Lật tẩy nguyên liệu trà sữa cao cấp - Bài 1: Bột trà xanh từ thân, lá cây trà phế thải

17/01/2018 - 09:26

PNO - Chỉ trong nháy mắt, hàng trăm túi trà Trung Quốc đã được “hô biến” thành sản phẩm “made in Việt Nam”. Thậm chí, bột trà xanh còn được làm từ trà phế thải, tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Thực tế, nguyên liệu chính để chế biến “trà sữa cao cấp” tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe đang được nhập liên tục vào Việt Nam. 

Chủ một công ty kinh doanh trà và có vườn trà tại tỉnh Lâm Đồng cho biết, bột trà xanh matcha được cho là nhập từ Đài Loan nhưng thật ra hầu hết được làm từ thân, lá cây trà phế thải, nhiều nguy cơ tồn dư các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Lat tay nguyen lieu tra sua cao cap - Bai 1: Bot tra xanh tu than, la cay tra phe thai
Nguyên liệu trà sữa trôi nổi đang được mang vào một cửa hàng trà sữa "cao cấp" tại Q.1, TP.HCM.

Trà sữa luôn “hot”  

Khoảng ba, bốn năm trở lại đây, nhiều quán trà sữa với đủ thương hiệu trong và ngoài nước thi nhau mọc lên như nấm trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM. Để xứng với thương hiệu cao cấp, các quán trà sữa này đều có không gian đẹp “không chê vào đâu được”, lại còn mời nhiều người nổi tiếng đến uống trà để tạo sự chú ý.

Giới sành trà sữa còn nhớ sự kiện nửa năm trước, trong ngày khai trương chi nhánh thứ hai trên đường Ngô Đức Kế, Q.1, TP.HCM, thương hiệu trà sữa M. xuất xứ từ Đài Loan tiếp đón hơn 20 người là các hot girl, ca sĩ, diễn viên, facebooker nổi tiếng, đồng thời tặng 1.500 ly trà sữa miễn phí cho khách hàng dùng thử, tổ chức cuộc thi ảnh selfie đang uống trà sữa để nhận được iPhone 7.

Thương hiệu trà sữa C. từ Thái Lan (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1) còn mời một ca sĩ nổi tiếng làm gương mặt đại diện. Chưa đầy một tháng sau ngày khai trương, trà sữa C. đã trở thành thương hiệu siêu “hot” và được các bạn trẻ rần rần “check-in” trên các trang mạng xã hội. 

Khách đông đến nỗi lối ra vào của các cửa hàng này đều được căng dây để khách xếp hàng mua, hoặc mang về, hoặc uống tại chỗ. Giá mỗi ly trà sữa tại các cửa hàng này dao động từ 40.000 - 80.000 đồng, tùy vào mùi vị và các loại hạt (topping) đi kèm. 

Lật tẩy nguyên liệu “cao cấp”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít quán trà sữa mang thương hiệu nổi tiếng vẫn sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Nguyên liệu pha trà sữa gồm bột béo, trân châu, thạch trái cây, trà, sữa được nhập về qua công ty, có đường dây riêng. 

Theo mách nước của nguồn tin, 6g sáng, chúng tôi đã túc trực trước quán trà sữa thương hiệu Đài Loan trên đường Ngô Đức Kế, Q.1, nơi mỗi ly trà sữa được bán với giá 32.000 - 46.000 đồng.

Chỉ khoảng 15 phút sau, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông lái chiếc xe ba gác đến, trên xe chở ba bao tải lớn (như bao đựng lúa) cáu bẩn, mỗi bao nặng khoảng 50 - 70kg và bốn can nhựa trắng loại 25 lít cùng nhiều thùng giấy khác. 

Lat tay nguyen lieu tra sua cao cap - Bai 1: Bot tra xanh tu than, la cay tra phe thai
Nguyên liệu làm trà sữa trôi nổi.

Những bao tải này là bột béo dùng để pha trà sữa. Chúng như những bao đựng hàng xá khác, không có nhãn hiệu hay bất kỳ thông tin nào ngoài những dòng chữ viết nguệch ngoạc.

Còn các can nhựa chứa một chất lỏng màu vàng đậm chính là nước đường, bên ngoài dán một tờ giấy màu đỏ lớn, chi chít chữ Trung Quốc và vài câu tiếng Anh, phía bên dưới dán thêm một tờ giấy màu trắng lớn để chữ “HO, made in Taiwan, fructose”, hoàn toàn không có thông tin nào bằng tiếng Việt theo quy định ghi nhãn nhập khẩu.

Thông tin tiếng Anh cũng rất sơ sài, chỉ ghi giá trị dinh dưỡng như chất béo bão hòa, đường, năng lượng, đạm, sodium (chất bảo quản), hoàn toàn không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Riêng các thùng giấy đựng bột trà xanh thì cũng được dán một mảnh giấy nhỏ sơ sài, chi chít tiếng Anh và tiếng Hoa, được cho là nhập từ Đài Loan về. Thông tin trên tờ giấy này cũng chỉ có tên thương hiệu trà sữa C., giá trị dinh dưỡng của trà xanh, hoàn toàn không có thông tin gì khác.

Khi nhìn hình ảnh những sản phẩm này, tiến sĩ Phan Thế Đồng - khoa Khoa học công nghệ Trường đại học Hoa Sen - khẳng định, sản phẩm được nhập về rồi sang chiết, đóng gói tại Việt Nam hoặc có thể được nhập lậu, bởi nếu nhập trực tiếp từ Đài Loan thì phải có nhãn tiếng Việt, in trực tiếp lên thùng giấy, lên bao tải chứ không thể chỉ dán một tờ giấy nhỏ như vậy.

Đường fructose từ các can nhựa trên là loại đường từ tinh bột được tạo thành từ quá trình thủy phân, chuyển hóa. Quan trọng là quá trình chuyển hóa có tinh sạch hay không. Nước đường có màu vàng sậm giống các can nhựa như miêu tả là do lẫn màu caramel hoặc một số chất sinh ra từ quá trình xử lý đường ở nhiệt độ cao và chất này có khả năng gây ung thư nếu dùng nhiều.

Còn chất bảo quản “sodium” mà nhà sản xuất ghi trên các thùng đường, thùng bột trà xanh đều rất lập lờ, không đúng quy cách, bởi sodium phải có thêm một cụm từ ở phía trước hoặc phía sau thì mới đúng công thức hóa học của một chất bảo quản. 

“Bột béo khi nhập từ Đài Loan về được đựng trong bao 50 - 70 ký, nhà sản xuất sẽ in thông tin trực tiếp lên bao. Nếu bao bột béo tại cửa hàng trên cũng có trọng lượng tương tự nhưng lại không hề có thông tin gì bên ngoài bao chứng tỏ là sản phẩm trôi nổi. Những bột béo này không được cơ quan chức năng kiểm tra cho phép nhập khẩu, thường chứa nhiều phụ gia và tạp chất. Các phụ gia, tạp chất không rõ nguồn gốc này đều gây hại sức khỏe, có nguy cơ gây ung thư ” - tiến sĩ Phan Thế Đồng khẳng định. 

Chủ công ty sản xuất - kinh doanh trà và có vườn trà tại tỉnh Lâm Đồng cho biết, bột trà xanh matcha được cho là nhập từ Đài Loan nhưng thật ra, hầu hết chúng được làm từ thân, lá của cây trà phế thải.

Ngay tại một số xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhiều người Trung Quốc đã “thâu tóm”, điều hành các vườn trà. Sau khi thu hoạch đọt trà, lá trà thì thân, lá cây trà thay vì được cắt ngang và sử dụng làm phân cho đất thì các ông chủ Trung Quốc này thu gom đem về nước, xay ra làm bột trà xanh matcha. Lá, thân cây trà phế thải sẽ có mùi khét, vị chát và để làm ra bột matcha từ nguyên liệu này, những ông chủ Trung Quốc phải sử dụng công nghệ, hóa chất để thay đổi mùi vị, không loại trừ có sử dụng các hóa chất độc hại. 

“Trên thân cây trà, gốc trà tồn dư thuốc trừ sâu và các loại thuốc bảo vệ thực vật khác. Nếu sử dụng trà phế thải này để chế biến thành trà xanh matcha, sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng” - ông chủ này nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI