TP. HCM: 'Gác cổng' chặt để dân được ăn thịt heo sạch

20/10/2017 - 15:00

PNO - Liên tục 5 ngày qua, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã ra quân kiểm soát chặt lượng heo vào 2 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền.

Tuy nhiên, dù tỷ lệ heo có truy xuất nguồn gốc vào chợ đều tăng qua mỗi đêm nhưng vẫn còn thấp và còn nhiều bất cập vẫn chưa được tháo gỡ.

Quy định một đàng, chợ hiểu một nẻo 

Theo Sở Công thương TP, heo nhập vào chợ Bình Điền ngày 16/10 là 2.915 con, nhưng không con nào đủ thông tin truy xuất nguồn gốc (TXNG). Ngày 17/10, tỷ lệ heo có thông tin TXNG cũng chỉ là 4% - 133/3.076 con. Ngày 18/10 tăng lên được… 6% - 182/3.103 con. Số liệu này của chợ đầu mối Hóc Môn có khá hơn: lần lượt trong 3 ngày 16, 17 và 18/10 là 22%, 51% và 76%. 

TP. HCM: 'Gac cong' chat de dan duoc an thit heo sach
Tiếp tục kiểm soát heo truy xuất nguồn gốc vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn (TP.HCM).

Về con số đáng kinh ngạc: gần 3.000 con heo nhập chợ nhưng không con nào đạt TXNG trong đêm kiểm soát đầu tiên tại chợ đầu mối Bình Điền, ông Tsàn A Sìn - Phó giám đốc chợ, cho rằng: “Số liệu Sở Công thương công bố không đúng với số liệu của ban quản lý chợ.

Ngày đầu tiên, tổ đề án triển khai nếu heo đeo vòng trắng và vòng vàng, có đủ thông tin của cơ sở giết mổ và thú y là đạt yêu cầu nhập chợ. Căn cứ vào đó thì ngày 16 và 17/10, tỷ lệ heo TXNG đạt 36,1% (tương ứng với 1.110 con) và ngày 18/10 là 27,7% (tương ứng với 943 con)". 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP khẳng định, quy trình TXNG heo phải đủ 5 thông tin, trong đó có 2 thông tin của trang trại và thú y tỉnh. Riêng cơ sở giết mổ phải có đủ 3 thông tin: 1 - Cán bộ thú y kích hoạt cho phép nhập heo hơi vào lò mổ. 2 - Sau khi giết mổ, chủ lò phải kích hoạt vào từng mảnh heo. 3 - Thú y kích hoạt, niêm phong xe chở thịt heo đã mổ ra khỏi cơ sở giết mổ đưa vào chợ đầu mối. 

Thực tế tại chợ Bình Điền, heo chỉ có thông tin của cơ sở giết mổ và thú y là chưa đạt yêu cầu. Ông Sìn đề nghị Sở Công thương phải thống nhất rõ ràng các quy định để tránh tình trạng thiếu nhất quán như vừa xảy ra.

TP. HCM: 'Gac cong' chat de dan duoc an thit heo sach
 

Về con số chênh lệch giữa hai chợ, ông Sìn lý giải, hầu hết heo về chợ Bình Điền là từ các tỉnh miền Tây, khu vực chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, không được tập huấn, không đầy đủ thông tin và không có kỹ năng sử dụng phần mềm, không có chi phí cho thiết bị đi kèm; thương lái lại phải gom heo lẻ, mỗi lần giết mổ chỉ vài con… rất khó thực hiện TXNG như những trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở các tỉnh miền Đông, nguồn cung cấp chủ yếu cho chợ Hóc Môn.

Sự khác biệt này còn dẫn đến tình trạng một số thương lái lấy vòng kích hoạt heo ở miền Đông Nam bộ đem sang miền Tây để gom heo nhỏ lẻ đưa vào lò giết mổ. 

Kiên quyết “gác” chặt cổng!

Ông Sìn dẫn chứng: “Theo chủ lò Đông Á, bình thường họ giết mổ cả ngàn con heo/đêm, nhưng nếu làm đủ quy trình TXNG thì tiến độ rất chậm, chỉ mổ tối đa khoảng 300 con/đêm. Ông đề nghị Hội Công nghệ cao nên trực tiếp đến lò mổ để hướng dẫn kích hoạt TXNG và dành thêm thời gian cho họ làm quen với  thao tác thực hiện. Hội cũng cần hướng dẫn các thương lái, hỗ trợ thêm cho các lò mổ… ở các tỉnh miền Tây để sớm thực hiện đúng chủ trương chung của TP”.

Nhằm giải quyết những bất cập hiện nay, chị N., thương nhân chợ đầu mối Hóc Môn, cho rằng: “Việc TXNG heo phải được thực hiện đồng bộ giữa các tiểu thương, sạp chợ đầu mối thì mới tạo được sự công bằng trong các thương nhân, tránh tình trạng khó cạnh tranh buôn bán, khiến tiểu thương ngần ngại chưa tham gia đề án”. n

Trong tình trạng khó khăn vì phần mềm TXNG không tương thích với hệ điều hành của điện thoại, anh T., một thương lái ở Bến Tre còn cho biết, người chăn nuôi nhỏ lẻ phải nộp thuế, phí môi trường cả triệu đồng để địa phương cấp giấy mới được mua vòng TXNG và rất khó mua vòng với số lượng ít.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI