Sữa trái cây là sữa hay nước giải khát?

30/10/2017 - 11:00

PNO - Mới đây, thị trường thức uống đang nở rộ sản phẩm sữa trái cây với cả chục thương thiệu trong và ngoài nước.

Nhiều bà mẹ cũng đua nhau mua cho bé uống thay sữa nhằm đổi mới khẩu vị cho đỡ ngán. Thực sự, sữa trái cây có thể thay sữa như các bà mẹ mong đợi?   

Quảng cáo sản phẩm “không chỉ là sữa…”

Sữa trái cây có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng, tạp hóa. Giá bán khoảng 6.500 - 21.000 đồng/hộp 180ml. Mức giá này xấp xỉ một hộp sữa nước. Nhiều loại trong số này được đóng gói thành hộp và có bao bì cũng na ná như sản phẩm sữa nước.

Sua trai cay la sua hay nuoc giai khat?
Sữa trái cây có mặt ở hầu hết các siêu thị, cửa hàng, tạp hóa.

Thêm vào đó, các đoạn phim quảng cáo trên ti vi với lời rao rất hấp dẫn, công dụng có vẻ như sữa mà hương vị còn có thêm  phần độc đáo. Nhãn hiệu L.K. có đoạn phim với hình ảnh chú bò sữa và các bé mắt tròn xoe đang  “ngất ngây” thưởng thức cùng lời bình “với thành phần sữa và nước ép chanh dây, táo, dưa hấu… không chỉ thơm ngon cực kỳ mà còn chứa vitamin A giúp sáng mắt, vitamin nhóm B giúp ăn ngon và vitamin D giúp bé cao lớn, khỏe mạnh…”.  

Tương tự, nhãn hiệu V. cũng quảng cáo “kết hợp hài hòa của trái cây: thật và sữa thật. Giàu vitamin và các dưỡng chất cần thiết với năm loại trái cây táo, ổi, kiwi, dưa lưới, nho”.

Hay  hiệu N. với quảng cáo “Không chỉ là sữa… còn mang lại cảm giác thơm ngon của trái cây giúp bổ sung can-xi cho hệ xương khớp chắc khỏe. Các vitamin từ trái cây được bổ sung vào thức uống giúp bảo vệ cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ đôi mắt...”. 

Những hình thức đó, cùng với tên gọi là sữa trái cây, nhiều người nghĩ rằng, đây là một trong các sản phẩm sữa nên chọn mua cho trẻ uống mà không phân biệt sữa trái cây khác sữa tươi, sữa nước, sữa bột như thế nào. 

Đừng nhầm lẫn với sữa!

Điều đáng nói là căn cứ vào thành phần thông tin cụ thể trên nhãn thì đây chỉ là một thức uống giải khát, không phải sữa như nhiều người vẫn nghĩ. Trong sữa trái cây, tỷ lệ sữa rất ít, thậm chí thành phần trái cây cũng rất khiêm tốn.

Đặc biệt, nhiều nhà sản xuất còn lập lờ, không thông tin cụ thể các hàm lượng này trên bao bì mà chỉ gộp chung: nước, đường, sữa (15%); nước trái cây (10%);  thậm chí, có loại hàm lượng sữa rất ít mà còn là bột sữa chứ không phải là sữa tươi.

Với cùng dung tích 180ml, một hộp sữa trái cây chỉ cung cấp 51,1 Kcal và 0,5g chất đạm, 0,2g chất béo; trong khi đó một hộp sữa tiệt trùng cung cấp 75,9 Kcal; 3,1g chất đạm; 3,5g chất béo. 

Vì vậy, người tiêu dùng chỉ nên xem sữa trái cây là thức uống giải khát thông thường, không nên dùng thay thế sữa vì sẽ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng cho trẻ. 

Thiết nghĩ, nhà sản xuất cũng không nên lập lờ trong quảng cáo gây nhầm lẫn cho người mua. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI