Lật tẩy nguyên liệu trà sữa cao cấp - Bài 2: Nguyên liệu Trung Quốc tấn công thị trường trà sữa Việt

17/01/2018 - 12:30

PNO - Lực lượng quản lý thị trường TP. Hà Nội đã phát hiện nhiều cơ sở làm giả nguyên liệu trà sữa từ nguồn hàng trôi nổi có nguồn gốc Trung Quốc.

Hô biến trà Trung Quốc thành hàng Việt 

Bước vào kho hàng có mặt tiền ước chừng không quá 4m2 tại số 10 Lê Quang Đạo, Q. Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội, người ta sẽ không khỏi bất ngờ khi biết được đây là cơ sở chuyên biến những túi trà không rõ nguồn gốc thành hàng “made in Việt Nam”.

Với trang thiết bị khá thô sơ là một chiếc máy dùng để hàn bao bì ni-lông, cậu nhân viên thoăn thoắt cắt túi trà in toàn chữ Trung Quốc rồi đổ “phần lõi” sang mẫu túi bạc trắng trơn. Sau khi đóng gói, các bao bì này được dán nhãn với thương hiệu “Pelo Yen Tea” gồm trà xanh vị bưởi, hồng trà vị cam…

Lat tay nguyen lieu tra sua cao cap - Bai 2: Nguyen lieu Trung Quoc tan cong thi truong tra sua Viet
 

Địa chỉ của nhà cung cấp sản phẩm được dán trên nhãn mới là Công ty TNHH Chè Peloyen (ở thôn Bản Mới, xã Bằng Phúc, H. Chợ Đồ, tỉnh Bắc Kạn), sản xuất tại Công ty TNHH Thế Hệ Mới Vĩnh Phúc (thôn Hưng Thịnh, xã Hợp Thịnh, H. Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc), số công bố hợp quy 1855/2016/YTHN-XNCB. 

Tuy nhiên, tại thời điểm Đội quản lý thị trường số 1 của Chi cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội kiểm tra (tối 15/1), đơn vị thuê kho hàng là Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam (ở CT 3E, ngách 379/58 đường Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, TP. Hà Nội) hoàn toàn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của sản phẩm. 

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 200 túi chè (mỗi túi gồm 50 gói lọc) thành phẩm, 630 túi được đóng sang gói bạc nhưng chưa kịp dán nhãn và 1.200 gói nguyên bản có nhãn ghi bằng chữ Trung Quốc.

Tại biên bản làm việc, bà Nguyễn Thị Hường - Giám đốc Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam - thừa nhận hành vi làm giả trà Việt Nam và tiết lộ, toàn bộ các sản phẩm này đều được cung cấp cho các quán trà sữa. Ngoài trà nguyên liệu, lực lượng chức năng cũng tạm giữ 144 hộp sữa đặc có nhãn Trung Quốc, mỗi hộp sữa có trọng lượng 5kg và chưa được dán nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài kho hàng này, Công ty TNHH Heekcaa Việt Nam còn là chủ sở hữu của hệ thống cửa hàng trà sữa Heekcaa với năm chi nhánh tại TP.HCM và TP. Hà Nội. 

Sáng 16/1, trong vai một thực khách quan tâm tới các thương hiệu trà sữa, chúng tôi được một người quản lý chia sẻ, sức hấp dẫn của các quán trà không phải từ nguồn gốc sản phẩm mà do cách pha chế sao cho thơm ngon, hợp khẩu vị. Để kinh doanh có lãi, các cửa hàng phải chủ động nhập khẩu tận gốc các loại nguyên liệu chứ không phải nhập lại từ mối đổ buôn.

Mặc dù ban đầu khẳng định với chúng tôi nguyên liệu là của Việt Nam nhưng khi hỏi về việc vận chuyển hàng vào các chi nhánh phía Nam như thế nào, người này lại cho biết: “Hàng từ nước ngoài được nhập thẳng về các cảng nên không cần phải nhập về Hà Nội rồi mới chuyển đi. Chỗ nào có cảng là nhận được hàng”.

Tràn lan nguyên liệu trôi nổi

Ngoài vụ làm giả nguyên liệu trà sữa tại số 10 Lê Quang Đạo nói trên, hơn nửa tháng trước, Đội Quản lý thị trường số 1 cũng phát hiện một kho hàng lớn không rõ nguồn gốc tại ga Giáp Bát, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Trong gần 300 thùng các-tông là đủ loại mặt hàng như kem sữa, trân châu khô, trà khô, nước trái cây hương vị cam, dâu, chanh leo, kiwi… được dán nhãn bằng chữ Trung Quốc, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Số hàng này chuẩn bị được vận chuyển vào TP. Đà Nẵng để tiêu thụ. Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Taco với thương hiệu trà sữa Tocotoco cũng từng bị lực lượng chức năng phát hiện nhiều nguyên liệu không rõ nguồn gốc nhưng sau đó được thay đổi nhãn mác thành của mình để bán.

Lợi nhuận “khủng” từ dịch vụ kinh doanh trà sữa là một trong những lý do khiến các cửa hàng này đang nở rộ tại các thành phố lớn với đủ thương hiệu.

Bỏ ra trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng cho một ly trà sữa nhưng hầu hết khách hàng không biết được nguyên liệu từ đâu, có an toàn cho sức khỏe hay không.

H. - một đầu mối tại chợ Đồng Xuân - bật mí khi nghe chúng tôi tìm hiểu để mua hàng: “Các loại si-rô tạo hương vị được đóng trong các can 2 lít, nhưng khi về, các em phải đổ vào các lọ nhỏ để khách hàng không bị ghê”.

Khi biết chúng tôi có ý định mở quán trà sữa để phục vụ sinh viên, chủ hàng liền kê cho một đơn hàng gồm bột sữa, hồng trà, trân châu, bột béo với tổng số tiền là 1,6 triệu đồng: “1kg bột sữa có thể pha với 5 lít nước và giữ tủ lạnh trong năm, bảy ngày. Với số hàng này, bọn em bán chậm nhất trong một tháng là hết”. 

H. cho biết, có rất nhiều loại bột sữa từ Indonesia, Malaysia nhưng khuyên chúng tôi nên lấy hàng của Đài Loan vì mức giá mềm, chỉ hơn 50.000 đồng/kg. Nói đoạn, chủ hàng này chìa ra một túi bột màu trắng không nhãn mác và cho biết đây là hàng đã được chiết từ bao lớn có trọng lượng 25kg.

Các nguyên liệu khác cũng có mức “giá bèo” như trân châu khô 15.000 đồng, can hương liệu 50.000 đồng… Với công thức mà H. cung cấp, mỗi ly trà sữa thành phẩm thơm ngon, đầy màu sắc cũng chỉ có giá vốn 5.000 đồng. 

Lợi nhuận “khủng” từ dịch vụ kinh doanh trà sữa là một trong những lý do khiến các cửa hàng này đang nở rộ tại các thành phố lớn với đủ thương hiệu. Bỏ ra trung bình từ 40.000 - 50.000 đồng cho một ly trà sữa nhưng hầu hết khách hàng không biết được nguyên liệu từ đâu, có an toàn cho sức khỏe hay không.

Tuấn Minh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI