Phí chồng phí hay câu chuyện ‘con gì nuôi lớn chẳng bị làm thịt’

03/03/2018 - 13:23

PNO - Việc Vietcombank thu phí một số dịch vụ từ ngày 1/3/2018 đã làm “nổi sóng” cộng đồng mạng mấy ngày qua. Thậm chí nhiều Facebooker còn “hô hào” tẩy chay dịch vụ và thôi sử dụng tài khoản Vietcombank.

Trên thực tế, không phải tới ngày 1/3/2018 Vietcombank mới áp dụng thu phí đối với một số dịch vụ.

Còn nhớ từ ngày 8/3/2017, ngân hàng này đã áp dụng thu phí duy trì dịch vụ VCB-Mobile B@nking là 11.000 đồng/tháng/số điện thoại. Khi đó, Vietcombank vẫn còn miễn phí chuyển khoản trong hệ thống nhà băng này, nhưng chuyển khoản ngoài hệ thống thu mức phí 11.000 đồng/giao dịch.

Phi chong phi hay cau chuyen ‘con gi nuoi lon chang bi lam thit’
Việc Vietcombank thu phí một số dịch vụ từ ngày 1/3/2018 đã làm “nổi sóng” cộng đồng mạng mấy ngày qua. 

Tuy nhiên từ ngày 1/3/2018, Vietcombank tiếp tục áp dụng thu phí đối với một số dịch vụ. Cụ thể, phí chuyển khoản trong hệ thống Vietcombank mức dưới 50 triệu đồng sẽ là 2.200 đồng/giao dịch đối với dịch vụ VCB-iB@nking và VCB-Mobile B@nking thay vì miễn phí như trước đây. Riêng đối với dịch vụ VCB-iB@nking, bắt đầu phải trả phí duy trì dịch vụ 11.000 đồng/tháng như dịch vụ VCB-Mobile B@nking, chứ không còn được miễn phí nữa.

Vấn đề đặt ra: thay vì trước đây, các nhà băng nói chung và Vietcombank nói riêng luôn cho rằng khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến và được hoàn toàn miễn phí.

Nhưng đến khi người dùng nhiều lên, đã quen sử dụng, thời điểm chín muồi đã đến, thì Vietcombank dần dà triển khai thu phí lần lượt hết dịch vụ này đến dịch vụ kia và cắt các ưu đãi.

Người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Vietcombank hiện nay, từ ngày 1/3/2018 phải chịu cảm giác “một cổ hai tròng”, phí chồng phí.

Tất nhiên lúc này, người dùng vẫn còn có nhiều chọn lựa là không ít nhà băng khác còn đang miễn phí nhiều dịch vụ ngân hàng trực tuyến. Song thói quen cố hữu của người dùng là ngại chuyển đổi, một phần còn vì đang ngậm bực bội bởi việc tăng phí của Vietcombank.

Phi chong phi hay cau chuyen ‘con gi nuoi lon chang bi lam thit’
Người dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến của Vietcombank hiện nay, từ ngày 1/3/2018 bắt đầu phải chịu cảm giác “một cổ hai tròng”, phí chồng phí. 

Trên thực tế, các dịch vụ online tại Việt Nam hiện nay mà người dùng phải mở tài khoản (như tài khoản ngân hàng, tài khoản dịch vụ viễn thông, di động, thương mại điện tử…) thì hầu như đang miễn phí.

Chính vì thế, việc Vietcombank đồng loạt thu phí duy trì dịch vụ đối với các tài khoản/số điện thoại của các dịch vụ VCB-iB@nking, VCB-Mobile B@nking và Mobile BankPlus mới khiến không ít người dùng bức xúc. Họ có cảm giác Vietcombank đang tận thu đến mức có thể trong một thị trường mà các dịch vụ trực tuyến còn rộng mở sự miễn phí.

Tình trạng phí chồng phí của dịch vụ ngân hàng trực tuyến tại Vietcombank đã quá rõ!

Nhưng cũng rất rõ rồi câu chuyện mà người ta hay đề cập bằng câu cửa miệng: “Con gì nuôi lớn mà chẳng bị làm thịt”. Và “con” đó, mang một danh xưng đầy quyền uy: “thượng đế”.

Khi đã có đông và đủ lượng người dùng dịch vụ trực tuyến của ngân hàng, ngân hàng bắt đầu dần tính toán “làm thịt” các “thượng đế”.

Đừng nghĩ rằng chỉ có Vietcombank hay rồi sẽ thêm một, hai ngân hàng lớn cũng “làm thịt thượng đế”, mà hầu hết các ngân hàng, đều nghĩ về điều này. Vấn đề là thời điểm chín muồi, sớm hay muộn, và mức thu là bao nhiêu. Mức thu 11.000 đồng/tháng duy trì dịch vụ trực tuyến mà Vietcombank vừa áp dụng, đang bị phàn nàn là cao.

Nhưng nói đi phải nói lại, nếu ngân hàng này không “làm thịt thượng đế” ở mức cao, thì làm sao mang đến một khoản tổng lợi nhuận “khủng” như năm 2017 vừa qua, là trên 10.000 tỉ đồng?

Người tiêu dùng luôn được cho là “thượng đế”. Nhưng, theo thời gian, các “thượng đế” rồi cũng bị “làm thịt” mà thôi, dù theo cách nào đó.

Thụy Du   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI