Vui hay buồn khi Việt Nam đón 200 doanh nghiệp đầu tư mới?

05/07/2018 - 06:30

PNO - Ông Nguyễn Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tiếc nuối cho biết Tổng Giám đốc Samsung vừa công bố ý định đưa 200 nhà cung ứng linh kiện phụ tùng từ nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam để cung ứng cho công ty này.

"Điều này là tin vui, vừa là tin buồn" - theo ông Lộc. Bởi đúng là doanh nghiệp nước ngoài vào thêm 200 công ty sẽ góp phần cho Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Thái Nguyên và vùng lân cận, nâng cao giá trị cho nền kinh tế. Nhưng buồn là vì sao không phải là 200 công ty trong nước làm chủ công nghiệp hỗ trợ cho Samsung?

Sự kiện này lại xới lên vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ mà nhiều năm qua Việt Nam mong muốn phát triển mà vẫn đi rất chậm. Mà lý do là vì công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất chưa theo kịp của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng đằng sau của nguyên do này chính là thiếu vắng chiến lược phát triển và hỗ trợ tầm cỡ quốc gia.

Vui hay buon khi Viet Nam don 200 doanh nghiep dau tu moi?

200 doanh nghiệp nước ngoài sẽ vào Việt Nam sản xuất linh kiện cho Samsung.

Bởi vì công nghiệp hỗ trợ không thể tự nhiên có từ sự nỗ lực đơn lẻ của các doanh nghiệp mà phải nằm trong tổng thể của chuỗi cung ứng. Bài học từ Hàn Quốc cho thấy vấn đề này trong những ngành quan trọng như ô tô, tàu biển.

Theo các chuyên gia, Hàn Quốc có vị trí rất thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô vì nằm giữa Nhật Bản của công nghệ cao, giá thành cao và Trung Quốc đang phát triển, chi phí thấp. Vì vậy, một trong những ưu điểm lớn của ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc là có sự cân bằng giữa chi phí và chất lượng. Song vị trí địa lý thuận lợi này không thể mang đến thành công nếu nước này không có chuỗi cung ứng hoàn hảo.

Tại Hàn Quốc, điều có thể dễ dàng nhận ra là các nhà sản xuất ô tô gắn kết rất chặt chẽ với các nhà cung cấp thông qua những hợp đồng dài hạn. Qua đó, nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia toàn bộ quá trình phát triển một chiếc xe ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến...

Các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc có được sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà cung cấp trên cơ sở lợi ích chung, nhờ đó giảm thời gian và chi phí cho hoạt động thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật...

Nhờ mối liên kết chặt chẽ này, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc như Hyundai và Kia đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, kéo theo các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng.

Nhờ đó, họ cắt giảm được những chi phí không cần thiết, rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể và tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên, giúp các nhà sản xuất Hàn Quốc có thể giảm thời gian cho ra đời một mẫu xe mới xuống còn 3 năm, so với 5­, 6 năm tại các quốc gia phương Tây.

Nói cách khác, sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng đã giúp các hãng ô tô Hàn Quốc tiết kiệm được hàng triệu USD và giảm đáng kể những rủi ro trong quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất.

Sau khi phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước, cùng với việc dịch chuyển công nghiệp ô tô ra nước ngoài, Hàn Quốc cũng dịch chuyển công nghiệp phụ trợ đi kèm. Năm 2012, hơn 50% sản lượng của Hyundai được sản xuất bên ngoài Hàn Quốc.

Những kinh nghiệm này cho thấy việc Samsung kéo 200 doanh nghiệp phụ trợ vào Việt Nam là cách làm quen thuộc từ các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc. Mà Việt Nam không thể đơn thuần chen chân vào đó mà cần tạo dựng ra một hệ thống sản xuất và chuỗi cung ứng của riêng mình.

Nếu không thì vài doanh nghiệp nhỏ lẻ Việt Nam có cung ứng cho các tên tuổi lớn như Samsung thì cũng không hiệu quả. Mà nếu Samsung có tạo điều kiện thì cũng chỉ là cho thêm phần vui vẻ hơn là hiệu quả thực sự cho họ. Vì hệ thống cung ứng hoàn thiện, đồng bộ mới là cái họ cần và mới tạo ra sức mạnh cạnh tranh cho chính họ.

Vì vậy nỗi buồn của ông Lộc và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn kéo dài, cho tới khi người Việt Nam thực sự tìm ra cách làm như người Hàn Quốc đã từng làm thành công. Và cái cần là những hành động thực sự chứ chỉ dừng ở mức kêu gọi hay hô khẩu hiệu suông sẽ không có kết quả.

Nguyễn Anh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI