi, ô tô cá nhân hay xe gắn máy, hay do hạ tầng giao thông không phát triển kịp nhu cầu đi lại của người dân đều cần phải xem xét, đánh giá khách quan.

Cấm như thế nào để tạo sự công bằng, đảm bảo quyền lưu thông, không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người dân, DN là cần thiết. 

Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI