Nở rộ ngân hàng, công ty tài chính 'ma'

18/06/2018 - 16:00

PNO - Tín dụng tự phát hiện đang rộ như nấm sau mưa, tự phong là “ngân hàng”, “công ty tài chính”. Không ít người mất tiền oan từ các điểm tín dụng tự phát này.

Địa chỉ “sang” nhưng chỉ giao dịch bên ngoài

Tại các ngã tư đường ở TP.HCM, gần đây xuất hiện các nhóm người đứng phát tờ rơi giới thiệu về ngân hàng An Tâm Bank. 

Gói vay được giới thiệu trên tờ rơi rất “thoáng”: không thẩm định tài sản, không gọi người thân, không thế chấp, không cần bảng lương, không bảo lãnh, không giữ giấy tờ; lãi suất thấp, giải ngân trong ngày, thanh toán mọi nơi, duyệt hồ sơ qua điện thoại, bảo mật tuyệt đối… 

Đặc biệt, người đang bị nợ xấu vẫn được vay. Mức vay tối thiểu là 5 triệu đồng, tối đa 1 tỷ đồng với lãi suất 10 - 25%/năm.

No ro ngan hang, cong ty tai chinh 'ma'
Nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh ngân hàng, công ty tài chính để lừa người tiêu dùng.

Theo quảng cáo, An Tâm Bank có địa chỉ tại tầng trệt số 144 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM. Khi chúng tôi liên hệ vào số điện thoại 0981 0621xx in trên tờ quảng cáo, một thanh niên tư vấn, nếu chúng tôi chấp nhận vay thì cứ nhắn tin địa chỉ nơi ở, sẽ có người đến làm hồ sơ, giải ngân trong ngày. Nếu người vay không hỏi kỹ về lãi suất, chắc chắn sẽ ngập trong nợ nần.

Cụ thể, khi chúng tôi đề nghị vay 20 triệu đồng, nhân viên “ngân hàng” này cho biết, người vay sẽ phải trả góp trong vòng 50 ngày, mỗi ngày 550.000 đồng. Như vậy, tổng tiền gốc và lãi sau 50 ngày là 27,5 triệu đồng, cũng không quá cao như vay nóng từ “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, qua trao đổi, nhân viên “ngân hàng” này tiết lộ thêm, sau khi ký hồ sơ, khách hàng vay 20 triệu đồng nhưng chỉ thực lãnh là 15,25 triệu đồng, số tiền còn lại bị “ngân hàng” thu với lý do: trừ 10% tiền phí tương đương 2 triệu đồng, đóng cho “ngân hàng” 5 ngày đầu tiên là 2,75 triệu đồng. 

Ngoài “ngân hàng” An Tâm Bank, hiện còn xuất hiện nhiều ngân hàng, công ty tài chính “ma” khác, như Công ty tài chính - ngân hàng BVCredit có trụ sở tại tòa nhà 37 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, Công ty tài chính Shark Credit có trụ sở tại tầng 10, số 144 Cộng Hòa, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM và tầng 10 tòa nhà Etown (364 Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM).

BVCredit quảng cáo có hệ thống thanh toán thông qua cửa hàng thế giới di động, viễn thông A, Viettel, FPT Shop, các bưu điện quận/huyện; còn Shark Credit cam kết cho vay lên đến 2 tỷ đồng, nợ xấu mức nào cũng vay được, mức lãi suất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: 0,66%/tháng cho gói 5-30 triệu đồng; 0,53%/tháng cho gói 30-70 triệu đồng; 0,35%/tháng cho gói 70-120 triệu đồng; 0,16%/tháng cho gói 150-700 triệu đồng. 

Đã có không ít trường hợp vì tin vào các ngân hàng, công ty tài chính “ma” này mà mất tiền. Mới đây, con gái bị bệnh, cần có tiền gấp để phẫu thuật, anh Thế Vinh - ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM, đang thuộc diện nợ xấu nhóm 3 của một ngân hàng - quyết định vay thông qua một phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên Công ty tài chính Shark Credit.

Người này nói có thể giới thiệu cho anh Vinh vay tại bất cứ ngân hàng nào ở TP.HCM với lãi suất chỉ 1,0%/tháng; nếu vay 20 triệu đồng, anh Vinh phải chi tiền hoa hồng 10%. Nghĩ phải mất 2 triệu đồng để có được số tiền chữa bệnh cho con, anh Vinh quyết định chuyển trước tiền hoa hồng. Đợi mãi không thấy có người đến làm hồ sơ vay, anh Vinh mới biết mình bị lừa. 

Toàn là công ty mạo danh

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt nam, chi nhánh TP.HCM - hiện trong hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam, không có ngân hàng hoặc công ty tài chính nào có các tên gọi như trên.

Đó đều là những ngân hàng hoặc công ty tài chính “ma”, do họ tự phong là ngân hàng và thường gặp nhất là tự phong công ty tài chính để lừa người đi vay. Những “ngân hàng” hoặc “công ty tài chính” này đều có tên na ná các tổ chức tín dụng uy tín hoặc ngang nhiên lấy địa chỉ trụ sở các tổ chức tín dụng để giới thiệu là trụ sở của mình. 

Chẳng hạn, “ngân hàng” An Tâm Bank đặt tên nhái theo Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình; Công ty tài chính - ngân hàng BVCredit nhái theo Ngân hàng VPBank và FE Credit. Địa chỉ 144 Cộng Hòa, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM mà “ngân hàng” An Tâm Bank và “công ty tài chính” Shark Credit quảng cáo là địa chỉ của Công ty tài chính FECredit thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).

Còn trụ sở của “Công ty tài chính - ngân hàng BVCredit” chính là hội sở, chi nhánh của nhiều ngân hàng lớn như Standard Chartered Việt Nam, Bank of India (BOI), Vietcombank, Công ty cho thuê tài chính Chailease…

Đại diện Ngân hàng VPBank khẳng định, hiện địa chỉ 144 Cộng Hòa, Q.Tân Bình là trụ sở của Công ty tài chính FE Credit, không có bất kỳ “ngân hàng” nào tên An Tâm Bank hoặc “công ty tài chính” nào tên Shark Credit.

Nhân viên công ty nếu phát namecard để tìm khách hàng thì trên đó phải có logo của FE Credit hoặc giới thiệu là nhân viên FE Credit, không việc gì phải lấy một tên khác. Đại diện ban quản lý tòa nhà Etown (Q.Tân Bình) cũng cho biết, không hề có “công ty tài chính” Shark Credit mở văn phòng tại đây.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cho biết, hiện nợ xấu được xếp vào 5 nhóm. Đối với nhóm 1 và 2, nhiều tổ chức tín dụng vẫn cho vay nhưng điều kiện xét duyệt khắt khe hơn những người không vướng nợ xấu; đối với nhóm 3, 4, 5, các ngân hàng thường không cho vay vốn vì khó có khả năng thu hồi được nợ.

Toàn bộ quá trình nợ xấu đều được hệ thống CIC (một tổ chức được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để thu thập thông tin về tín dụng từ các ngân hàng tại Việt Nam) ghi nhận.

Khi khách hàng mở thẻ tín dụng hoặc mở một khoản vay ở bất kỳ tổ chức tín dụng nào, những tổ chức tín dụng này sẽ cập nhật thông tin vào hệ thống CIC. Tình trạng tín dụng của người vay ra sao, tổ chức tín dụng đều nắm rõ.

Do đó, không thể có chuyện khách hàng đang vướng nợ xấu mà vẫn dễ dàng vay được tiền, như một số nơi đang quảng cáo. 

Đến nay, chỉ có 16 công ty tài chính được cấp phép và chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gồm: Công ty tài chính TNHH MTV Bưu Điện (Hà Nội), Công ty tài chính Cộng Đồng (Hà Nội), Công ty tài chính cổ phần Điện Lực (Hà Nội), Công ty tài chính cổ phần Handico (Hà Nội), Công ty tài chính Kỹ Thương (Hà Nội), Công ty tài chính Mirae Asset (TP.HCM), Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), Công ty tài chính HD SaiSon (TP.HCM), Công ty tài chính Home Credit Việt Nam (TP.HCM), Công ty tài chính Prudential Việt Nam (TP.HCM), Công ty tài chính quốc tế Việt Nam JACCS (TP.HCM), Công ty tài chính Tàu Thủy (Hà Nội), Công ty tài chính Toyota Việt Nam (TP.HCM), Công ty tài chính TMCP Sài Gòn - Hà Nội (Hà Nội), Công ty tài chính cổ phần Xi Măng (Hà Nội), Công ty tài chính MB Shinsei (Hà Nội).

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI