Tăng giá đến tận trên trời - coi chừng lợi bất cập hại!

11/12/2017 - 14:00

PNO - Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất tăng giá nhượng quyền khai thác cung cấp suất ăn hàng không từ 75.000 đồng lên 100.000 đồng cho mỗi chuyến bay.

Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất tăng giá nhượng quyền khai thác cung cấp suất ăn hàng không từ 75.000 đồng lên 100.000 đồng cho mỗi chuyến bay. Một loạt dịch vụ khác cũng được đề nghị tăng như cung cấp xăng dầu hàng không - tăng từ 1,2 USD/tấn lên 1,5 USD/tấn; nhà ga hành khách quốc tế - tăng từ 3,5-7%; nhà ga và kho hàng hóa - tăng từ 1,5-2%...

Nghĩa là tăng giá một cách... đồng bộ! Việc tăng giá này rõ ràng là sẽ đẩy giá thành vận chuyển hàng không lên, làm giảm sức cạnh tranh và làm khó doanh nghiệp; trong khi hành khách chỉ còn biết than thở: “Đúng là giá… trên trời!”.

Tang gia den tan tren troi - coi chung loi bat cap hai!
Theo quy luật kinh doanh, tăng phí phải đi kèm với việc tăng chất lượng, tăng cả thái độ phục vụ vì “tiền nào của nấy”.

Dự thảo không nêu việc tăng giá suất ăn dựa trên những cơ sở nào, tăng giá thì chất lượng bữa ăn và thái độ phục vụ có được cải thiện không? Suất ăn tăng từ 75.000 đồng lên 100.000 đồng, tính ra là tăng thêm đến 32%, chưa tính thuế VAT. Có thể nói, đây là một mức tăng đột biến, đáng lo ngại. 

Dưới đất, các trạm thu phí BOT bủa vây như “thập diện mai phục”. Đi xe gắn máy thì cõng phí xăng dầu cũng đã tăng. Ở nhà thì điện, nước rủ nhau tăng. Giờ, lên tận… trời cũng bị tăng giá. Chỉ có lương là kiên quyết cố thủ, không tăng.

Theo quy luật kinh doanh, tăng phí phải đi kèm với việc tăng chất lượng, tăng cả thái độ phục vụ vì “tiền nào của nấy”; còn việc tăng giá vô lối là thể hiện thái độ coi thường khách hàng và dư luận.

Những kiểu tăng chỉ để… tăng, để có thêm nguồn thu sẽ làm mất đi nhiều thứ, quan trọng nhất là người dân và doanh nghiệp mất niềm tin vào các cấp quản lý, dẫn đến những hệ quả xã hội khôn lường. Gần như chưa hề có quốc gia nào có kiểu tăng giá “khủng” và đồng bộ như vậy.

Du khách Việt Nam ngày càng có xu hướng đổ xô ra nước ngoài, mang ngoại tệ giúp nước bạn làm giàu vì tour nước ngoài rẻ, chất lượng hơn tour trong nước. Giá tour Thái Lan hiện đã rẻ hơn tour Phú Quốc, Côn Đảo. Giá tour liên tuyến Singapore - Malaysia rẻ hơn tour miền Trung. Tour Đài Loan, tour Myanmar rẻ hơn tour miền Bắc. Các tour đi Nhật Bản, Dubai và Mỹ… cũng đang liên tục giảm giá.

Trong bối cảnh đó, vì sao giá tour tại Việt Nam vẫn cao? Câu trả lời đã rõ: giảm giá thế nào được giữa trận đồ bát quái “mạnh ai nấy tăng giá” hiện nay! 

Hiện với giá suất ăn đang áp dụng, khách đi máy bay cũng đã đắn đo tính toán. Suất ăn lót lòng trên máy bay nội địa của Vietjet là 50.000 đồng, chai nước suối 500ml là 20.000 đồng; suất ăn đường bay quốc tế là 5 USD. Giá đó đã bị…chê tơi tả là quá đắt.

Sau mấy lần cố… ăn, nhiều công ty lữ hành và du khách đã chọn phương án mua cơm hộp, thức ăn đem vào sân bay hoặc mang lên máy bay để ăn. Cách này có vẻ ổn vì vừa ngon miệng lại vừa kinh tế hơn. Sắp tới, nếu dự thảo tăng giá được thông qua, giá bán thức ăn đến tay khách hàng càng đắt đỏ hơn thì chỉ càng khuyến khích khách hàng tự mang thức ăn theo.

Đến lúc đó, chắc phải có thêm quy định cấm tất cả hành khách mang đồ ăn bên ngoài vào sân bay! Cấm thẳng tay là yên tâm tăng giá bao nhiêu khách cũng phải mua vì “không còn sự lựa chọn nào khác”.

Có lẽ những người làm chính sách đã bỏ qua một thực tế là có khi chỉ vì một sự khó chịu nhỏ do giá suất ăn tăng bất hợp lý, khách hàng có thể lựa chọn đường bay khác để thoải mái hơn. Những việc tưởng chừng nhỏ nhặt cũng có thể là hệ quả của chiến lược kinh doanh và phát triển của từng đất nước. 

Tăng giá như dự thảo, e rằng “lợi bất cập hại”. Người tiêu dùng thì băn khoăn với câu hỏi tăng giá liệu có kèm theo gia tăng lợi ích cho họ? Còn với giới làm ăn, điều cốt lõi là việc tăng giá này có quán triệt quan điểm “khoan sức dân” trong đó có sức của doanh nghiệp, lời khuyên từ trên giường bệnh của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn với vua nhà Trần, cũng là tinh thần chủ đạo mà Bộ Tài chính muốn thực hiện? 

Nguyễn Văn Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI