Nỗi lo thép chọc thủng túi bà nội trợ

24/05/2018 - 06:56

PNO - Hai tháng trước, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản của đồng USD lần đầu trong năm 2018. Ở thời điểm đó, chúng tôi đã dự báo đây là dấu hiệu cảnh báo về chiến tranh thương mại đã rình rập.

Quả nhiên, Mỹ đã tung đòn về phía Trung Quốc và một số nước khác, qua nhóm mặt hàng nhôm - thép.

Bộ Thương mại Mỹ đã thủ sẵn trong tay áo con bài tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Trên khía cạnh danh nghĩa, giới chức thương mại Mỹ sẽ thực thi sắc lệnh của tổng thống để điều tra xem việc nhập khẩu thép có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ hay không.

Nếu câu trả lời là có, tổng thống Mỹ có thể ban hành lệnh cấm nhập khẩu. Nhưng trên thực tế, động cơ dẫn đến cấm nhập khẩu nhôm - thép là để bảo hộ sản xuất thép - nhôm của các doanh nghiệp Mỹ. Khi chưa đến lúc phải ra lệnh cấm, thì trước mắt, Mỹ sẽ áp đặt tăng thuế nhập khẩu. 

Trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ gánh chịu hậu quả của việc tăng thuế nhập khẩu nhôm - thép từ Mỹ có Việt Nam. Nhưng tại sao lại có Việt Nam? Từ cuối năm 2016, khi Mỹ áp thuế chống phá giá với sản phẩm thép Trung Quốc, lượng thép mà Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam tăng nhanh. 

Noi lo thep choc thung tui ba noi tro
Mất thị trường Mỹ, thép Việt sẽ quay về cạnh tranh ở khu vực ASEAN, nơi đang chiếm xấp xỉ 60% giá trị thép xuất khẩu.

Các nhà sản xuất thép của Mỹ phán đoán ngay rằng, doanh nghiệp thép Trung Quốc vốn lắm chiêu đã mượn đường xuất khẩu qua Việt Nam để được hưởng thuế suất thấp. Cơ quan chống gian lận của Ủy ban châu Âu cũng từng phát hiện thép Trung Quốc vận chuyển qua Việt Nam và nhập vào châu Âu với nhãn ghi “made in Vietnam” để tránh mức thuế cao. 

Nói một cách dễ hiểu, doanh nghiệp Trung Quốc đã mượn danh doanh nghiệp Việt để xuất khẩu giùm nhằm trốn thuế. Chính phủ Mỹ chặn việc nhập khẩu, để bảo hộ cho doanh nghiệp Mỹ. Để chặn có hiệu quả, họ sẽ bới ra đường đi của hàng nhập, để chặn cả gốc và rễ “mọc đường vòng”. Việc ngăn chặn thép Trung Quốc sẽ làm “cháy thành vạ lây” doanh nghiệp Việt Nam. 

Hiệp hội thép Việt Nam từng gửi văn bản đến Bộ Thương mại Mỹ để giải trình rằng, doanh nghiệp thép Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để làm thép cuộn cán nóng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho dây chuyền sản xuất thép cán nguội và tôn mạ, đáp ứng yêu cầu của thị trường Mỹ. 

Thép xuất khẩu của Việt Nam là mặt hàng có kim ngạch hàng tỷ đô la. Một số chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ chặn thép Việt Nam, dù có gặp khó khăn, doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn không đến mức ngạt thở. Lý do là thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 11% tổng giá trị các mặt hàng sắt thép xuất khẩu của Việt Nam.

Mất thị trường Mỹ, thép Việt sẽ quay về cạnh tranh ở khu vực ASEAN, nơi đang chiếm xấp xỉ 60% giá trị thép xuất khẩu. Tất nhiên, đó là cách nói cứng, chứ mất một thị trường lớn như Mỹ thì vấn đề trở nên phức tạp. 

Để hiểu rõ chuyện thép, có thể nói thêm chuyện thủy sản. Cuối năm 2017, Ủy ban châu Âu EU đã cảnh cáo thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam. Nguyên nhân của “thẻ vàng” này là các nước châu Âu đã phát hiện trong nhiều lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, có hàng hóa do khai thác, đánh bắt trái phép từ ngư trường nước khác.

Trong sáu tháng qua, để mong gỡ bỏ “thẻ vàng”, các giới chức Việt Nam đã phải làm rất nhiều việc để ngăn chặn tàu cá trong nước đi “đánh bắt xa bờ” tận các quốc đảo ở Thái Bình Dương. Nếu thẻ vàng vẫn còn ở đó, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ rất khó khăn. 

Rõ ràng là có những yếu kém trong việc quản lý Nhà nước, nhất là về tính tiên liệu, trong việc ngăn chặn tình trạng sử dụng nguyên liệu hàng hóa trái phép hoặc lập lờ về nguồn gốc.

Nhưng cái khó gỡ nhất hiện tại nằm ở hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu. Khi gia nhập cuộc chơi ở thị trường quốc tế, doanh nghiệp vì tham cái lợi ngắn hạn, cố tình chơi xấu, phạm luật sẽ bị cảnh cáo thẻ vàng, tệ hơn nữa là thẻ đỏ. Sự đình đốn thị trường sẽ tạo nên những hệ lụy lâu dài.

Một câu hỏi sát sườn: vậy chuyện minh bạch, sòng phẳng của xuất khẩu nhôm, thép hay thủy sản có liên quan gì đến góc bếp của bà nội trợ? Đừng nghĩ là những chuyện đó không liên quan. Khi thị trường xuất khẩu một mặt hàng quan trọng bị đình trệ, nguồn thu thuế xuất khẩu sẽ giảm. Để cân đối ngân sách, các khoản thu khác từ thuế nội địa sẽ tăng lên.

Việc Bộ Tài chính tìm mọi cách để áp thuế bảo vệ môi trường ở mức kịch khung lên xăng dầu là một ví dụ. Xuất khẩu thép không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất thép. Sẽ không quá lời nếu nói rằng, những thanh thép không xuất khẩu được sang bên kia đại dương sẽ góp phần chọc thủng túi những người đứng nấu cơm trong bếp. 

Vũ Bách

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI