Phương án đeo vòng truy xuất nguồn gốc heo: Phá sản!

20/10/2017 - 13:06

PNO - Heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc theo đề án do Sở Công thương TP.HCM đề xuất có bảo đảm an toàn hay không, mà lại cấm heo không có vòng vào chợ? Câu hỏi quan trọng này đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng.

Heo đeo vòng truy xuất nguồn gốc theo đề án do Sở Công thương TP.HCM đề xuất có bảo đảm an toàn hay không, mà lại cấm heo không có vòng vào chợ? Câu hỏi quan trọng này đến nay vẫn chưa có câu trả lời xác đáng. Đặc biệt là, trong hàng nghìn con heo bị tiêm thuốc an thần vừa phát hiện, có “cả đống” heo đeo vòng.

Trong khi dư luận chưa nguôi ngoai vì còn khá nhiều vấn đề bức xúc từ vụ việc phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM), thì mới đây, lại ồn ào chuyện cấm cửa heo không đeo vòng vào chợ đầu mối.

Cụ thể, rạng sáng 16/10, tại chợ Bình Điền, sau khi tập trung hàng trăm con heo không có vòng truy xuất nguồn gốc, các thương lái đã lớn tiếng phản đối, yêu cầu được nhập chợ. 

Phuong an deo vong truy xuat nguon goc heo: Pha san!
Heo được đeo vòng có đảm bảo được chất lượng thịt?

Lệnh cấm đã mất hiệu lực, khi đích thân “kiến trúc sư trưởng” của đề án đeo vòng cho heo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - phải xuất hiện và xả lệnh cho heo không vòng vào chợ.

Heo đeo vòng bảo đảm an toàn?

Như chúng tôi đã từng đề cập trong bài Rồi cũng dẫm chân nhau như kiểu “quản lý bánh bao” đăng trên Báo Phụ Nữ ngày 31/7, việc TP.HCM triển khai đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” theo đề xuất của Sở Công thương không được nhiều người ủng hộ bởi quá nặng hình thức, không thực chất, chưa đúng quy định pháp luật và triệt tiêu tính thị trường.

Khởi động từ tháng 12 năm ngoái, đến nay đã bốn lần đề án này phải lùi thời hạn cấm heo không vòng vào chợ. Đầu tiên là ngày 30/4, lùi qua ngày 31/5, dời đến ngày 31/7 và vừa rồi là ngày 16/10.

Việc TP.HCM triển khai đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo” theo đề xuất của Sở Công thương không được nhiều người ủng hộ bởi quá nặng hình thức, không thực chất, chưa đúng quy định pháp luật và triệt tiêu tính thị trường.

Trước tiên, cái xuyên suốt của đề án là “tất cả nguồn thịt heo đưa vào chợ đầu mối phải có vòng nhận diện với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc của tất cả chủ thể liên quan”.

Tuy nhiên, ngay trong sáng chợ đầu mối Bình Điền “thất thủ” mà chúng tôi đề cập ở đầu bài, tại chợ đầu mối Hóc Môn, cán bộ Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM được giao nhiệm vụ soi vòng, phát hiện nhiều heo có đeo vòng, nhưng khi truy xuất lại không hề có thông tin.

Trên thực tế, việc đeo vòng cho heo để truy xuất nguồn gốc còn tồn tại nhiều điều bất hợp lý nữa. Thông tin trên vòng chỉ cung cấp nguồn gốc con heo nuôi ở đâu.

Thế nhưng, điều mà người dân quan tâm là trong suốt quá trình nuôi, rồi tới tay người tiêu dùng, nó có bảo đảm an toàn không? Vấn đề nguồn gốc nói lên được điều gì trong khi vấn đề quan trọng là giám sát được toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm?

Bởi đặc thù, khi ăn vào, trừ khi gây ngộ độc cấp tính, lúc đó truy xuất nguồn gốc cũng chỉ giải quyết được việc xử phạt, tính ngăn ngừa gần như số không. Trong khi đa số chất độc hại tích tụ trong cơ thể, tức xảy ra ngộ độc mãn tính, vậy về lâu dài thì truy nguồn gốc lúc này phát huy được gì?

Ban đầu, lực lượng thú y được giao nhiệm vụ thực hiện việc đeo vòng từ khi heo xuất chuồng, nhưng hiện nay, thương lái có thể tự mua, tự đeo vòng. Bởi thế, có thể thấy “hiệu quả” của đề án qua “vụ Xuyên Á”, trong 3.750 con heo tiêm thuốc an thần bị phát hiện trước khi giết mổ tại cơ sở này, có không ít heo đã đeo vòng.

Điều mà người dân quan tâm là trong suốt quá trình nuôi, rồi tới tay người tiêu dùng, nó có bảo đảm an toàn không?

Vấn đề nguồn gốc nói lên được điều gì trong khi vấn đề quan trọng là giám sát được toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm? 

Ngoài ra, Luật Thú y chỉ quy định phải truy xuất nguồn gốc thịt trong lưu thông phân phối, không buộc phải truy xuất bằng cái vòng (cách làm cổ điển xưa nay là giấy kiểm dịch). Đề án cũng ghi rõ, người dân tham gia trên cơ sở tự nguyện, vậy tại sao lại ép bằng những mệnh lệnh hành chính?

Trong tình huống hỗn loạn tại chợ Bình Điền rạng sáng 16/10, có chủ heo đề nghị nếu không cho thịt vô chợ thì phải lập biên bản ký tên rõ ràng. Thế nhưng, không lực lượng chức năng nào, từ Ban quản lý An toàn thực phẩm đến ban quản lý chợ, dám lập biên bản.

Đến đây, câu hỏi heo đeo vòng liệu có an toàn hay không, cũng đã phần nào tỏ tường. 

Nỗi lo cùng sự kinh hãi lò mổ Xuyên Á

Gửi đơn đến Báo Phụ Nữ, một thương lái cho rằng việc xử phạt 35 triệu đồng và ngưng hoạt động 21 ngày để tiêu độc khử trùng dịch bệnh lở mồm long móng đối với cơ sở giết mổ Xuyên Á là quá nhẹ tay.

Ngày 15/10, tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Hóc Môn của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thông báo, cơ sở giết mổ này cung cấp đến 50% lượng thịt heo cho thành phố (5.000-7.000 con/ngày) sẽ hoạt động lại vào ngày 26/10 tới.

Thương lái nêu trên cho biết, bất kỳ lò mổ thủ công nào bị đóng cửa, thì lò An Hạ (nay đổi tên là cơ sở giết mổ Xuyên Á) đều “gom” về hết (?). Từ mảnh đất ruộng, chủ cơ sở này cho thi công trong vòng chưa đến một tháng đã đưa “dây chuyền giết mổ” vào hoạt động. Thực chất là cho thuê lò. Thương lái đăng ký nộp tiền trước cho chủ từ 200 đến 400 triệu đồng/lò. Chỉ riêng thu nhập từ hoạt động cho thuê lò, chủ cơ sở có thể thu hơn 240 triệu đồng/đêm, khoảng hơn 7,2 tỷ đồng/tháng.

Trong khi đó, thương lái thuê lò giết mổ vi phạm tiêm thuốc an thần vào heo thì bị phạt và đình chỉ hoạt động 3-6 tháng, nhân viên thú y bị xử lý, cơ sở Xuyên Á lại sắp sửa hoạt động.

Cùng trong tâm trạng lo lắng sự “tái xuất” này, Bệnh viện đa khoa Xuyên Á - nằm giáp ranh với cơ sở giết mổ Xuyên Á - đã có đơn kiến nghị gửi UBND TP.HCM về việc xử lý các yếu tố ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi cho phép cơ sở hoạt động trở lại.

Theo bệnh viện, từ nhiều năm qua, họ phải chịu đựng hệ quả gây ra từ cơ sở Xuyên Á như mùi hôi nồng nặc, tiếng thét inh ỏi lúc nửa đêm khi heo bị giết, tình trạng côn trùng, ruồi, nhặng, muỗi xuất hiện rất nhiều… ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh trong quá trình khám và điều trị tại bệnh viện.

Qua cơ quan chức năng, bệnh viện được biết cơ sở Xuyên Á chưa đạt tiêu chuẩn lò giết mổ tập trung hiện đại, song thời gian qua vẫn được tạm cho phép hoạt động. Tuy nhiên, việc "tạm" này đã kéo dài rất lâu.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân và cho hơn 3.500 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Xuyên Á mỗi ngày, bệnh viện kiến nghị trước khi cho phép cơ sở giết mổ Xuyên Á hoạt động trở lại, cơ quan chức năng cần yêu cầu các điều kiện tối thiểu mà các cơ sở giết mổ phải đáp ứng.

Kiểm tra yếu tố vệ sinh môi trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân trong khu vực, người bệnh điều trị tại bệnh viện và cả công nhân đang làm việc tại cơ sở giết mổ. 

Khẩn trương lập cơ sở pháp lý cho việc truy xuất
Ngày 19/10, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã có công văn khẩn chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động chăn nuôi, kinh doanh heo và thịt heo. 

Ông Tuyến yêu cầu khẩn trương thực hiện quản lý chất lượng, nguồn gốc thịt heo, các giải pháp kỹ thuật trong truy xuất nguồn gốc thịt heo tại các chợ đầu mối, theo đề án của Sở Công thương.

Đặc biệt, ông chỉ đạo Sở Công thương phối hợp với Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan trình UBND thành phố ban hành “Nội quy mẫu chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM” theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Việc này nhằm làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện quản lý chất lượng, nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung, thịt heo nói riêng, và việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với các chợ đầu mối.


Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI