Uber 'bơ' thuế - Thuế nói, bao giờ Thuế làm?

19/12/2017 - 00:05

PNO - Chuyện Uber nợ thuế (gồm cả các khoản phạt) 66,68 tỉ đồng đã dây dưa nhiều tháng nay mà ngay chính đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng đã hơn một lần lên tiếng. Nhưng xin thưa: Thuế nói chưa thấy Thuế làm!

Việc bất đồng trong việc đóng các khoản thuế là chuyện thường tình, không phải chỉ có ở ta mà tại các nước phát triển cũng thường xảy ra. Phía doanh nghiệp không đồng tình có thể giữ nguyên quan điểm đó, khiếu nại lên cấp cao hơn hoặc kiện ra tòa, song trước hết phải tuân thủ quyết định của cơ quan thuế. Cơ quan thuế sai, tòa phán quyết doanh nghiệp không phải đóng, thì cơ quan thuế phải trả lại, thậm chí cộng cả lãi suất cho số tiền đã bị “ngâm”.

Uber 'bo' thue - Thue noi, bao gio Thue lam?
 

Thế nhưng vận trong trường hợp Uber đang nợ thuế tại Cục Thuế TP.HCM số tiền 66,68 tỉ đồng, thì thấy khác với thông lệ lắm. Thông lệ ở đây không chỉ là doanh nghiệp Việt, mà cả đối với doanh nghiệp ở các quốc gia khác. Là Uber cứ dây dưa, ngành thuế đe cứ đe, thành ra dẫn đến một tình trạng khôi hài: Thuế cứ đe nhưng Thuế không xử lí.

Lần này thì, đại diện Cục Thuế TP.HCM cho biết rằng nếu Uber cứ tiếp tục “ngoan cố” không nộp khoản tiền 66,68 tỉ đồng, thì cơ quan này sẽ thu hồi giấy phép hoạt động của Uber. Nghe thì quyết liệt đấy, đơn giản đấy nhưng thực tế thì không phải vậy. Thực tế về một chữ “sẽ” ở Việt Nam rất khó đoán định và nhiều khi vô định, vì “sẽ” nhưng chẳng biết bao giờ, vì “sẽ” nhưng chưa chắc xảy ra, vì “sẽ” cứ mãi là “sẽ” nên luật bị nhờn…

Vì sao ở các quốc gia phát triển như tại Châu Âu hay Mỹ, hầu như rất ít doanh nghiệp và cá nhân dám “giỡn mặt” với cơ quan thuế. Là bởi nếu bị phát hiện ra, thì bị phạt đến sạc nghiệp, bị trừ, bị phát mãi tất cả những tài sản đang có để hồi tố nộp thuế và nộp phạt. Thuế là “máu” của quốc gia, không có “máu” sao một cơ thể có thể hoạt động? Chính vì thế, vi phạm về thuế bị xem là một thứ trọng tội, thậm chí bị mọi người xem thường.

Vậy thì chuyện Uber “bơ” khoản thuế 66,68 tỉ đồng, Thuế nói nhiều rồi – bao giờ Thuế làm? Nếu cơ quan thuế vẫn cho rằng mình đúng, phải thực hiện, thì cần đưa ra thời hạn, các cảnh báo về những hệ lụy kèm theo gửi trực tiếp đến doanh nghiệp, nếu không chấp hành đến giờ G là xử lí nghiêm.

Càng để dây dưa, cơ quan thuế càng mất mặt mất uy, và cũng càng tạo thêm hố sâu ngăn cách về phân biệt đối xử trong trường hợp này giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vậy chốt lại là: Thuế nói, bao giờ Thuế làm?

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI