Nhà vườn từ chối thương lái ngoại, dành nhãn tím phục vụ khách Việt

15/08/2018 - 16:16

PNO - Vừa rộ lên đầu tháng 8, nhãn tím Sóc Trăng hiện có giá bán lên đến gần 500.000 đồng/kg. Dù nhiều khách muốn mua nhưng loại nhãn lạ này đang rất khan hàng.

Hết mùa, không có chuyện bao tiêu nguyên vườn

Chị Hoàng Thu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) được một người quen cho ăn thử trái nhãn tím độc đáo, giới thiệu là nhãn tím Kế Sách, Sóc Trăng. Chị nhận xét, nhãn tím có vỏ màu đỏ tím bắt mắt, thịt trắng trong, vị ngọt dịu hơn so với nhãn lồng thông thường.

Nha vuon tu choi thuong lai ngoai, danh nhan tim phuc vu khach Viet
Nhãn tím chưa xuất hiện nhiều trên thị trường

Khảo sát một số nhà vườn tại Sóc Trăng, giá nhãn tím khoảng 140.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi PV liên hệ tại địa điểm bán thì hầu hết đều thông báo đã hết hàng. 

Trong khi đó, một số trang web bán trái cây rao nhãn tím miền Tây với giá dao động từ 300.000 đến hơn 400.000 đồng/kg. Khách muốn mua phải đặt trước và chờ hàng, thậm chí cả tuần cũng chưa chắc có để mua.

Một cửa hàng bán trái cây online rao nhãn tím giá 399.000 đồng/kg, nguồn hàng được lấy tại vườn Sóc Trăng. Tuy nhiên, khi liên hệ mua thì nhân viên cửa hàng báo hết hàng: “Giá nhãn tím 399.000 đồng/kg là của tháng trước, hiện tại đã là 490.000 đồng/kg.  Hàng này phải đặt để cửa hàng lấy tận vườn. Anh muốn mua thì 4 ngày nữa gọi lại, nếu có dư sẽ bán vì khách đặt rất nhiều”.

PV Báo Phụ Nữ liên hệ ông Trần Văn Huy (tức Bảy Huy, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, Sóc Trăng). Ông được cho là người đầu tiên tại Việt Nam tìm ra giống nhãn tím đặc biệt này.

Theo ông Huy, nhãn tím từ vườn nhà ông ra thị trường giá 100.000 đồng/kg, duy trì trong nhiều năm kể từ thời điểm phát hiện giống nhãn lạ này vào năm 2004.

Nha vuon tu choi thuong lai ngoai, danh nhan tim phuc vu khach Viet
Nhãn tím hiếm hàng tại Việt Nam, loại trái cây này đang được nước ngoài săn lùng giống.

“Tôi tự nhân giống và cung cấp cây giống ra thị trường cũng được 500 - 700 cây/năm. Riêng nhãn thương phẩm thì mỗi một vụ bán được 1 tấn đổ lại, giá 100.000 đồng/kg”, ông Huy nói.

Theo ông Huy, việc nhãn tím bị đội giá trên thị trường là có thật. Nhiều nơi hét giá  500.000 - 800.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thông tin bao tiêu sản phẩm ở vườn là hoàn toàn sai lệch.

“Chuyện bao tiêu nguyên vườn là không có. Ai đến mua 100 kg ở vườn là tôi không bán. Tôi không biết người bán còn mua ở đâu không, chứ chỗ tôi giờ mua 3kg còn không có vì hết vụ nhãn tím rồi. Có thể là ở vườn nào còn nhưng cũng không nhiều đâu”, ông Huy nói thêm.

Từ chối thương lái nước ngoài để phục vụ người Việt

Mặc dù là giống nhãn quý, độc lạ, chỉ có duy nhất ở Việt Nam nhưng nhãn tím lại chưa được bảo hộ và đăng ký độc quyền. 

“Vài năm trước, tôi có đến Phòng Nông nghiệp ở huyện nhà để đăng ký bản quyền giống nhãn tím. Bên đó trả lời là từ 6 tháng đến 2 năm mới có bản quyền và yêu cầu đóng thêm 10 - 20 triệu đồng. Lúc đó, gia đình tôi phải chuẩn bị số tiền lớn thì hơi khó nên thôi tôi về. Thấy bà con có nhu cầu mua, tôi chiết cây bán lại. Hiện giống nhãn này khá phổ biến tuy chưa có đều ở các tỉnh. Do đã bán cây giống đại trà rồi nên tôi cũng không đăng ký làm gì nữa”, ông Huy kể lại.

Nha vuon tu choi thuong lai ngoai, danh nhan tim phuc vu khach Viet
Ông Trần Văn Huy, người được cho tìm ra giống nhãn tím độc đáo tại Việt Nam.

Mặc dù thu lợi khá nhiều từ cây giống chiết cành và bán ra từ lâu nhưng điều ông Huy tiếc nuối nhất là không bảo hộ được giống quý, tâm huyết nửa đời của ông.

“Đáng lẽ xã, huyện, tỉnh nhà phải hỗ trợ cho để tôi đăng ký bản quyền. Tôi nghĩ đây là quyền lợi nhiều bên chứ không riêng nông dân”, ông Huy nói.

Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng cho biết: “Diện tích nhãn tím trên địa bàn tỉnh không lớn, chủ yếu tập trung ở xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách. Dự định của chúng tôi là thời gian tới sẽ nhân rộng mô hình này, hỗ trợ cây giống, đầu ra, thị trường… để phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Quyết chia sẻ.

Ông Quyết cũng xác nhận với PV Báo Phụ Nữ về việc người Thái sang lùng mua giống nhãn tím về nhân giống vô tính, phát triển ngành du lịch của nước này. 

“Ông Huy chưa bảo hộ giống là thiệt thòi. Chỉ còn cách khuyến khích ông Huy nhân rộng giống để phát triển mô hình, chứ Sở và lãnh đạo không thể yêu cầu người dân không bán giống được”, ông Quyết nói.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, để đăng ký bản quyền sáng tạo của một giống cây hoàn toàn mới thì cần phải liên hệ với Cục Trồng trọt để xác định cây giống hoặc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Muốn đăng ký bản quyền thì phải làm việc trực tiếp với Sở Nông nghiệp của tỉnh đó. Tỉnh sẽ hướng dẫn cách làm thủ tục để đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ.

Riêng trường hợp của ông Trần Văn Huy, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa cho biết hiện tại ông Huy không thể đăng ký sở hữu bản quyền giống nhãn tím được nữa do ông đã bán giống ra thị trường quá nhiều, không ai có thể chứng minh được ông Huy là tác giả giống cây này.

“Việc chưa đăng ký bản quyền xong mà đã vội vàng bán ra thị trường sẽ rất khó xác định giống của ai. Khó khăn của ông Huy là do chính quyền chưa hỗ trợ đến nơi đến chốn”, tiến sĩ Nghĩa khẳng định.

Trao đổi với ông Huy về việc người Thái lùng mua nhãn tím, ông cho biết do là người đầu tiên phát hiện giống nhãn này nên từ thời điểm vừa tìm ra giống, người Thái đã sang ngỏ ý mua cây giống. Tuy nhiên, ông Huy từ chối vì chỉ muốn bán trong nước.

Vườn nhãn của ông Huy cũng được phía doanh nghiệp Đài Loan ngỏ ý bao tiêu trái thương phẩm. Thế nhưng, vì số lượng quá ít, thêm vào đó ông Huy cũng muốn bán cho người dân trong nước thưởng thức nên cũng đã từ chối bao tiêu, không cung ứng số lượng nhiều cho thương lái.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI