Nghề vẽ chân dung người đã khuất từ ký ức người sống

03/05/2018 - 08:44

PNO - Đối với họa sĩ Từ Hoa Lợi, vẽ tranh không đơn thuần là dùng viết vẽ lên một tờ giấy, mà phải hiểu được giá trị tinh thần của người đặt vẽ. Từ đó, ông vẽ bằng một tâm hồn lớn.

Tại một góc nhỏ chưa đầy 2 mét vuông trên đường Điện Biên Phủ (Q.3, TP.HCM), người họa sĩ vừa bước qua tuổi 80, giản dị trong trang phục quần tây, áo sơ mi, trầm lắng thả hồn mình vào từng nét vẽ. Phía trên, những bức chân dung truyền thần như cười đón người đối diện.

Nói về vẽ tranh truyền thần, Từ Hoa Lợi vui đến lạ, vui như chính ông đã tìm lại được một phần của cuộc đời mình. “Tôi thích vẽ người từ lúc tôi 6 tuổi, lúc đó tôi đã vẽ đẹp rồi đấy. Khi còn nhỏ, tôi chưa hiểu hết vẻ đẹp của tâm hồn, tôi chỉ vẽ theo kiểu ký họa. Tôi vẽ hoài, càng vẽ càng thích”.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Với góc nhỏ chưa đầy 2 mét vuông, 60 năm qua, họa sĩ Từ Hoa Lợi vẫn miệt mài vẽ trnah truyền thần.

Nhìn vào dụng cụ vẽ tranh của họa sĩ Từ Hoa Lợi, chắc chắn ai cũng sẽ ngạc nhiên và thích thú, ông yêu nghệ thuật, yêu cả những giá trị nghệ thuật. Ông cho biết: “Đây không phải là cây thông thường, đây là tre Việt Nam đấy. Tre Việt Nam ngày xưa giúp dân đánh giặc, bây giờ giúp tôi vẽ lên tâm hồn nhân dân. Tôi ít khi dùng bút chì, tôi chế ra những thanh tre này để chấm bột và vẽ, nhờ vậy nét vẽ có thần hơn, tranh giữ được lâu hơn”.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Những bức chân dung truyền thần như nhìn xoáy vào người đối diện.

Với ông, vẽ tranh không đơn thuần là dùng viết vẽ lên một tờ giấy, mà phải hiểu được giá trị tinh thần của người đặt vẽ. Nhờ vẽ truyền thần, ông có thể hiểu được tâm tư của nhân vật.

Theo họa sĩ Từ Hoa Lợi, khó nhất là thể hiện đôi mắt và miệng, 2 bộ phận này toát lên thần thái nhân vật. Ngoài ra, những đường nét khác trên mặt cần phải quan sát thật kỹ mới nói lên được tính cách. 

Người vẽ truyền thần lâu năm khi nhìn vào gương mặt nhân vật sẽ hiểu về nội tâm, tính cách của người đó. Khi vẽ như đang trò chuyện với nhân vật mới gọi là truyền thần. 

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Những dụng cụ vẽ "không giống ai" đối với ông cũng là một nghệ thuật.

60 năm qua, giữa ồn ào xe cộ, với dụng cụ không giống ai, màu vẽ từ hòn than, viên đá, trên chiếc ghế sờn cũ, họa sĩ Từ Hoa Lợi đã vẽ nên không biết bao nhiêu bức ảnh truyền thần. Trong số đó, hàng chục bức ảnh ông vẽ từ lời kể, từ sự thấu hiểu tận tấm lòng của con, cháu người đã khuất.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Theo họa sĩ Từ Hoa Lợi, khó nhất là thể hiện đôi mắt và miệng, 2 bộ phận này toát lên thần thái nhân vật.

“Đa số những người đó trước đây không có điều kiện chụp ảnh. Đến khi họ qua đời, con, cháu họ không có tấm ảnh nào để thờ phụng, chỉ có lư hương và tình cảm, sự đau đáu về một bức hình. Ban đầu tôi không dám nhận vẽ, vì sợ tác phẩm của mình không giống người quá cố, người thân của họ càng đau lòng hơn. Mãi đến khi có cụ ông 90 tuổi đến tận nơi nhờ tôi vẽ cha của ông. Cụ ông ấy quá khẩn thiết, tôi lấy hết can đảm đồng ý”, họa sĩ Từ Hoa Lợi nhớ lại.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Với ông, mỗi bức ảnh có một giá trị riêng nên ông chưa từng từ chối một ai khi đến gặp và cần ông vẽ giúp.

Theo Từ Hoa Lợi, ông nhận lời vẽ nhưng khá bối rối, vì cụ ông đã lớn tuổi, đường nét gương mặt không còn rõ ràng nữa, ông khó lòng định hình người thân sinh quá cố của cụ.

Cuối cùng, Từ Hoa Lợi nghĩ ra cách mời 12 người con cháu của ông cụ lại để cụ chọn ra những người có đặc điểm giống nhất với người quá cố, sau đó ngồi nghe ông cụ kể lại thần thái cũng như tính cách nhân vật. Từ đó, họa sĩ Từ Hoa Lợi ngồi phác thảo bức ảnh, vừa nghe câu chuyện từ cụ ông, người họa sĩ bắt đầu chăm chú vẽ.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Nhờ vẽ truyền thần, ông có thể hiểu được tâm hồn của nhân vật, hiểu được giá trị tinh thần của người đặt vẽ.

“Khi tôi hoàn thành bức vẽ, ông cụ vừa nhìn thấy đã ôm bức ảnh vào lòng, bật khóc như đứa trẻ lâu ngày gặp lại cha của mình. Tự nhiên, nước mắt tôi tuôn trào, tôi không nghĩ cái nghề nhỏ này lại mang về một giá trị tinh thần lớn như thế. Đối với tôi đó là một nghề, một đam mê, nhưng với khách hàng đó là cơ hội để họ tìm lại một ký ức, một giá trị thiêng liêng của riêng họ”, ông xúc động.

Nghe ve chan dung nguoi da khuat tu ky uc nguoi song
Với ông ngoài sự tận tụy, sự đam mê, thì uy tín là điều không thể thiếu, đó là thước đo sự tử tế trong mỗi công việc, 60 năm qua, không bao giờ ông trễ hẹn với khách.

Họa sĩ Từ Hoa Lợi luôn quan niệm, vẽ tranh truyền thần phải là sự tự nguyện, sự yêu thích và cả một khát vọng cháy bỏng, mới vẽ lên được cái thần của nhân vật. Nếu bắt ép, người vẽ sẽ phá hỏng tính nhân văn của nghệ thuật một cách thô lỗ. 

Phạm An
Ảnh: Hương Giang

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI